Văn hóa

Sông trăng hay sông lụa

HÀ THƯ 17/03/2024 07:24

Những giai điệu của bài hát “Dòng sông quê anh, dòng sông quê em” mà nhạc sĩ Đoàn Bổng phỏng thơ Lai Vu đã trở thành người bạn đồng hành cùng nhiều thế hệ người yêu âm nhạc Việt Nam.

doan-bong-1.jpg
Nhạc sĩ Đoàn Bổng.

Những câu thơ đó đọc xong cứ ngấm dần vào trong tâm hồn, và nhạc sĩ Đoàn Bổng đã viết nhạc theo cảm xúc của từng câu thơ. Ông viết bài hát trong một buổi sáng ở trong ngôi nhà vòn vẹn 8m2 ở khu Giảng Võ (Hà Nội).

“Khi viết, tôi đã đổi đầu bài thơ chữ “của” thành “quê” cho khớp với nốt nhạc và mang ý nghĩa thân quen hơn”, nhạc sĩ kể. Sau khi hoàn thành, nhạc sĩ Đoàn Bổng mang ca khúc mới của mình tới Đài Tiếng nói Việt Nam dàn dựng. Người hát đầu tiên bài này là ca sĩ Lê Dung - khi đó là ca sĩ trẻ mới tốt nghiệp nhạc viện ở Nga về, hát song ca cùng với nghệ sĩ Tiến Thành.

Với nhạc sĩ Đoàn Bổng, mỗi bài hát cũng như mỗi con người, đều có số phận khác nhau và bài hát “Dòng sông quê anh, dòng sông quê em” đúng là có một "số phận may mắn"...

Nhạc sĩ cho biết, ông viết bài hát này cũng thật tình cờ.

“Quãng đầu năm 1987, tôi có dịp ghé vào thăm anh em ở Ty Văn hóa Hà Sơn Bình cũ thì gặp nhà văn Quách Vinh lúc đó là Trưởng ty. Anh tặng tôi quyển tạp chí "Núi Tản Sông Đà" và bảo tôi về xem có phổ nhạc được bài thơ nào không. Về đến nhà, tôi đọc tờ tạp chí và đặc biệt thích bài thơ “Dòng sông của anh, dòng sông của em” của tác giả Lai Vu.

Tôi thấy thích mấy "cái tứ" ở trong bài thơ ấy quá. "Sông trăng hay sông lụa" đều gợi nên cảm giác về một dòng sông êm đềm ở miền quê lụa (Hà Tây cũ) nơi tôi sinh ra và lớn lên. Bài thơ này tả cảnh quê hương đẹp quá, dòng sông được ví thành sông của mặt trăng và sông như tấm lụa Hà Đông nổi tiếng, những nong đựng kén vàng kéo tơ, đẹp như màu lúa quê em. Còn quê anh núi đá dựng thành thác nước, những tảng đá trông tựa như đàn voi rừng nhấp nhô…”, nhạc sĩ Đoàn Bổng nhớ lại.

Từ đó đến nay, đã có rất nhiều cặp song ca thể hiện thành công bài hát "Dòng sông quê anh, dòng sông quê em". Đặc biệt, trong các hội diễn chuyên và không chuyên, "Dòng sông quê anh, dòng sông quê em" là sự lựa chọn của nhiều cặp song ca bởi bài hát có giai điệu đằm thắm, tình tứ, tha thiết mà gợi cảm, thấm đẫm chất dân ca; có lời ca ngắn gọn, súc tích đầy chất thơ, đặc biệt là gần với một bài hát giao duyên.

Nhạc sĩ Đoàn Bổng tên đầy đủ là Đoàn Chí Bổng, sinh ngày 2/4/1943 tại Thường Tín, Hà Tây (cũ). Ông hoạt động âm nhạc từ lúc còn là học sinh và cả trong những năm còn làm công tác thủy lợi. Năm 1966, Đoàn Bổng là thí sinh duy nhất khu vực Hà Nội thi đậu vào khoa Sáng tác - Nhạc viện Hà Nội. Sau khi ra trường, năm 1972, ông về công tác tại Đài Phát thanh Giải phóng. Từ năm 1976, Đoàn Bổng về công tác tại Ban Văn nghệ - Đài Truyền hình Việt Nam cho tới lúc nghỉ hưu.

Bên cạnh ca khúc “Dòng sông quê anh, dòng sông quê em”, nhạc sĩ Đoàn Bổng còn có một số sáng tác được chú ý như: “Hà Nội những kỷ niệm trong tôi”, “Từ làng Sen con hát tên Người”, “Câu hát gọi xuân về”, “Nỗi nhớ biển xa”… Ngoài viết nhạc, Đoàn Bổng còn làm thơ. Tập thơ mới nhất của ông có tựa đề “Bắt đầu từ đôi mắt” xuất bản hồi tháng 10/2023.

Năm 2023, nhạc sĩ Đoàn Bổng vinh dự nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật với 3 ca khúc: “Hà Nội những kỷ niệm trong tôi”, “Dòng sông quê anh, dòng sông quê em”, và “Hát về Người”.

HÀ THƯ