Chính trị

Nhà nước có thể trở thành một khách hàng lớn của báo chí

T. Luân - Đ. Trí - Q. Vinh 16/03/2024 17:46

Đây là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) Nguyễn Thanh Lâm tại khuôn khổ Diễn đàn báo chí toàn quốc 2024 đang diễn ra tại TP HCM.

Ngày 16/3, Diễn đàn báo chí toàn quốc năm 2024 đã diễn ra phiên thảo luận với chủ đề “Đa dạng nguồn thu các cơ quan báo chí”, thu hút đông đảo đại biểu của các cơ quan báo chí, quản lý báo chí, các Ban bộ ngành trung ương và địa phương.

z5255134840177_8bc4b94b463133cbb9324b8b82d0c7b4.jpg
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm phát biểu tại phiên thảo luận chuyên đề. Ảnh: Quang Vinh.

Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Thanh Lâm nhận định, dù nguồn thu báo chí hiện có nhiều khác biệt so với trước đây và có xu hướng giảm, thế nhưng báo chí còn nguyên cơ hội.

“Các cơ quan báo chí khác nhau sẽ có những kỳ vọng khác nhau về nguồn thu. Nhưng hiện chỉ còn đâu đó 2 cơ quan báo chí có nguồn thu ở mức nghìn tỷ. Có thể thấy chưa bao giờ nguồn thu bị tác động mạnh như bây giờ", Thứ trưởng Bộ TTTT chia sẻ.

Xu hướng quảng cáo hiện đi sang không gian số, phương thức bán hàng thương mại điện tử phá vỡ cấu trúc thương mại truyền thống và đang có rất nhiều cách khác để bán hàng không nhất thiết phải đi qua cơ quan báo chí.

Các doanh nghiệp hiện đã và đang tìm những phương thức hiệu quả hơn để quảng cáo. Các thương hiệu quan tâm rất nhiều về chi phí thực để chuyển đổi ra một khách hàng, tạo được đơn hàng ở mức thấp nhất.

Từ thực tế kể trên, ông Nguyễn Thanh Lâm gợi mở mô hình độc giả trả tiền để không phải xem quảng cáo. Đây sẽ là thị trường ngách cho phân khúc khách hàng có nhu cầu cao trong việc trải nghiệm xem nội dung.

Với lượng độc giả, thuê bao nhất định, ông Nguyễn Thanh Lâm cho rằng, các cơ quan báo chí có thể tận dụng nguồn tài nguyên này để bản thân trở thành những kênh tham gia liên kết, phân phối những dịch vụ khác không xung đột với hoạt động báo chí.

z5255134833017_9118d2941d1dcebecf9c448f129c3927.jpg
Ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư điều phối phiên thảo luận "Đa dạng nguồn thu cho các cơ quan báo chí". Ảnh: Quang Vinh.

Báo chí cũng cần phát huy vai trò định hướng, đưa thông tin chính thống đến xã hội để tạo ra sự đồng thuận. Và do đó, các cơ quan Nhà nước cũng có thể trở thành một khách hàng lớn của báo chí trong giai đoạn hiện nay.

“Đây là một khách hàng rất khó tính nhưng nhiều nguồn lực trong việc đặt hàng một số nhiệm vụ thông tin tuyên truyền, đặc biệt là truyền thông chính sách", Thứ trưởng Bộ TTTT nhấn mạnh, đồng thời dẫn chứng: Cách đây đúng một năm, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 07 về tăng cường công tác truyền thông chính sách, cho thấy có sự chuyển biến rất rõ về trách nhiệm của cơ quan Nhà nước trong truyền thông chính sách.

Để truyền thông chính sách tốt, ông Nguyễn Thanh Lâm đề nghị các báo cần chuẩn bị đội ngũ, nhân lực và nguồn lực để làm truyền thông chính sách, trong đó một phần nguồn lực dùng để đặt hàng báo chí là một hướng rất khả quan.

z5255134823002_a144f91bfdaf78ef845913b4199c3743.jpg
Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông dẫn các số liệu khảo sát liên quan đến nguồn thu của cơ quan báo chí trong nước tại phiên thảo luận. Ảnh: Quang Vinh.

Cũng tại phiên thảo luận chuyên đề này, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông cũng dẫn các số liệu khảo sát, trong đó tương tự với xu hướng nguồn thu của báo chí thế giới, doanh thu từ phát hành báo in và quảng cáo trên báo in của các cơ quan báo chí trong nước vẫn là 2 nguồn thu chính nhưng đều đang có xu hướng giảm.

z5255134833253_ecc32aaf02172aeb5b22f95c34d5fca5.jpg
Phiên thảo luận "Đa dạng nguồn thu cho các cơ quan báo chí" thu hút sự quan tâm của đông đảo các cơ quan báo chí, truyền thông, cơ quan quản lý báo chí. Ảnh: Quang Vinh.

Theo ông Đồng, khảo sát thời điểm những năm hậu đại dịch, có tới 78% cơ quan báo chí có doanh thu hầu như không đổi hoặc tăng nhẹ từ 10-30%; 16,9% cơ quan báo chí vẫn ghi nhận doanh thu giảm; 71,1% cơ quan báo chí có doanh thu từ quảng cáo trên báo in giữ ổn định hoặc giảm. Trong khi đó, có tới 74,6% cơ quan báo chí có doanh thu từ quảng cáo trên báo điện tử giữ ổn định hoặc tăng.

z5255134811251_3f5e7ca6aff45faea21006e413c2f756.jpg
Ông Tống Văn Thanh (thứ hai, từ trái qua), Vụ trưởng Vụ Báo chí-Xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương) tham dự phiên thảo luận. Ảnh: Quang Vinh.

Tham gia thảo luận tại diễn đàn, ông Lê Thanh Tuấn, Giám đốc Đài PTTH Vĩnh Long chia sẻ kinh nghiệm, đã vượt qua nhiều thách thức để duy trì nguồn doanh thu của Đài PTTH Vĩnh Long đạt 1.500 tỷ đồng/năm.

Trong đó, hoạt động quảng cáo chiếm khoảng 85% - 90% trong tổng nguồn thu của Đài. Cùng với đó, nguồn thu từ quảng cáo trên phát thanh bằng việc thực hiện nhiều chương trình trực tiếp và livestream…

Chia sẻ kinh nghiệm của đơn vị mình, ông Lê Thanh Tuấn hiến kế, người làm báo trước tiên phải tạo ra sản phẩm chất lượng, rồi mới nghĩ đến chuyện bán ở đâu, cho ai.

Ngoài ra, lãnh đạo Đài PTTH Vĩnh Long cũng kiến nghị, không nên khống chế thời lượng quảng cáo trong các chương trình giải trí; cho phép thu phí người dùng qua hình thức trả phí thuê bao hoặc phí nội dung trên hạ tầng OTT; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với cơ quan báo chí hoặc có chính sách miễn, giảm linh hoạt từng năm tùy theo sự biến động của nền kinh tế;...

"Báo chí phải vừa làm nhiệm vụ chính trị nhưng cũng vừa làm nhiệm vụ kinh tế, muốn làm nhiệm vụ chính trị tốt phải có nguồn thu", lãnh đạo Đài PTTH Vĩnh Long nêu ý kiến.

T. Luân - Đ. Trí - Q. Vinh