Bệnh Whitmore: Khó chẩn đoán, nguy cơ tử vong cao
Bệnh Whitmore là bệnh ít gặp, không lây lan thành dịch. Tuy nhiên, đây là căn bệnh có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, khó chẩn đoán và có thể gây ra nguy cơ tử vong cao với người bệnh.
Thông tin từ Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh cho biết, trên địa bàn đã ghi nhận ca bệnh Whitmore là học sinh nam ở phường Hà Mãn (thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Được biết, trước khi nhập viện, bệnh nhân xuất hiện khối sưng to, nề, đỏ, đau ở vùng đùi trái kèm sốt, ở nhà dùng thuốc không đỡ.
Bệnh nhân vào Trung tâm Y tế thị xã Thuận Thành được chẩn đoán áp-xe đùi trái, sốt không rõ nguyên nhân, điều trị bằng kháng sinh, giảm đau và chích rạch áp-xe. Tuy nhiên sau gần 2 tuần điều trị, tình trạng không cải thiện, bệnh nhân vẫn sốt và hạch bẹn trái sưng to. Bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh điều trị. Tại đây, bệnh nhân vẫn liên tục sốt cao, đau đầu và xuất hiện tình trạng nhiễm khuẩn huyết.
Bệnh nhân tiếp tục được chuyển lên Bệnh viện Nhi trung ương (Hà Nội) điều trị. Các bác sĩ lấy dịch ổ áp-xe làm xét nghiệm nuôi cấy vi khuẩn, phát hiện có trực khuẩn Burkholderia Pseudomallei (gây bệnh Whitmore). Hiện tại sức khỏe bệnh nhân ổn định.
Được biết, bệnh nhân có tiền sử khỏe mạnh, không mắc các bệnh mãn tính, suy giảm miễn dịch và được tiêm chủng đầy đủ các mũi vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.
Tuy nhiên, gia đình bệnh nhân cho biết, 9 ngày trước khi xuất hiện triệu chứng khởi phát, bệnh nhân có tham gia chương trình ngoại khóa tại một số địa điểm trong tỉnh Bắc Ninh. Trong đó, tại một địa điểm, bệnh nhân bị ngã, gây ra vết thương ở vùng kẽ ngón chân trái. Cũng trong quá trình dã ngoại tại địa điểm này, bệnh nhân đi chân đất, không mang giày dép, trời mưa phùn.
Trước đó, Bệnh viện trung ương Quân đội 108 cũng đã thu dung và điều trị bệnh nhân A.D. (50 tuổi), được chẩn đoán áp xe vùng cổ gáy trái, và lưng do vi khuẩn B. pseudomallei. Theo ghi nhận, khoảng 2 tuần trước khi vào viện, bệnh nhân đột ngột nổi hạch cổ, hạch dưới hàm, đã đi sinh thiết hạch và chẩn đoán hạch viêm cấp, u nang tuyến giáp. 5 ngày gần đây, bệnh nhân sốt cao liên tục 39-40 độ C; sốt nóng, không rét run, không khó thở, không đau bụng, không có tiểu buốt rắt, không có loét. Kèm theo sút cân nhanh (6kg/1 tháng).
Bệnh nhân đã dùng kháng sinh đường uống nhưng không đỡ. Bệnh nhân vào viện trong tình trạng sốt cao, khối vùng cổ trái sưng đau, bề mặt căng, không đau ngực, không khó thở, không nôn. Sau khi chọc dịch ổ áp xe làm xét nghiệm cấy khuẩn phát hiện vi khuẩn B.pseudomallei.
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, vi khuẩn B.pseudomallei gây bệnh Whitmore sống trong đất, nước bị nhiễm khuẩn và xâm nhập vào cơ thể chủ yếu qua da khi có vết thương hở tiếp xúc trực tiếp với đất, nước bị nhiễm khuẩn B.pseudomallei.
PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) cho hay: Vi khuẩn này có trong đất và đường lây nhiễm chủ yếu do vùng da tổn thương tiếp xúc với đất nhiễm khuẩn hoặc hít phải các hạt bụi đất chứa vi khuẩn này. Bệnh được phát hiện ở Việt Nam từ những năm 50 của thế kỷ trước và lưu hành lẻ tẻ tại một số tỉnh phía Nam. Gần đây các ca bệnh được báo cáo có xu hướng gia tăng.
“Bệnh có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, khó chẩn đoán và có thể tử vong do biến chứng viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết và sốc nhiễm trùng. Nói đúng hơn, Whitmore nên được coi là “kẻ mạo danh”, bởi lẽ bệnh này không có những biểu hiện lâm sàng rõ ràng và thường bị chẩn đoán nhầm sang các bệnh khác như viêm phổi, lao phổi, nhiễm trùng huyết... Những người có bệnh nền (tiểu đường, bệnh gan, thận, phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch...) có nguy cơ cao mắc bệnh”- ông Cường cho hay.
Để phòng tránh nguy cơ mắc bệnh Whitmore, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, người dân cần hạn chế tiếp xúc trực tiếp với đất, nước bẩn, đặc biệt tại những nơi bị ô nhiễm nặng. Không tắm gội, bơi, ngụp lặn ở các ao, hồ, sông tại/gần nơi bị ô nhiễm. Sử dụng đồ bảo hộ lao động (giày, ủng, găng tay…) đối với những người thường xuyên việc ngoài trời, tiếp xúc với đất, bùn và nước bẩn. Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước và sau khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi đi làm ruộng. Thực hiện ăn chín, uống chín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; không giết mổ, ăn thịt động vật, gia súc, gia cầm bị ốm chết.
Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng, cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch đảm bảo vệ sinh.
Những người có bệnh tiểu đường, bệnh gan, thận, phổi mạn tính, suy giảm miễm dịch cần được chăm sóc, bảo vệ các vết thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn. Khi nghi ngờ nhiễm bệnh cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám phát hiện và điều trị kịp thời.
Mặc dù Whitmore là căn bệnh ít gặp, ít gây thành dịch nhưng bệnh cảnh thường tiến triển nặng, có tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt ở người mắc bệnh mạn tính. Nguy hiểm ở chỗ, bệnh Whitmore có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, gây ra tình trạng khó chẩn đoán và có tỷ lệ tử vong cao, có thể tới 40% do biến chứng viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết và sốc nhiễm trùng.