Thị trường bất động sản 2024: Kỳ vọng gỡ hết các điểm nghẽn
Việc hoàn thiện 3 bộ luật liên quan đến thị trường bất động sản (BĐS) sẽ tháo gỡ những điểm nghẽn về pháp lý, giúp cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp BĐS trong sẽ sớm khởi sắc trong năm 2024 và những năm tiếp theo. Đó là kỳ vọng của giới chuyên gia, nhà quản lý tại Diễn đàn BĐS Mùa Xuân lần thứ IV diễn ra ngày 15/3 tại Hà Nội.
Xu hướng “nhà ở vừa túi tiền”
Tại Diễn đàn, đánh giá về bức tranh thị trường bất động sản (BĐS), PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, Phó Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội nhìn nhận, vừa qua, thị trường BĐS gặp rất nhiều khó khăn do 2 rào cản: Thể chế pháp lý và tiếp cận nguồn vốn. Nhưng có thể thấy, việc hoàn thiện 3 bộ luật liên quan đến thị trường BĐS là thành quả chung, là sự nỗ lực rất lớn của Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành, toàn dân trong gần 2 năm góp ý, chỉnh sửa hoàn thiện việc xây dựng luật. Ông Tiến bày tỏ hy vọng, những tháo gỡ về pháp lý sẽ nhanh chóng được thực hiện, phát huy tác dụng giúp cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) trong năm 2024 và những năm sau sẽ khởi sắc.
Tại Diễn đàn, nhiều ý kiến nhấn mạnh đến vấn đề “nhà ở vừa túi tiền” để cung và cầu gặp nhau, khi đó sẽ tạo đà cho thị trường phát triển ổn định. LS.TS Đoàn Văn Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn CEO cho biết, trong Hội nghị với Thủ tướng ngày 14/3, Hiệp hội Bất động sản TPHCM đã đề xuất để nhà có giá 35 triệu đồng/m2 được phép tiếp cận gói 120.000 tỷ đồng. Như vậy, khái niệm về “nhà ở vừa túi tiền” hiện nay có thay đổi rất lớn, không còn ở mức 1.000 USD mà có thể đã tăng lên gấp đôi. Đây cũng là vấn đề nóng mà chúng ta cần giải quyết. Nêu một số kinh nghiệm phát triển “nhà ở vừa túi tiền” của một số quốc gia, trong đó có Mỹ, Đức, Trung Quốc, ông Bình một lần nữa khẳng định, phát triển “nhà ở vừa túi tiền” ngày càng nhận được sự quan tâm mạnh mẽ hơn từ chính phủ các nước và là xu hướng phổ biến hiện nay.
Nêu quan điểm của mình về vấn đề nhà ở xã hội đang rất nóng hiện nay, ông Lê Viết Hải - Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình nhấn mạnh, vấn đề cốt lõi là những ưu đãi về nhà ở xã hội như phê duyệt dự án, phê duyệt phương án thiết kế, đối tượng người mua, quy mô dự án, giá bán còn rất phức tạp. Tuy nhiên, gốc của vấn đề vẫn là những ưu đãi của Nhà nước về thuế sử dụng đất, thuế VAT, tín dụng, chi phí quản lý chưa phù hợp với quy luật của thị trường nên chưa thể đi đến thống nhất giữa Nhà nước và nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng tập trung thảo luận về những chủ đề đang nhận được nhiều sự quan tâm và đóng vai trò then chốt, gần như mang tính quyết định đối với sự phục hồi của thị trường BĐS trong giai đoạn tới. Đó là câu chuyện về nền tảng pháp lý tạo động lực cho giai đoạn chuyển mình mới của thị trường BĐS, đặc biệt quan trọng là việc tổ chức thực hiện 3 bộ luật "xương sống" của thị trường và tháo gỡ vướng mắc trong các nghị định, thông tư có kịp thời hay không.
Làm sao để mọi người dân đều có nhà ở
Ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, quan điểm của Đảng và Nhà nước là làm sao mọi người dân đều có nhà ở, tuy nhiên tâm lý của đại bộ phận người Việt Nam đều muốn sở hữu nhà riêng, do đó, nên phát triển nhà ở theo hướng cho thuê, đặc biệt là nhà ở xã hội. Ở nhiều nước phát triển, trong đó nổi bật là nước Đức, nhà ở cho thuê là loại hình chính. “Thiết nghĩ, việc phát triển nhà ở xã hội nên theo hướng nhiều nhà cho thuê, tăng tỷ trọng lên 30 – 40% sẽ giải quyết được vấn đề nhà ở. Nhà nước nên khuyến khích DN, người dân đầu tư nhà ở cho thuê. Trong dân còn nhiều tiền, nhưng lại chỉ đang biết gửi ngân hàng trong khi nhà ở cho thuê cũng là kênh tiềm năng và giải quyết được bài toán nhà ở” – ông Hà nói.
Còn theo chuyên gia kinh tế - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, nhà ở xã hội là nhà ở của Nhà nước đứng ra quy hoạch, hỗ trợ cho bộ phận dân cư yếu thế. Nhà ở thương mại có giá phải chăng là Nhà nước hỗ trợ cho bộ phận người dân đại trà, đáp ứng đại đa số quần chúng. Nhà ở cao cấp, chúng ta cũng cần có tiêu chuẩn, quy chuẩn rõ ràng. Bởi mang tiếng là nhà ở cao cấp nhưng thực tế không ít dự án có nội thất, dịch vụ chưa đủ cao cấp. Vì vậy, khâu đầu tiên cần quan tâm là định nghĩa rõ loại nhà và quy hoạch. “Chúng ta cần quy hoạch làm sao để mang đặc tính khu dân cư, đáp ứng nơi ăn chốn ở, công việc, nhu cầu sinh hoạt. Còn có quan điểm nhà ở xã hội giá thấp nên chất lượng thấp, dẫn đến nhiều khu xây xong không bán được, người dân không đến ở nên đã đến lúc chúng ta cần làm bài bản”- ông Thịnh chỉ rõ.
Theo ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đối với việc phát triển nhà ở xã hội, không nên có cách tiếp cận theo hướng "ta chỉ nên", "ta chỉ làm” mà cần tiếp cận theo nhiều cách, nhiều góc độ để miễn sao kết quả cuối cùng là hỗ trợ được cho người dân. “Luật Đất đai năm 2024 đã có nhiều điểm mới so với luật cũ, cần phải tiếp cận ở góc độ rộng hơn”- TS Phan Đức Hiếu nhấn mạnh.