Mặn bủa vây, dân gặp khó
Đồng bằng sông Cửu Long đang vào cao điểm mùa khô. Mực nước các cửa sông xuống thấp khiến mặn xâm nhập sâu vào nội đồng. Việc thiếu nước ngọt đang đe dọa hàng nghìn héc ta lúa vụ Đông Xuân muộn tại các tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu. Trong khi đó, tại tỉnh Thanh Hóa, các huyện ven biển cũng đang phải ứng phó với tình trạng “mặn hóa”. Không chỉ sản xuất nông nghiệp, mà đời sống người dân cũng đang gặp nhiều khó khăn.
Hiện đang vào giai đoạn giữa mùa khô 2023-2024, cao điểm của nắng nóng và xâm nhập mặn, ít có khả năng xuất hiện mưa trái mùa. Nguồn nước về Đồng bằng sông Cửu Long trong tháng 3 khả năng vẫn ở mức thấp, dẫn đến xâm nhập mặn ở mức cao đến hết mùa khô, có khả năng ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Đồng bằng sông Cửu Long: Nguy cơ thiệt hại lớn khi thiếu nước ngọt
Tỉnh Bạc Liêu có gần 48.000ha lúa đang canh tác. Trong đó, vụ lúa trên đất tôm còn hơn 3.000ha đang trong giai đoạn trổ - chín, tập trung ở các xã Lộc Ninh, Vĩnh Lộc, Ninh Hòa, thị trấn Ngan Dừa (huyện Hồng Dân). Dự kiến, trà lúa này sẽ thu hoạch dứt điểm vào tháng 3/2024. Riêng vụ Đông Xuân xuống giống hơn 44.600ha, hiện các trà lúa đang trong giai đoạn mạ, đẻ nhánh, làm đòng, trổ bông.
Ông Nguyễn Hoàng Nhân, ấp 16A, xã Tân Phong thị xã Giá Rai cho biết, ông có hơn 3ha gần 40 ngày tuổi đã bị nước mặn "tấn công", ngọn lá bắt đầu cháy vàng. “Tôi đầu tư rất nhiều vốn vào vụ này, nếu nước trên Kênh Ngang tiếp tục nhiễm mặn sợ không có nước ngọt để bơm, nguy cơ thiệt hại 3ha lúa rất cao", ông Nhân cho biết.
Ông Lương Văn Khương - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phong cho biết, Tân Phong là nơi cuối nguồn nước ngọt nên sản xuất vụ lúa Đông Xuân có nhiều khó khăn hơn so với các địa phương khác trong tỉnh. “Khi nước ngọt điều tiết về chúng tôi khuyến cáo người người dân nhanh chóng bơm nước lên ruộng lúa đồng loạt để tránh thiếu nước cũng như xâm nhập mặn” - ông Khương nói.
Còn tại Sóc Trăng, mặc dù ngành chức năng và chính quyền địa phương khuyến cáo nông dân trong vùng hạn, mặn xâm nhập không sản xuất vụ lúa Đông Xuân muộn (lúa vụ 3), nhưng nhiều nông dân vì thấy giá lúa cao nên chủ quan vẫn xuống giống nên hiện nhiều diện tích lúa bị thiệt hại do thiếu nước tưới.
Ông Danh Ngọc Triệu (xã Long Phú, huyện Long Phú) cho biết, gia đình ông xuống giống 10ha lúa vụ 3, với giống OM5451, hiện lúa đã được hơn 1 tháng tuổi. Những ngày qua do độ mặn các sông tăng cao, ngành chức năng đã đóng cống ngăn mặn, nguồn nước nội đồng cạn kiệt nên nguy cơ diện tích lúa sản xuất bị thiệt hại trong thời gian tới là khó tránh khỏi.
Đứng bên ruộng lúa đang có nguy cơ nhiễm mặn cao, ông Lâm Đông (xã Tân Hưng, huyện Long Phú) buồn rầu cho biết, năm trước tình hình mặn không gay gắt như năm nay, cộng với giá lúa năm ở mức cao nên nhiều nông dân mới xuống giống muộn. “Nhà tôi có gần 5 công lúa mới xuống giống, chi phí đầu tư ban đầu phân thuốc, lúa giống hơn 5 triệu đồng. Hiện tình trạng hạn hán, mặn xâm nhập gay gắt nên diện tích lúa có nguy cơ bị thiệt hại là trên 50%” - ông Lâm nói.
Tương tự, tại huyện Trần Đề, hiện có 514 ha lúa Đông Xuân muộn (lúa vụ 3) nông dân xuống giống không theo khuyến cáo của ngành chức năng. Chính quyền địa phương cùng ngành chức năng đang tích cực phối hợp để thông tin về tình hình độ mặn và vận hành các cống để chia sẻ nguồn nước ngọt giúp nông dân bơm tưới.
Ông Phạm Tấn Đạo - Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi tỉnh Sóc Trăng cho biết, xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024 ở mức sớm và cao hơn trung bình nhiều năm, cao hơn cùng kỳ mùa khô 2022-2023.
Thanh Hóa: Các huyện ven biển “gồng mình” ứng phó
Mặc dù đây mới là thời điểm đầu mùa khô nhưng do thời tiết hanh khô, lượng mưa ít nên mực nước tại nhiều hồ, đập, sông suối tại Thanh Hóa đã xuống thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước, tình trạng xâm nhập mặn tại các huyện ven biển tăng bất thường.
Tại xã Nga Phú, huyện ven biển Nga Sơn, mực nước tại các hệ thống sông chính và các kênh mương đang xuống ở mức thấp kỷ lục. Điều này đang khiến 100ha lúa vụ lúa chiêm xuân năm nay gặp nhiều khó khăn. Mặc dù chính quyền địa phương đã thực hiện các giải pháp cung cấp đầy đủ nguồn nước, nhưng do nhiễm mặn nên năng suất lúa giảm so với trước, ảnh hưởng đến thu nhập của người dân.
Bà Mai Thị Xuân (thôn 4, xã Nga Phú) cho biết: Khoảng 1 tháng trở lại đây, cây lúa đang xanh tốt bỗng nhiên bị chững lại, vàng lá và không phát triển. Khi nhổ thử các bụi lúa lên kiểm tra, rễ đều bị thâm đen và thối… Nguyên nhân là do chất đất từ trước đây đã bị nhiễm mặn, dù hàng năm đều thau rửa nhưng nguồn nước năm nay không đủ nên chua phèn ở dưới đã làm ảnh hưởng đến cây lúa.
“Dù người dân đã thực hiện các biện pháp chăm sóc phục hồi nhưng năng suất chắc chắn sẽ sụt giảm nghiêm trọng, thậm chí có thể mất trắng, ảnh hưởng đến kinh tế của người dân nếu tình trạng thời tiết khô hạn vẫn kéo dài như hiện nay” - bà Xuân nói.
Tương tự, tình trạng xâm nhập mặn còn diễn ra ở các xã Nga Thủy, Nga Tân, Nga Bạch, Nga Tiến... Để ứng phó với tình trạng xâm nhập mặn trên lưu vực sông Càn (hệ thống sông chính của Nga Sơn), UBND huyện Nga Sơn đã tiến hành đắp đập tạm để mùa mưa thì ngăn lại, mùa cạn lại dỡ ra; chủ động đóng âu Báo Văn để ngăn mặn và giữ ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, đồng thời khuyến cáo người dân sử dụng nước tưới tiết kiệm, hợp lý.
Ở thời điểm này, giống như huyện Nga Sơn, các huyện ven biển khác của tỉnh Thanh Hóa, như Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Quảng Xương, Tĩnh Gia cũng đang phải gồng mình chống chọi. Số liệu quan trắc của Sở NNPTNT tỉnh Thanh Hóa cho thấy, trên sông Lèn nước mặn từ cửa biển xâm nhập vào đến khoảng 19km, đối với đỉnh triều, độ mặn đã lên tới 1,5 phần nghìn; trên sông Mã độ mặn là 1,49 phần nghìn. Tình hình xâm nhập mặn dao động ở mức cao hơn so với năm 2023, vào sâu hàng chục km từ cửa biển đến nội đồng. Độ mặn một số nơi đã vượt qua ngưỡng cho phép. Vì vậy, các trạm bơm ở khu vực này rất khó lấy được nước ngọt, gây khó khăn cho việc cấp nước phục vụ sản xuất và đẩy hàng trăm ha lúa vụ chiêm xuân vào tình trạng giảm năng xuất nghiêm trọng, thậm chí nhiều diện tích còn có nguy cơ mất trắng.
Ông Cao Văn Cường - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Thanh Hóa cho biết, đã yêu cầu Chi cục Thủy lợi phối hợp với các đơn vị liên quan theo dõi sát diễn biến thời tiết, thủy văn, kịp thời thông tin, cảnh báo các khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng. Tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn, hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại. Đồng thời, tích cực đấu mối, phối hợp với chủ đầu tư giải quyết khó khăn, vướng mắc để sớm hoàn thiện dự án hệ thống thủy lợi sông Lèn, nhằm ngăn mặn, giữ ngọt ở cửa sông để cấp nước phục vụ sản xuất và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
“Chúng tôi đã yêu cầu các công ty quản lý, khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là tại các vùng trọng yếu phải xây dựng lịch tưới luân phiên cho tất cả các kênh trong từng hệ thống tưới theo phương châm “cao xa trước, thấp gần sau”, nhất là trong thời kỳ căng thẳng về nguồn nước, tránh tình trạng tranh chấp nguồn nước. Ngoài ra, các đơn vị đóng, mở cống ở các cửa sông, cửa biển hợp lý để giữ nước ngọt, ngăn nước mặn; kiểm soát chặt chẽ độ mặn để lấy nước tưới đảm bảo yêu cầu, có biện pháp xử lý nhiễm mặn kịp thời ở các vùng triều”- ông Cường thông tin thêm.
Ông Phạm Văn Thành - Phó Chủ tịch UBND huyện Nga Sơn (tỉnh Thanh Hóa) cho biết, để hạn chế xâm nhập mặn, hàng năm UBND huyện đã tổ chức đắp đập tạm để ngăn mặn, giữ ngọt lấy nước từ sông Đáy để dồn nước về phục vụ sản xuất, kiên cố hoá, bê tông hoá các hệ thống đê điều trên địa bàn huyện, qua đó giúp người dân có nước ổn định, phục vụ sản xuất nông nghiệp. Huyện cũng yêu cầu Trạm bơm Xa Loan bơm nước từ sông Càn và âu Báo Văn vào các kênh mương chính, phục vụ bà con lấy nước bơm dưỡng cho cây lúa và các loại cây trồng khác.
Theo lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng, diện tích xuống giống vụ lúa Đông Xuân muộn trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng hơn 41.000 ha; trong đó có khoảng 10.500 ha nằm ngoài kế hoạch (vùng không khuyến cáo không sản xuất do hạn mặn xâm nhập) nên hiện có hơn 3.000 ha đang đối mặt với nguy cơ thiệt hại do thiếu nước sản xuất.