Xây dựng môi trường văn hóa báo chí tương ứng với thời đại mới
Chiều 15/3, tại TP HCM, trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc năm 2024, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức tọa đàm Chủ đề “Xây dựng môi trường văn hóa báo chí”.
Ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân; Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam dự tọa đàm.
Ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam đánh giá, những năm gần đây, cùng với sự đổi mới đi lên của đất nước, báo chí cách mạng Việt Nam luôn xứng đáng là lực lượng xung kích về mặt trận tư tưởng, văn hóa, góp phần gìn giữ, phát huy các giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp.
Tuy nhiên, cùng với sự vươn lên mạnh mẽ, báo chí cách mạng Việt Nam cũng đang đối diện với các thách thức, những hệ lụy mặt trái của sự phát triển. Trong đó, nổi lên hiện tượng một bộ phận báo chí xa rời, tôn chỉ, mục đích, thờ ơ với công chúng, bạn đọc của mình, tìm đến các thị hiếu tầm thường, sản xuất, nội dung chủ yếu nhằm tăng số lượng truy cập; tình trạng nhà báo vi phạm đạo đức công việc, sách nhiễu cơ quan, doanh nghiệp, thậm chí dọa nạt, tống tiền, vi phạm pháp luật có chiều hướng gia tăng.
“Để được có một nền báo chí Việt Nam thật sự hiện đại, nhân văn, mỗi người làm báo, mỗi cơ quan báo chí cần có những chiến lược, kế hoạch phù hợp để xây dựng môi trường báo chí”, ông Lợi đề nghị.
Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Tiến Thanh, Tổng Biên tập Tạp chí Đời sống và Pháp luật cho rằng, tại sao phải xây dựng văn hóa trong môi trường báo chí? Có nhiều nguyên nhân nhưng gốc rễ của vấn đề là báo chí hiện nay đã thay đổi theo những thay đổi của xã hội, thời cuộc. Bản thân của sản phẩm báo chí đã có nhiều thay đổi so với trước đây. Vì thế việc xây dưng môi trường văn hóa báo chí cần tương ứng với thị trường, thời cuộc nhằm phù hợp với thời cuộc và đáp ứng được các nhu cầu thông tin của bạn đọc.
“Nếu chúng ta chỉ kêu gọi chung chung thì sẽ rất khó, trong khi nhiều cơ quan báo chí hiện nay đang thiếu cơ chế và các nguồn lực để xây dựng môi trường văn hóa, trong đó cần chú trọng đến những vấn đề thiết thực liên quan đến công tác xuất bản của tòa soạn, quy trình, hỗ trợ đời sống cho các nhà báo, phóng viên, cộng tác viên”, ông Thanh mong muốn.
Trước câu hỏi của việc hiện đã có quy định về sử dụng mạng xã hội, quy tắc, đạo đức người làm báo của người làm báo đã có nhưng nhiều người làm báo vẫn chưa tuân thủ, ông Phạm Văn Báu, Giám đốc Đài Phát thanh – Truyền hình Thanh Hóa cho biết, có tình trạng dẫn link bài báo một đường nhưng nêu ý kiến một nẻo để dẫn dắt dư luận. Cũng có tình trạng về việc “ảo tưởng quyền lực” của một số nhà báo để lèo lái dư luận. Đó là thực trạng đang lo ngại nếu đặt bên cạnh nhưng quy chuẩn của đạo đức nhà báo và những đồng nghiệp làm việc với nghề chân chính.
Tham gia ý kiến tại phiên tham luận, Nhà báo Thanh Trang, Báo Pháp luật TP HCM chia sẻ, báo hiện có hơn 170 cán bộ, phóng viên, có 4 cơ quan đại diện tại các tỉnh, thành trong cả nước. Khi có tiêu chí cơ quan báo chí văn hóa, năm 2019, báo đã phát động việc xây dựng văn hóa, bằng cách: Xây dựng cơ quan tuân thủ các quy định; Xây dựng môi trường đoàn kết, vì sự nghiệp chung;… để quán triệt, giáo dục đến tất cả các cán bộ, phóng viên trong cơ quan.