Xã hội

Nhọc nhằn nghề săn cầu gai

ĐOÀN XÁ 17/03/2024 06:58

Lặn sâu xuống đáy biển, sử dụng một loại vợt thép đặc biệt để bắt những con cầu gai (còn gọi là nhum biển) tua tủa hàng trăm chiếc gai là công việc vô cùng nguy hiểm nhưng cũng rất quen thuộc của ngư dân vùng biển Tây Nam những ngày này. Tại ven nhiều hòn đảo như Phú Quốc, Nam Du, Bà Lụa… đều có hàng chục ngư dân làm nghề lặn cầu gai với thu nhập hàng triệu đồng mỗi ngày.

c1.jpeg
Gành đá nơi nhóm thợ lặn săn cầu gai.

Mưu sinh nơi gành biển

Có kinh nghiệm nhiều năm lặn cầu gai biển, anh Đỗ Văn Hào, 33 tuổi, ngụ ở xã đảo An Sơn (Kiên Hải, Kiên Giang) bảo thời điểm săn cầu gai tốt nhất là sau Tết cho tới mùa mưa (tháng 5, tháng 6). Lúc này thời tiết vùng biển phía Tây Nam rất đẹp, nắng nhiều, thợ lặn dễ dàng săn tìm cầu gai ở những vùng nước sâu hơn và đặc biệt cũng dễ bán sản phẩm do đang cao điểm mùa du lịch biển, nhu cầu sử dụng nhiều.

“Cầu gai giờ nhiều lắm, chúng nằm ở những bãi đá, gành đá ven các đảo, bãi biển quanh đây thôi. Hàng ngày tôi cùng mấy anh em chạy ghe tới các gành đá ở ven hòn Ngang, hòn Bờ Đập, hòn Mấu… rồi chuẩn bị đồ nghề lặn cầu gai. Những nơi có nhiều bãi đá lởm chởm thì ở giữa những khe đá sẽ có rất nhiều cầu gai.

Mùa này cầu gai bắt đầu tụ trứng rồi. Cầu gai thường sống theo đàn nên khi lặn xuống đáy biển mà bắt gặp cầu gai là cả đám hàng trăm con luôn. Bây giờ mình phải lựa những con lớn thì mới có nhiều thịt, trứng. Phải từ tháng 5, tháng 6 thì cầu gai mới béo, hầu như con nào cũng có thể bắt được. Ngay cả những tháng mùa mưa cầu gai cũng có nhưng khó bắt vì trời mù, lặn xuống đáy biển không thấy đường luôn”, anh Hào cho biết.

Đi cùng anh Hào là một nhóm gồm 5-6 người, có cả phụ nữ và người lớn tuổi. Trong nhóm còn có anh Hai và anh Bảy, đều là người từ đất liền ra đảo thuê phòng trợ ở để săn cầu gai. “Anh em tôi đi lặn cầu gai từ mấy tuần nay rồi. Giờ cầu gai nhiều mà dễ bán lắm. Mình lặn được bao nhiêu, đem về chợ An Sơn đều có người thu mua hết. Họ mua rồi đem về Rạch Giá hay đem ra ngoài Phú Quốc. Mùa này đang là mùa du lịch, cầu gai rất được du khách ưa chuộng. Mấy năm gần đây, năm nào anh em chúng tôi cũng ra đảo lặn cầu gai hết đó vì ngoài này nhiều lắm. Có ngày kiểm cả triệu đồng chứ không ít”, anh Bảy cho biết.

Theo người đàn ông này, anh quê ở Sóc Xoài (huyện Hòn Đất, Kiên Giang) nhưng làm đủ thứ nghề. Những tháng sau Tết do biển êm, anh Bảy thường cùng mấy anh em khác đi biển. Do không có ghe, mấy anh thường làm cho ghe lớn hoặc đi lặn, một nghề cho thu nhập cao mà không cần đầu tư phương tiện nhưng lại khá nguy hiểm.

Ngồi lại một chút, anh Bảy bảo lặn cầu gaidễ hơn đi lặn ốc, lặn cá mao ếch nhưng phải cẩn thận. “Cầu gai dưới biển sống theo đám, nhiều chi chít nhưng không dễ bắt. Mình phải có dụng cụ riêng làm bằng sắt để móc chúng bỏ vào bao. Và phải đeo bao tay dày vì chúng có rất nhiều gai. Gai nó không chỉ sắc nhọn mà còn rất độc. Bị cầu gai đâm vào tay chân có thể sưng tấy, mấy ngày sau chưa thể lặn tiếp được. Vì vậy mình phải cẩn thận. Như tôi đây, tay chi chít các vết cầu gai đâm rồi”, anh Bảy cho biết thêm.

Lúc này chiếc ghe đã tới một gành đá khá hoang vu, sóng biển ầm ào tung bọt trắng nằm ở gần hòn Mấu. Nơi này gồm hơn 20 hòn đảo lớn nhỏ, thường gọi chung là quần đảo Nam Du nhưng được chia thành địa giới hành hành chính của 2 xã đảo, gồm xã An Sơn và xã Nam Du, đều thuộc huyện Kiên Hải.

Khác với những nghề lặn khác thường tìm tới những vùng biển sâu, có khi tới 5-6 sải tay (mỗi sải bằng 1,5 mét) nghề lặn cầu gai của ngư dân vùng biển Tây Nam lại chọn các vùng nước nông, thậm chí chỉ một vài mét. Anh Bảy còn bảo nhiều ngày trời nắng đứng trên ghe cũng có thể nhìn thấy cầu gai dưới biển bởi chúng nhiều, có đặc trưng dễ nhận biết là màu đen, gai tua tủa như con nhím rất sắc nhọn.

Sau khi xác định được ngư trường, ngư dân bắt đầu đeo túi lưới và lặn. Thường chỉ nửa giờ đồng hồ là đã lên ghe, với thành quả là hàng chục chú cầu gai nhìn khá sợ do lớp gai nhọn.

c3.jpg
Sơ chế cầu gai, công việc khá nguy hiểm.

Đặc sản ngày càng khan hiếm

Bắt được cầu gai đem lên ghe mới chỉ được một nửa công đoạn của những người thợ lặn. Công đoạn tiếp theo cũng vất vả không kém là cắt gai, lấy thịt của chúng.

“Cầu gai rất ít thịt, mỗi con bự cũng chỉ được một muỗng thôi. Mình phải lấy rất cẩn thận. Đầu tiên là cắt hết hàng trăm chiếc gai, sau đó mổ đôi cầu gai ra, lấy muỗng nhỏ nạo hết phần thịt của chúng. Thường thì mỗi nhóm săn cầu gai sẽ có 4-5 thợ lặn và 2-3 người ở trên bờ để sơ chế cầu gai. Công việc sơ chế loại thủy sản này cũng vất vả, khó khăn không kém gì khi lặn dưới đáy biển đâu bởi chỉ cần sơ sẩy một chút là bị chúng đâm, chảy máu tay liền thôi à”, anh Bảy kể tiếp.

Lúc này chúng tôi mới quan sát kỹ những con cầu gai màu đen tuyền và cảm giác khá rùng mình vì lớp gai nhọn và sắc của chúng. Có lẽ chỉ cần chạm nhẹ vào chúng thôi thì những chiếc gai kia sẽ đâm chảy máu tay chân chứ không biết chừng. Thế nhưng những người thợ bắt đầu công việc sơ chế của mình. Trong đó có chị Trần Thị Năm, là vợ của anh Bảy.

Chị Năm cũng quê ở trong đất liền theo chồng ra ngoài này mưu sinh nghề biển. Chị Năm bảo những ngày đầu đi săn cầu gai, nhìn chúng thôi cũng lạnh cả người nhưng giờ thì quen rồi. “Mỗi ngày tôi cắt gai hàng trăm con, có ngày gần hai trăm con chứ không ít. Hầu hết khách chỉ yêu cầu cắt gai để dễ vận chuyển, chế biến nhưng thời gian gần đây có nhiều khách yêu cầu lấy thịt và trứng cầu gai luôn. Bởi cầu gai thường được nướng lên bán cho khách nên phải để nguyên con. Những con cầu gai được lấy thịt luôn thường để khách nấu cháo hoặc làm mắm cầu gai.

Cũng như nhiều loại hải sản khác, mắm cầu gai nếu biết chế biến đúng cách cũng rất thơm ngon. Tuy nhiên, chủ yếu vẫn là nướng bởi đây được cho là đặc sản, giúp tăng cường sức khỏe nam giới”, chị Năm vừa cười vừa nói.

Nhìn tay người phụ nữ vùng biển thoăn thoắt cắt những chiếc gai nhọn hoắt bằng chiếc kéo nhỏ, thi thoảng có con cầu gai khẽ rung rung khiến chị phải buông tay ra. Sau khoảng 2-3 phút thì những chiếc gai được cắt hết, cầu gai bây giờ nhìn đã mềm mại hơn, có thể cầm nhẹ nhàng bằng tay không nhưng vẫn phải khá cẩn thận. Hầu hết cầu gai sau khi cắt đó được cho vào bọc để bán cho thương lái đặt sẵn.

“Bây giờ cầu gai sơ chế thì có giá là 3.600 đồng/con. Mùa này rộ cầu gai, nhiều nơi họ cũng bắt được nên giá giảm đi. Tầm tháng sau thì cầu gai sẽ cao hơn chút. Riêng mùa mưa do khó lặn và cầu gai lúc đó béo, nhiều trứng nhất nên giá có khi lên tới 5.000 - 6.000 đồng. Nhưng lúc đó lại bắt được ít hơn bây giờ, mỗi ngày chỉ trăm con là may mắn lắm rồi. Tới tầm tháng 7, tháng 8 thì không đi bắt cầu gai nữa, vợ chồng tôi chuyển sang nghề khác”, chị Năm chia sẻ thêm.

c4.jpg
Cầu gai sau khi sơ chế.

Xuất hiện gần như tất cả các vùng biển của đất nước, cầu gai là loại hải sản khá đặc trưng, đang là một trong những đặc sản được nhiều người, nhất là khách du lịch ưa chuộng. Kéo theo đó là hàng trăm những ngư dân săn tìm cầu gai như anh Hào, anh Bảy, chị Năm… mà chúng tôi vừa gặp.

Họ lặng lẽ với công việc của mình, đâu đó trên những gành đá hoang vắng ven các hòn đảo phía Tây Nam này.

ĐOÀN XÁ