Không quy định đường cao tốc tối thiểu 4 làn đường
Chiều 15/3, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ.
Tại phiên họp, báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, về quy định chung đối với đường cao tốc (Điều 47 dự thảo Luật Chính phủ trình), có ý kiến đề nghị quy định đường cao tốc tối thiểu phải là 4 làn đường và phải có làn dừng khẩn cấp.
Thường trực Ủy ban Quốc phòng và an ninh thấy rằng, ý kiến nêu trên là xác đáng. Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng đường cao tốc còn phụ thuộc khả năng cân đối ngân sách và huy động nguồn lực; mặt khác, đây là vấn đề thuộc tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, sẽ được Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, quy định chi tiết. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và an ninh đề nghị không quy định cụ thể những nội dung này trong dự thảo Luật.
Về đầu tư xây dựng, phát triển đường cao tốc (Điều 50 dự thảo Luật Chính phủ trình), có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định “công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư được thực hiện theo quy mô quy hoạch” tại khoản 4, ông Tới cho hay: Trên cơ sở báo cáo của Ban soạn thảo đánh giá ưu, nhược điểm của phương án giải phóng mặt bằng một lần theo quy mô quy hoạch và phương án giải phóng mặt bằng nhiều lần theo tiến độ phân kỳ đầu tư, Thường trực Uỷ ban Quốc phòng an ninh nhận thấy, về cơ bản việc giải phóng mặt bằng theo quy mô quy hoạch không làm tăng đáng kể tổng mức đầu tư dự án, nhưng lại đem lại nhiều lợi ích về kinh tế, xã hội và về tổ chức thực hiện dự án.
Đối với điểm hạn chế về quản lý, sử dụng phần đất chưa đầu tư xây dựng tại giai đoạn phân kỳ, có thể áp dụng một số giải pháp như trồng cây xanh để tạo cảnh quan, tận dụng phần đất này. Vì vậy, Thường trực Uỷ ban Quốc phòng an ninh nhất trí với quy định của dự thảo Luật Chính phủ trình.
Có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định tại khoản 8 Điều 50, vì chưa phù hợp, thống nhất với quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Thường trực Uỷ ban Quốc phòng an ninh nhận thấy ý kiến ĐBQH là xác đáng. Tuy nhiên, nếu tính cả giá trị tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ hiện hữu vào tỷ lệ vốn nhà nước trong dự án thì tỷ lệ vốn nhà nước thường cao hơn mức cho phép quy định tại Luật PPP nên khó thực hiện.
Để khắc phục vướng mắc trên, Thường trực Uỷ ban Quốc phòng an ninh nhất trí với nội dung dự thảo Luật Chính phủ trình, nhưng đề nghị cho chuyển nội dung khoản 8 Điều 50 sang Điều 90 của dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý để bổ sung quy định sửa đổi, bổ sung Điều 70 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, bảo đảm tính thống nhất của pháp luật.
Về phí sử dụng đường cao tốc (Điều 54 dự thảo Luật Chính phủ trình), có ý kiến đề nghị đánh giá sự cần thiết quy định thu phí sử dụng đường cao tốc trên tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, sở hữu, quản lý và khai thác.
Thường trực Uỷ ban Quốc phòng an ninh thấy rằng, để thực hiện chủ trương của Quốc hội tại các Nghị quyết phê duyệt đầu tư các tuyến đường cao tốc, Bộ Giao thông vận tải đã triển khai nghiên cứu phương án thu phí trên các tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, đánh giá tác động trong trường hợp thu phí và không thu phí đối với các tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, kết quả cho thấy: các tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư đều có đường quốc lộ song hành, cho phép người tham gia giao thông có quyền lựa chọn sử dụng đường cao tốc hoặc đường quốc lộ; người tham gia giao thông trên đường cao tốc được hưởng nhiều lợi ích hơn; hình thức thu phí sử dụng đường bộ hiện tại chưa phân loại được người sử dụng đường bộ thông thường và người sử dụng đường bộ cao tốc (được hưởng chất lượng dịch vụ tốt hơn).
Vì vậy, Thường trực Uỷ ban Quốc phòng an ninh nhất trí với nội dung này trong dự thảo Luật Chính phủ trình và đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định của Luật Phí và lệ phí như quy định tại Điều 90 dự thảo Luật.
Liên quan đến việc có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về phân chia nguồn thu từ phí sử dụng đường bộ trong trường hợp ngân sách trung ương và ngân sách địa phương cùng đầu tư, Thường trực Uỷ ban Quốc phòng an ninh cho biết, vừa qua Quốc hội đã ban hành một số nghị quyết về chủ trương đầu tư xây dựng đường bộ, đường bộ cao tốc theo phương thức hòa chung ngân sách trung ương và ngân sách địa phương.
Tuy nhiên, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Phí và lệ phí hiện hành chưa có quy định về phân chia nguồn thu từ phí sử dụng đường bộ trong trường hợp này. Vì vậy, để có cơ sở thực hiện phân chia nguồn thu từ phí phù hợp với các dự án đầu tư xây dựng theo phương thức này, Thường trực Uỷ ban Quốc phòng an ninh đề nghị cho bổ sung khoản 3 Điều 54 giao Chính phủ quy định về phí sử dụng đường bộ cao tốc và khoản 2 Điều 90 quy định sửa đổi, bổ sung Điều 18 Luật Phí và lệ phí như dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý.