Sức khỏe

Nội soi lấy dị vật sắc nhọn trong đường tiêu hóa trẻ em

Minh Quang 15/03/2024 09:33

Khoa Nội soi (Bệnh viện trung ương Thái Nguyên) vừa thực hiện thành công kỹ thuật can thiệp lấy dị vật là kim diệt tủy răng qua nội soi cho bệnh nhi nam D.T.H. (8 tuổi, ở huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên).

bai-duoi-tr13.jpeg
Các bác sĩ Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí nội soi gắp dị vật cho người bệnh. Ảnh: BVCC.

Trước đó, bệnh nhi được gia đình cho đi khám và diệt tủy răng ở một cơ sở y tế của huyện. Trong quá trình diệt tủy răng, do bệnh nhi hiếu động nên kim diệt tủy đã bị rơi vào đường tiêu hóa và được chụp X-quang ổ bụng, thấy có dị vật cản quang, gia đình đã đưa bệnh nhi đến Bệnh viện trung ương Thái Nguyên khám và điều trị.

Tại khoa Nội soi, bệnh nhi đã được gây mê và nội soi thực quản, dạ dày, tá tràng, kíp nội soi phát hiện thấy kim diệt tủy răng nằm dưới khúc III tá tràng. Ngay lập tức, kíp nội soi đã tiến hành can thiệp gắp dị vật ra khỏi tá tràng của bệnh nhi thành công.

BS Nguyễn Hoàng Hà, thành viên kíp nội soi cho biết: Quá trình nội soi, gắp bỏ chiếc kim ra khỏi tá tràng của bệnh nhi hết sức khó khăn do chiếc kim đã mắc trong ruột khá lâu và sâu. Hơn nữa, do đây là vật sắc nhọn nên nếu không thực hiện cẩn thận có thể gây thủng ruột, nguy hiểm. Sau khi chiếc kim được gắp bỏ ra khỏi cơ thể, bệnh nhi sức khỏe ổn định, bụng mềm, không chướng, không nôn. Đây là trường hợp hi hữu về người bệnh là trẻ em không may nuốt phải dị vật sắc nhọn vào cơ thể.

Liên quan đến việc xử lý dị vật đường tiêu hóa, các bác sĩ tại Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí chia sẻ, thường xuyên tiếp nhận các trường hợp nhập viện do có dị vật đường tiêu hóa. Các dị vật thường là do vô tình nuốt phải trong lúc ăn như hạt hồng xiêm, hóc xương, răng giả… Đặc biệt ở trẻ nhỏ thì thường là các đồ vật nhỏ, đồ chơi, đồng xu, pin…

Các dị vật sắc nhọn thường kẹt lại và cắm vào thành thực quản, gây loét, nặng hơn là chảy máu, áp-xe, thủng thực quản rồi lan sang các bộ phận nằm gần thực quản như: thủng cung động mạch chủ gây mất máu ồ ạt và tử vong nhanh chóng hoặc làm tràn khí màng phổi gây khó thở, thậm chí tràn vào trung thất gây áp-xe trung thất. Nếu dị vật đi qua dạ dày xuống ruột non gây biến chứng: viêm, thủng ruột non, nhiễm trùng nhiễm độc hoặc ổ áp-xe trong ổ bụng. Còn đối với các dị vật có kích thước lớn chủ yếu chèn ép các bộ phận ở gần thực quản. Triệu chứng chủ yếu là nôn ói, cảm giác nghẹn nặng ngực, trào ngược. Nếu chèn ép vào khí quản thì sẽ có triệu chứng ho, khó thở khò khè giống hen suyễn hay viêm phế quản. Nếu chèn ép vào tim sẽ gây loạn nhịp tim, tức ngực hồi hộp, thậm chí khó thở… dị vật qua dạ dày xuống ruột non gây tắc ruột.

Hiện nay, với phương tiện nội soi bằng ống mềm, các bác sĩ có thể dễ dàng phát hiện dị vật và gắp dị vật ra ngoài không cần phẫu thuật đối với dị vật tại thực quản, dạ dày. Trong vòng 24 giờ sau khi gắp dị vật, người bệnh nên được uống sữa lạnh và ăn cháo nguội để tránh loét thực quản.

Minh Quang