Tinh hoa Việt

Nhớ một người quan họ…

TRANG THANH 16/03/2024 13:36

Tôi chợt nhận được email của một người ở rất xa, hỏi thăm anh Trần Minh - một người hát quan họ, vừa lúc tôi đang nghe bài quan họ cổ “Ăn ở trong rừng”. Từ 15 năm về trước, người hát tôi nghe bài hát này, để từ bấy tôi mê quan họ, là anh Trần Minh người Bắc Giang.

img_8092.jpg
Các liền anh liền chị quan họ. Ảnh: Lê Minh.

Mọi bất ngờ xảy đến trong cuộc sống, ngẫm ra, đôi khi có một căn duyên sâu xa, bí ẩn. Anh Trần Minh, người bạn vong niên cùng cơ quan cũ với tôi, làm phóng viên ảnh. Nhưng quan trọng hơn, với tôi, Trần Minh là một người hát quan họ. Mà anh hát hay nhất, hay đến rưng lệ, chính là bài “Ăn ở trong rừng”. Về dân ca quan họ, tôi thích nhất bài hát này, bởi cái day dứt quặn buồn với thân phận con người nhỏ bé, nổi trôi như cánh bèo mặt nước, như con thuyền mất lái, giữa sông sâu lắm nỗi ba đào…

Vì muốn viết một điều gì đó về quan họ, tôi nghe lại nhiều bài hát cổ, và nhớ tới anh Trần Minh. 3 năm trước, anh đã sớm giã từ câu quan họ đi về miền mây trắng. Thỉnh thoảng, những người chúng tôi xưa từng nghe anh hát, vẫn nhắc về anh không chỉ là một đồng nghiệp, mà như một nghệ nhân của quan họ.

Tôi cứ bần thần, nhớ những cuộc vui bạn bầy văn nghệ ngày ấy, thường có nhà thơ Đỗ Trung Lai, nhà thơ Nguyễn Thành Phong, họa sĩ Phan Cẩm Thượng…, mọi người đều muốn nghe Trần Minh hát.

Trần Minh quê Bắc Giang, người hiền buồn hoài vọng như lời xưa quan họ cổ, và tốt bụng, chiều chuộng bạn bè rất mực mến thương. Anh hát hay và mê hát, sống cuộc đời phiêu lãng, rong chơi. Anh có thể hát được nhiều “giọng”, nhưng thấm nhất vẫn là khi nghe anh hát “Ăn ở trong rừng” - một bài quan họ cổ “giọng vặt”, cùng làn điệu với các bài “Ăn ở dưới thuyền” và “Ăn ở dưới đò”.

Các liền anh liền chị xưa thường đặt lời hát đối trong cuộc chơi quan họ hát canh, như cặp bài “Ngồi tựa song đào” và “Ngồi tựa mạn thuyền”. Có lẽ, cả 3 bài quan họ “Ăn ở trong rừng”, “Ăn ở dưới thuyền” và “Ăn ở dưới đò”, đều là các bài hát ra đời nhờ lối hát đối của các liền anh liền chị. Cũng có thể còn có một bài nữa, làm thành 2 cặp đối gồm 4 bài, mà tôi chưa biết.

dsc_2585.jpg
Liền chị quan họ giúp khách mặc thử trang phục của người quan họ.

Dân ca quan họ là tiếng lòng thổn thức vọng từ sâu thẳm cõi nhân gian, được hình thành từ lâu đời và thấm đượm, lan truyền trong dòng chảy đời sống tinh thần dân gian, phát triển nên nhiều làng quan họ gốc tại vùng văn hóa Kinh Bắc, xưa gồm cả Bắc Ninh và Bắc Giang. Ngoài ra, một số làn điệu quan họ cũng được lan truyền đến vài nơi thuộc Hà Nội, Hưng Yên, Lạng Sơn..., theo mạch chảy tâm tư sâu lắng, mà mỗi người khi bắt gặp một làn điệu, đều mong muốn được cất giữ nó trong tận đáy lòng mình.

Nhớ một lần anh Trần Minh tổ chức cho nhóm chúng tôi gồm các nhà thơ Đỗ Trung Lai, Chu Hồng Tiến, Trương Xuân Thiên cùng nhiều anh chị em bạn hữu về thăm làng Diềm, nơi có Đền Vua Bà Thủy tổ Quan họ. Hôm ấy một gia đình nghệ nhân làng Diềm đã chào đón chúng tôi bằng canh hát quan họ cổ, rồi thết một bữa cỗ với bánh đúc riêu cua đặc trưng - cỗ người quan họ đãi khách.

dsc_2773.jpg
Tạm biệt làng Diềm. Trong ảnh, anh Trần Minh - áo xám đứng hàng sau (ảnh chụp năm 2009).

Hôm ấy anh Trần Minh đã hát với các nghệ nhân quan họ nhiều bài, nhưng vẫn như mọi bận, ai cũng thấy xúc động nhất khi anh hát “Ăn ở trong rừng”. Bài hát có lời thơ u buồn, thao thiết, về thân phận người con gái lỡ bước đường đời, một mình phiêu dạt nuôi con nơi xa xôi rừng xanh núi thẳm.

Tôi có thói quen mỗi khi biết đến một bài quan họ cổ, là sẽ tìm lời thơ của bài hát để đọc, hiểu trước. “Ăn ở trong rừng” là một tiếng lòng thân phận:

“Ba bốn năm ăn ở trong rừng

Chim kêu, vượn hót nửa mừng, nửa lo

Trót sa chân bước xuống mạn đò

Sông sâu, sào ngắn khôn dò tới nơi

Hiu hiu gió thổi về chiều

Một đàn nhạn trắng dập dìu trên non

Đêm đông sương, con vượn kia còn, năn nỉ ru con.”

Đã nhiều lần tôi tìm cách xem bài “Ăn ở trong rừng” có nguồn gốc từ đâu, nhưng chỉ thấy lời thơ, lời bài hát và các bản thu âm. Nhớ anh Trần Minh mấy lần nói bài “Ăn ở trong rừng” của Bắc Giang, xuất phát từ Bắc Giang, không phải Bắc Ninh. Đồ rằng anh người Bắc Giang, vì yêu quê mình nên nhận phần về cho quê. Nhưng rất có thể anh có lý, vì quan họ xưa là dân ca của một vùng Kinh Bắc, bao gồm cả Bắc Ninh và Bắc Giang ngày nay. Các làng quan họ, đến nay ở Bắc Giang và Bắc Ninh đều có, vài tỉnh lân cận cũng có. Một thống kê tới năm 2016 cho biết, cả nước có 67 làng quan họ được đưa vào danh sách bảo tồn, trong đó có 23 làng của tỉnh Bắc Giang, nhiều nhất là huyện Việt Yên 19 làng, và 44 làng quan họ của tỉnh Bắc Ninh.

Nhưng điều thú vị nhất khi tôi đi tìm nguồn gốc bài “Ăn ở trong rừng” là tôi nghe được 2 bài cùng làn điệu. Thật ra, tôi cũng không thể biết được rằng bài nào ra đời trước và bài nào là bài đối. Và đây là lời thơ của bài “Ăn ở dưới thuyền”:

“Ba bốn năm ăn ở dưới thuyền

Sông sâu chèo lái một miền giang tân

Phân phân nước chảy đôi dòng

Hoàng thiên sao khéo tơ hồng đa đoan

Đa đoan đưa đẩy tơ hồng

Người ngoan sao khéo phụ lòng với nhau

Sông sâu muôn nỗi ba đào

Một con nhạn trắng bay vào thiên thai

Nhớ thương hẹn chốn tuyền đài - duyên nợ trúc mai.”

Còn lời thơ của bài “Ăn ở dưới đò”, cũng cho thấy chân dung những cuộc đời lênh đênh, phiêu dạt:

“Ba bốn năm ăn ở dưới đò

Lênh đênh mặt nước lững lờ về đâu

Nước trong xanh thẳm một màu

Điệp trùng sóng vỗ cơ cầu cợt trêu...”

Tôi đọc lời thơ, nghe đi nghe lại các bài hát, trong một đêm mùa xuân mà còn rét buốt như thể giữa tiết đông hàn, mường tượng đến mối buồn thẳm sâu trong đáy mắt những liền anh liền chị, hát đến tàn canh không muốn rời đi, trong những đêm mùa đông xa xôi nơi xứ Bắc giá rét…

“Ăn ở í ơ ơ mãi là, mãi có trong à rừng là a, ba í i bốn năm i/ Ăn ở í ơ ơ mãi í là, mãi có trong à rừng, là cái chốn í i trong rừng ì/ Chim kêu a ới à à là kêu, con vượn hót i i la ới hừ, ới hừ hừ hời hư la hỡi hời hư i/, nửa ớ mừng là nửa lệ nửa lo, mấy trót sa chân í i ơi hừ rằng hừ ới hư hự, chân ố là sa chân em nhỡ bước, là bước xuống có mạn à đò ì…/ Sông sâu a ới à à là sâu con sào ngắn i i la ới hừ, ơi hừ hừ hời hư la hỡi hời hư i/, khôn i dò là khôn dò, tới nơi, chứ gió hiu hiu í i ới hừ rằng hự ới hừ hự, hiu ố là hiu hiu cơn gió thổi là hây hẩy lúc về à chiều ì…”

Và rồi lời đối “Ăn ở dưới thuyền” cũng cất lên sầu thán:

“…Người ư hự người là người ngoan sao mà nỡ í hi, la ới hự, ới hự hự hời hư la ới hợi hư/ Phụ lòng là phụ lòng với nhau, chứ chốn sông sâu í i ơi hự rằng hừ ơi hự hừ.../ Sông ố là sông sâu ai đem gửi là muôn nỗi có ba à đào…/ Một ư hự mình là mình con chim nhạn trắng í hi, la ới hự, ới hự là hự hời hư là ới hợi hư/ Bay í vào là bay vào Thiên í Thai, chứ nhớ thương ai í hi ơi hự rằng hự ơi hự hừ.../ Ai ố là thương ai xin ước hẹn là ước hẹn chốn Tuyền à Đài/ Duyên nợ là trúc ứ hự trúc mai…”

Quan họ, có người cho rằng xuất hiện từ thế kỷ 11, có người cho rằng xuất hiện ở thế kỷ 17. Thì dù sao, cả hai thời điểm ấy đều cách chúng ta xa lắm, nên đã được gọi là dân ca cổ. Cũng như bài hát “Ăn ở trong rừng”, anh Trần Minh bạn tôi dẫu từng khẳng định là của Bắc Giang, không phải Bắc Ninh, nhưng nói trộm anh Minh, tôi nghĩ, của Bắc Giang hay Bắc Ninh, điều ấy đều không quá quan trọng. “Ăn ở trong rừng” - một bài hát hay trong kho tàng quan họ cổ - vậy là đủ.

Tôi không phải người quê quan họ, nhưng luôn thấy thương yêu, thấm tháp những làn điệu nặng nghĩa nặng tình. Thứ tiếng lòng thẳm sâu muôn nỗi, trong trập trùng dâu bể nhân gian, của người người lớp lớp qua nhiều thế hệ, đã kết chạ với nhau bằng tình người tha thiết. Đã âm thầm cùng nhau gom góp tinh hoa trí tuệ riêng mình, hòa trong mạch nguồn văn hóa dân gian đặc sắc, làm nên “lời - ăn - nết - ở” của người quan họ. Di sản ấy, qua biến thiên nhiều thế kỷ, vẫn còn da diết, thắm đượm đến bây giờ, để chúng ta được say đắm, được nhớ, được thương…

TRANG THANH