Nan giải tình trạng nhiễm mặn ở Ấn Độ
Khi nước biển tràn vào bờ biển Odisha (Ấn Độ), sinh kế trở nên cạn kiệt sau vụ thu hoạch và rất ít đám cưới diễn ra khi phụ nữ trẻ từ chối chuyển đến những khu vực mà họ không nhìn thấy tương lai.
Với một bên là biển và một bên là cánh đồng, Udaykani - một ngôi làng ven biển thuộc bang Odisha của Ấn Độ cùng với làng Tandahar lân cận đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi một trận siêu bão với cường độ mạnh nhất từng được ghi nhận ở phía Bắc Ấn Độ Dương, đổ bộ vào 25 năm trước. Cùng với sự biến động môi trường ngày càng tăng của Vịnh Bengal trong những năm qua, độ mặn của đất và nước tăng lên, kéo theo đó là mất đất nông nghiệp, sinh kế và triển vọng hôn nhân.
Ông Vaidehi Kardi (64 tuổi) - cư dân Tandahar cho biết: “Khi đất nhiễm mặn, cây trồng của chúng tôi héo khô. Dần dần, nước cũng trở nên mặn hơn khiến cuộc sống và việc kết hôn của con cái chúng tôi trở nên khó khăn hơn bao giờ hết, bởi mọi người đều cảm thấy ngôi làng không còn an toàn nữa”.
Theo Cơ quan Quản lý thảm họa quốc gia Ấn Độ, với đường bờ biển dài 7.500km, tiểu lục địa Ấn Độ phải hứng chịu gần 10% số cơn bão trên thế giới. Hầu hết hình thành trên Vịnh Bengal và tấn công bờ biển phía Đông. Vịnh Bengal ghi nhận số lượng lốc xoáy nhiều gấp 4 lần so với Biển Ả Rập trên bờ biển phía Tây Ấn Độ. Từ năm 2020 đến tháng 6 năm ngoái, 9 cơn bão đã tấn công Vịnh Bengal.
Bang Odisha đã ghi nhận tình trạng xói mòn 28% dọc theo bờ biển dài 280 dặm của bang này. Tháng 3 năm ngoái, chính quyền bang cho biết, 16 ngôi làng trong bang đã biến mất dưới biển và 247 ngôi làng khác phải đối mặt với số phận tương tự khi mực nước biển dâng cao.
Ông Budheswar Kardi (74 tuổi) cư dân ở Udaykani cho biết: “Chúng tôi phải mất một thời gian dài mới hồi phục sau sự tàn phá của trận siêu bão năm 1999. Nhà cửa bị phá hủy hoàn toàn và hầu hết đất nông nghiệp bị mất. Biển đã tiến dần vào trong nên chúng tôi phải di dời vào sâu hơn trong đất liền. Chúng tôi đã cố gắng hồi sinh dần vùng đất của mình nhưng không mấy thành công. Thậm chí bây giờ, có cảm giác như biển đang tiếp tục di chuyển vào trong mỗi năm”.
4 năm trước, ông Arjun Pradhan (58 tuổi) đã thúc giục con trai mình chuyển lên thành phố không chỉ để tìm việc làm mà còn để tìm một người vợ. “Chúng tôi có những hạn chế nhất định khi nói đến hôn nhân, nhưng tôi không muốn áp đặt bất kỳ hạn chế nào lên con trai mình. Tôi muốn con mình cuộc sống ổn định và tốt đẹp” – ông Arjun Pradhan nói.
Tuy nhiên, vấn đề không chỉ là triển vọng hôn nhân bị ảnh hưởng. Với độ mặn của đất ngày càng tăng khiến nước không thể uống được, ngay cả bạn bè và người thân cũng không muốn đến thăm. Ông Kanchan Swain (50 tuổi), đến từ Tandahar cho biết: “Bất cứ ai đến thăm chúng tôi đều không bao giờ ở lại qua đêm. Bởi chúng tôi không có nước uống được. Ngay cả việc tắm rửa cũng không được áp dụng đối với du khách vì sợ bệnh ngoài da”.
Tình trạng nhiễm mặn đất nông nghiệp là một trong những vấn đề môi trường cấp bách nhất. Theo một nghiên cứu của Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), hơn 833 triệu ha đất trên toàn thế giới đã bị nhiễm mặn, tương đương 10% đất nông nghiệp, trong khi một số ước tính cho thấy, độ mặn cao ảnh hưởng đến 1/3 diện tích đất nông nghiệp được tưới tiêu, với con số này ngày càng tăng 10% một năm.
Khi đất nông nghiệp không thể chống đỡ được tình trạng nhiễm mặn ngày càng tăng thì sinh kế truyền thống bị mất cân bằng. “Chúng tôi đã làm nông nghiệp qua nhiều thế hệ nhưng ngày nay đất đai không còn sức sống. Chúng tôi còn lựa chọn nào khác ngoài việc gửi con đi nơi khác?” – ông Kardi nói.
Những ngôi làng ven biển hiện là nơi sinh sống của hầu hết đàn ông và phụ nữ lớn tuổi – những người bị bỏ lại phía sau để chăm sóc mảnh đất của cha ông khi những người trẻ chuyển đi nơi khác, dù cả công việc và bạn đời đều không dễ dàng tìm được ngay cả sau khi di cư.
Anh Abhijeet Pradhan - người đã chuyển đến Hyderabad cho biết, công việc của anh ở đây không ổn định. Hiện anh làm bồi bàn tại một khách sạn và đã phải chuyển 3 công việc trong 2 năm qua. “Ai lại đồng ý kết hôn với một người có tương lai không chắc chắn như vậy?” – anh Pradhan nói.
Hồi tưởng về những cánh đồng trù phú và mùa màng bội thu, ông Kardi nói: “Chúng tôi đã cố gắng phục hồi sản lượng cây trồng của mình nhưng tình trạng nhiễm mặn đã gây thiệt hại nặng nề. Cây trồng không bao giờ phát triển hết công suất. Các loại rau chúng tôi trồng thu hút sâu bệnh. Sản lượng không đủ để tiêu dùng chứ đừng nói đến việc bán hàng để kiếm sống”.
Udaykani và những ngôi làng lân cận khác từng có giếng, tầng ngậm nước được bổ sung và các lỗ khoan để tưới tiêu, nhưng lốc xoáy lặp đi lặp lại đã làm tiêu tan tất cả, khiến nước ngầm bị nhiễm mặn. Kể từ đó, dân làng sống dựa vào nền nông nghiệp nhờ nước mưa, với cây trồng chính là lúa gạo. Điều này có nghĩa là thu hoạch và doanh thu thay đổi theo từng năm tùy thuộc vào lượng mưa và điều kiện đất đai.
Ông NA Ansari - nhà hoạt động xã hội trong khu vực Odisha của Ấn Độ và là chủ một đài phát thanh cộng đồng phổ biến thông tin về khủng hoảng khí hậu cho biết, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng lộ rõ ở những ngôi làng này, khiến cơ quan lâm nghiệp phải trồng rừng phi lao để giảm thiểu tác động của sự xâm nhập của nước biển. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa có đánh giá chính xác về thiệt hại cũng như hậu quả sắp xảy ra để giúp đỡ họ.