Khi lao động nữ lớn tuổi mất việc
Số lao động nữ lớn tuổi mất việc ngày một nhiều, trong khi cơ hội xin được việc làm mới đối với họ hầu như không còn. Bảo vệ quyền lợi của nữ công nhân khi bước sang tuổi 40 là vấn đề cần phải được đặt ra khi các doanh nghiệp từ chối tuyển dụng, trong khi tuổi hưu của họ vẫn chưa đến, nhiều người rơi vào cảnh bơ vơ trong cuộc mưu sinh.
Thực tế cho thấy khi doanh nghiệp gặp khó khăn, buộc phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động thì đối tượng đầu tiên chính là lao động nữ tuổi từ 40 trở lên. Rời nhà máy khi đã lớn tuổi, hầu hết các chị đều không thể xin được việc mới, đành rơi vào cảnh thất nghiệp. Khó khăn chồng chất khó khăn vì các chị phải gồng gánh gia đình từ ngày này sang ngày khác.
Tại hội thảo "Bài toán đào tạo việc làm cho phụ nữ tuổi trung niên" mới đây, đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM cho biết, thành phố là một trong những địa phương có lực lượng lao động đông nhất cả nước. Thống kê của năm 2023, TPHCM có trên 4,7 triệu lao động trong các thành phần kinh tế, trong đó nữ chiếm trên 46%. Trong số 164.929 trường hợp nhận trợ cấp thất nghiệp từ Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM thì có tới 56,3% là nữ. Số lao động nữ trên 40 tuổi mất việc chiếm 27,5% trong tổng số lao động nữ thất nghiệp.
Gắn bó nhiều năm với nghề, bỗng chốc “ra đường”, lao động nữ lớn tuổi chới với trong cuộc mưu sinh. Nhiều người đành ngồi nhà với hy vọng được công ty gọi đi làm trở lại. Nhưng tích lũy không có, cuộc sống cơm áo gia đình thúc ép nên họ phải nhận làm thuê nhiều công việc khác nhau, như như lau dọn nhà, chăm sóc người bệnh nặng, bán mớ rau, con cá ở chợ “chồm hổm” được đồng nào hay đồng nấy... Số ít chị em năng động hơn thì vừa đưa võng ru con vừa livestream bán hàng, chốt đơn, kiêm luôn cả chân shipper.
Tất nhiên là cả doanh nghiệp lẫn lao động nữ lớn tuổi đều không muốn điều đó. Nhưng tiếc thay, thực tế vẫn là thực tế. Vậy phải làm gì để họ sớm ổn định cuộc sống?
Một khảo sát cho thấy số người rút bảo hiểm xã hội một lần năm sau luôn cao hơn năm trước, với tốc độ tăng trung bình mỗi năm khoảng 10%/năm. 67% người nhận Bảo hiểm xã hội một lần có dưới 5 năm đóng, tuổi bình quân 31,7 tuổi; gần 10% là người có từ 10 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên, tuổi bình quân 42 tuổi.
Nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn khi cho rằng quy định tuổi nghỉ hưu cao nhưng lại không có quy định nào bảo vệ người lao động lớn tuổi. Khi người lao động đã bước sang tuổi 40, 50 cũng là lúc doanh nghiệp tìm cách sa thải. Không có việc làm thì lấy đâu tiền đóng tiếp bảo hiểm cho đến khi nghỉ hưu.
Tạo việc làm cho lao động nữ lớn tuổi mất việc là vấn đề xã hội mang tính cấp bách, khi mà họ lâm vào cảnh "tuổi hưu chưa đến, tuổi nghề đã hết". Theo PGS.TS Nguyễn Đức Lộc - Viện trưởng Viện Đời sống xã hội, hiện có khoảng cách khá lớn giữa tuổi nghề và tuổi hưu. Tuổi người lao động càng tăng thì cơ hội việc làm càng thu hẹp. Nhất là với người lao động làm việc theo dây chuyền trong các nhà máy chỉ biết một công đoạn, không thể hoàn thành sản phẩm hoàn chỉnh, nên họ rất khó để bắt đầu một công việc mới khi phải “ra đường”.
“Khi mất việc, lao động lớn tuổi khó tìm được việc làm mới. Vì thế, cần có chính sách đào tạo, an sinh bền vững đối với họ” - ông Lộc nói.
Ngoài việc lao động nữ sau khi mất việc được hưởng một số quyền lợi vật chất nhất định, nhiều ý kiến cho rằng Hội Phụ nữ, Công đoàn cần lập quỹ cho vay với lãi suất ưu đãi trong một thời gian nhất định, để họ có thể “khởi nghiệp” dù rất muộn màng. Khi họ không thể bám trụ lại thành phố, phải trở về quê hương nơi đã ra đi, thì chính quyền địa phương cần có chính sách hỗ trợ thiết thực. Không chỉ để chị em hòa nhập trở lại mà căn cơ hơn còn để họ có điểm tựa vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Đã đến lúc cần có chính sách cho lao động nữ lớn tuổi mất việc. Chúng ta vẫn thường nghe nói về sự hỗ trợ là “cho con cá hay cho cần câu”. Trong trường hợp này chính sách hỗ trợ chính là cả “con cá” lẫn “cần câu”. Vì đó cũng chính là sự ưu việt của chế độ ta.