Tinh hoa Việt

Hai trái tim

TRẦN HỮU THĂNG 18/03/2024 05:56

Có một bài thơ ngắn nói về tình cảm ai cũng thích, ai cũng thuộc, nhưng ít ai nhớ tên tác giả. Bài thơ đó là: “Ta đọc một trăm quyển sách/ Xong rồi có nhớ gì đâu/ Sao chỉ gặp em một lúc/ Mà yêu thương đến suốt đời”.

12(1).jpg
Tranh minh họa

Trái tim bơm máu, với thời gian có thể bị tổn thương như: viêm cơ tim, hẹp hở van hai lá, hẹp hở van động mạch, viêm nội tâm mạc, nhồi máu cơ tim...

Vì thế nên suốt cả một đời con người phải cố gắng giữ gìn, luyện tập thể dục thể thao, ăn uống, làm việc, nghỉ ngơi theo đúng khoa học để giúp cho trái tim hoàn thành tốt chức năng sinh học của nó. Một ngạn ngữ cổ của người Thụy Điển đã viết: “Trái tim con người đập những nhịp đầu tiên khi còn là bào thai nằm trong bụng mẹ và đập những nhịp cuối cùng trước khi giã từ cuộc sống”.

Như thế việc ta phải cố gắng sinh hoạt điều độ, khoa học để bảo vệ cho trái tim sinh học, còn gọi là trái tim bơm máu của ta luôn khỏe mạnh để giúp ta có một cuộc sống bình an cho đến suốt đời.

Thế còn trái tim yêu thương thì sao? Rất may là trái tim ấy không bao giờ bị các tác nhân gây bệnh như: vi trùng, siêu vi trùng, ký sinh trùng, biến đổi khí hậu, thay đổi môi trường sống... làm hại, làm tổn thương. Vậy thì điều gì hay con người nào có thể làm tổn thương đến trái tim yêu thương? Câu trả lời rất thực tế và khoa học là: Chỉ có chính con người mang trong ngực mình trái tim yêu thương mới có khả năng tự làm hỏng, tự hủy hoại, tự phá bỏ trái tim yêu thương vốn rất thiêng liêng và cao quý mà mình được ban tặng.

Xin được trích dẫn một số câu danh ngôn thế giới bàn luận về trái tim yêu thương của con người. Đại thi hào Pháp, ông François René de Chateaubriand (1768 - 1848) đã có cái nhìn rất tài tình về trái tim con người khi ông viết: “Trái tim ta là một nhạc cụ không đầy đủ, một cây đàn thất huyền thiếu dây và với trái tim, ta buộc phải tự diễn tả nỗi vui mừng hoặc lời than thở bằng những ngôn ngữ riêng”.

Như vậy, trái tim yêu thương của con người lúc sinh ra chưa đầy đủ, vì thế cho nên hàng ngày hàng giờ ta phải bổ sung, phải bồi đắp, nuôi dưỡng để trái tim yêu thương của ta ngày càng hoàn thiện, ngày càng yêu thương gắn bó với những trái tim khác, với những số phận khác nhiều hơn. Đây rõ ràng là một quá trình tích cực, có tu dưỡng, có phấn đấu, có gian khổ để hình thành được một trái tim nhân ái, một trái tim biết chỉ huy toàn bộ những suy nghĩ đúng và hành động đúng của mỗi người.

Một trái tim để yêu thương và đôi bàn tay để giúp đỡ mọi người.

Charles Churchill

Phát biểu về tầm quan trọng của trái tim yêu thương, từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây đều thống nhất như nhau.

Đông phương cổ học Tinh hoa đã dạy bảo rất rõ ràng: “Nhân khảo hữu tâm, thụ khảo hữu căn” (tạm dịch: Con người trụ vững bền được nhờ có trái tim yêu thương, cây cao trụ vững bền được nhờ có bộ rễ vững chắc). Trái tim không biết yêu thương, không biết nhân hậu chắc chắn không có được cuộc sống ngay thẳng, vững vàng.

Chả thế mà học giả phương Tây, ông Bulwer Lytton (1803 – 1873) đã đánh giá rất cao một trái tim nhân hậu khi ông viết: “Một trái tim nhân hậu còn tuyệt diệu hơn hàng trăm bộ óc trong thế gian”.

Lịch sử loài người cũng đã chứng minh những nhà chính trị thiên tài để lại danh tiếng ngàn thu đều là những nhà triết học tài ba, có những trái tim yêu thương, những trái tim nhân hậu biết thương xót những người khốn khổ, bần cùng, nghèo đói trong xã hội, những mẹ góa, con côi, những người tàn tật, neo đơn... nên họ được toàn thể người dân ủng hộ hết lòng. Những triều đại do các vị lãnh đạo anh minh ấy đứng đầu đều kéo dài hàng trăm năm hoành tráng trong lịch sử nhân loại.

Nhà triết học Edward Gibbon (1737 - 1794) đã nói rõ hơn, cụ thể hơn vai trò của trái tim yêu thương như sau: “Một trái tim yêu thương để giải quyết, một cái đầu để sắp xếp công việc và đôi bàn tay để thực hiện việc làm cụ thể”. Xin hãy theo dõi câu chuyện dưới đây để minh họa cho nhận xét của Gibbon.

Em An 5 tuổi bị chó cắn. Mẹ em vội đưa em đến bác sĩ B. để khám. Bác sĩ B. nhìn sơ qua, ghi giấy cho đi tiêm chủng phòng chó dại. Có người tư vấn cho mẹ của An rằng: Tiêm chủng cũng có khi bị tai biến, nhất là em An hãy còn nhỏ tuổi quá. Mẹ em vội đưa em đến bác sĩ C., người vốn nổi tiếng là nhân hậu, luôn yêu thương người bệnh.

Bác sĩ C. cẩn thận khám vết thương của An rồi ôn tồn dặn người mẹ: “Bà về theo dõi con chó xem nó có ăn uống, đi lại bình thường không. Nếu thấy nó có gì thay đổi bất thường thì phải đến báo cho tôi ngay”. Tạm thời, ông chỉ sát trùng, lau sạch vết thương rồi băng lại để tiếp tục theo dõi, chưa vội xử lý gì.

Quả nhiên, sau ba ngày, con chó vẫn khỏe mạnh, ăn uống bình thường. Em An không phải tiêm gì hết, tránh được một rủi ro có thể xảy ra cho em nếu phải tiêm nhiều mũi phòng dại.

Câu chuyện về người bác sĩ có y đức, có trái tim yêu thương kể trên đã chứng minh rằng: Trước một sự cố xảy ra, những người có trái tim nhân hậu sẽ tìm mọi cách để giải quyết có trách nhiệm cao nhất với tình cảm yêu thương con người thật sự chứ quyết không qua loa, đại khái, tắc trách chỉ cốt cho xong việc mình mà không chú ý tới những hậu quả hoặc tai nạn mà người khác có khi phải gánh chịu.

Gibbon đã phát hiện ra cái trục: Tim - Não - Bàn tay thực hiện thật quá tài tình. Trái tim yêu thương chính là cơ quan chỉ huy mọi hoạt động đúng đắn của con người.

Đại văn hào Anh, ông Charles Churchill (1731 - 1764) đã yêu cầu một con người lương thiện cần phải có: “Một trái tim để yêu thương và đôi bàn tay để giúp đỡ mọi người”.

Cao quý thay những ý tưởng tốt đẹp, những lời dạy cao minh của các bậc tiền bối đã giúp cho con người hiểu được rằng: Chỉ có trái tim yêu thương mới thực sự giúp cho con người và xã hội phát triển và tiến bộ được.

Như vậy với phép tu thân, dưỡng tính trong quá trình học làm người thì nên bắt đầu từ đâu và lấy điều gì làm trọng? Nhà triết học Đông phương cổ đại Mạnh Tử (372 - 289 trước Công nguyên) đã từng dạy: “Dưỡng tâm mạc thiện ư quả dục” (tạm dịch: Muốn nuôi trái tim yêu thương không gì hơn là trong lòng ta ít ham muốn). Đây là bài thực hành khó nhất, gian khổ nhất trong sách giáo khoa “Học làm người”.

Đây là tâm bão khủng khiếp nhất, tàn bạo nhất, hủy diệt nhất trong cơn lốc xoáy của mỗi một cuộc đời con người chúng ta. Danh y Hải Thượng Lãn Ông đã từng chỉ dạy: “Nếu trái tim không có bệnh thì sao thân có thể bệnh được”.

Quy luật này rất đúng với Y học hiện đại, nếu ta lúc nào cũng giữ vững được một cuộc sống khỏe mạnh, lương thiện, tâm bình an, có trái tim khỏe mạnh để bơm máu, để yêu thương thì tự khắc mọi bệnh tật sẽ bị đẩy lùi trước ý thức “phòng bệnh hơn chữa bệnh” của con người.

Để đánh giá ngắn gọn nhất về trái tim yêu thương của mỗi con người, cần trích dẫn nhận xét sau đây của Học giả Al Gazal (thế kỷ thứ 7 sau Công nguyên): “Trái tim bạn sẽ mách bảo bạn những gì mà đôi mắt bạn không nhìn thấy được”. Hạnh phúc thay, sung sướng thay cho những ai có được một trái tim yêu thương để nhìn thấy nhiều hạnh phúc, nhiều niềm vui trong cuộc đời này.

Khép lại bài viết, cần biết đến một bài thơ ca ngợi trái tim yêu thương của thi sĩ đại tài người Đức, ông Henri Heine (1797 - 1856) như sau:

Hè tươi đang nung đỏ

Trên má hồng của em.

Nhưng đông buồn, tuyết phủ

Đang nằm trong tim em.

Người đẹp mến thương ơi,

Ngày mai rồi đổi cả,

Đông sẽ về trên má,

Nhưng hè nằm trong tim.

TRẦN HỮU THĂNG