Gia tăng cơ hội việc làm
Ngày 14/3, các tỉnh, thành phía Bắc, nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất như Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh... đã cùng phối hợp tổ chức Phiên giao dịch việc làm trực tuyến, với hơn 41.000 chỉ tiêu tuyển dụng.
Lao động có trình độ được doanh nghiệp săn đón
10 địa phương tham gia gồm: Hà Nội, Ninh Bình, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Thái Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng và Phú Thọ. Phiên giao dịch việc làm đã thu hút 154 đơn vị, doanh nghiệp (DN) tham gia với tổng số 41.777 việc làm chờ người lao động.
Ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, Bắc Giang, Bắc Ninh là 2 địa phương có chỉ tiêu tuyển dụng lớn nhất, bỏ xa các tỉnh, thành còn lại, lần lượt là 17.338 và 11.113 việc làm; theo sau là Thái Bình với 4.018 chỉ tiêu; Ninh Bình 3.224; Hải Phòng 2.410; Quảng Ninh 1.286…
“Khác với các phiên tuyển dụng trước, lần này nhóm có trình độ cao đẳng, đại học được các DN tìm kiếm nhiều nhất, chiếm 40% trong tổng số chỉ tiêu tuyển dụng; nhóm công nhân kỹ thuật và có trình độ trung cấp chiếm 35%, còn lại là nhóm lao động phổ thông” - ông Thành cho biết.
Cũng theo ông Thành, tương ứng với các nhóm trình độ, DN cũng đưa ra nhiều phân khúc lương hấp dẫn, phù hợp với khả năng của người lao động, từ 5 triệu đồng đến trên 15 triệu đồng/tháng. Riêng tại sàn việc làm Hà Nội, có 30 DN tham gia phiên với 1.125 chỉ tiêu tuyển dụng. Hơn một nửa các DN hoạt động trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, còn lại thuộc nhóm khác như sản xuất, xây dựng… Mức lương phổ biến được các DN chi trả dao động từ 7 - 10 triệu đồng/tháng, chủ yếu cho các vị trí việc làm ổn định như: kế toán, nhân viên văn phòng, lễ tân, nhân viên kỹ thuật có tay nghề. Hơn 27% là các chỉ tiêu có mức từ 10 – 15 triệu đồng/tháng, tuyển dụng vào các vị trí kinh doanh, quản lý, giám sát, trưởng - phó phòng…
Bên cạnh đó, các DN cũng dành khoảng 16,4% chỉ tiêu có mức thu nhập cao từ 15 triệu đồng/tháng trở lên cho các vị trí tuyển dụng chất lượng cao, người lao động có kinh nghiệm và chuyên môn tốt, có khả năng chịu áp lực công việc cao.
Đào tạo nghề gắn với nhu cầu
Sau Tết Nguyên đán, thị trường lao động tiếp đà phục hồi, sự khởi sắc đầu năm thể hiện tại các thị trường lao động lớn trong cả nước. Tại Hà Nội, các DN đang tích cực tuyển dụng lao động ngay từ thời điểm đầu năm để bổ sung nguồn lao động, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh.
Đây là cơ hội cho người lao động, nhất là sinh viên, học viên mới tốt nghiệp tìm được việc làm, và người lao động có nhu cầu thay đổi việc làm phù hợp. Một số nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng lớn như: Bán buôn bán lẻ, công nghiệp chế biến, chế tạo, vận tải – logistics, dịch vụ nhà hàng khách sạn, du lịch…
Đại diện trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết với sự phối hợp chuẩn bị tốt của các trung tâm Dịch vụ việc làm, và bám sát thông tin thị trường lao động năm 2024, phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối 10 tỉnh, thành phố phía Bắc được kỳ vọng nâng cao hiệu quả kết nối cung – cầu tại sàn giao dịch việc làm. Thông qua đó, tạo cơ hội việc làm cho tất cả người lao động trên địa bàn TP Hà Nội cũng như các tỉnh, thành phố phía Bắc.
Tuy nhiên, thách thức nổi cộm nhất là việc mất cân đối cung – cầu lao động cục bộ tiếp tục diễn ra. Đáng chú ý là thực trạng chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng với nhu cầu của thị trường, nhiều DN phải săn đón và tuyển lao động nước ngoài. Chính vì vậy, bên cạnh giải pháp điều tiết thị trường lao động thông qua tổ chức các Phiên giao dịch việc làm trực tuyến, về lâu dài TS Nguyễn Hữu Dũng - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho rằng, cần có chính sách khuyến khích hình thành và phát triển nhanh thị trường lao động trình độ cao, tạo môi trường cho lao động chất lượng cao tự do di chuyển giữa các ngành, vùng, lĩnh vực. Cùng với đó, phát triển đào tạo, giáo dục nghề nghiệp gắn với nhu cầu của thị trường lao động, tăng cường liên kết giữa cơ sở đào tạo, giáo dục nghề nghiệp và DN với các mô hình đa dạng, hiệu quả; chú trọng đào tạo các kỹ năng mềm; đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng của thị trường lao động hiện đại, áp dụng công nghệ cao.
Nhằm hỗ trợ vốn cho các dự án khởi nghiệp của sinh viên trường nghề, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành Quyết định số 228 về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” trong năm 2024. Theo đó, việc triển khai đề án này nhằm trang bị các kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp, giúp học sinh, sinh viên tự tin, chủ động, sáng tạo trong việc khởi nghiệp cũng như tìm việc làm, tự tạo việc làm sau khi tốt nghiệp.
Riêng tại sàn việc làm Hà Nội, có 30 doanh nghiệp tham gia trong phiên giao dịch việc làm ngày 14/3 với 1.125 chỉ tiêu tuyển dụng. Hơn một nửa doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, còn lại thuộc nhóm khác như sản xuất, xây dựng… Mức lương phổ biến được các doanh nghiệp chi trả dao động từ 7 - 10 triệu đồng/tháng, chủ yếu cho các vị trí việc làm ổn định như: kế toán, nhân viên văn phòng, lễ tân, nhân viên kỹ thuật có tay nghề. Hơn 27% là các chỉ tiêu có mức từ 10 - 15 triệu đồng/tháng, tuyển dụng vào các vị trí kinh doanh, quản lý, giám sát, trưởng - phó phòng…