Văn hóa

Người dành trọn tâm huyết với nghệ thuật múa Khmer

Nguyễn Trinh 18/03/2024 06:59

Bà Thạch Thị Vân Na (59 tuổi, ở TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) được biết đến là bậc thầy biểu diễn múa truyền thống Khmer và là người có tâm huyết truyền lửa nghề đến với những người trẻ.

anhbaiduoi.jpg
Bà Vân Na (ngoài cùng bên trái) cùng các bạn trẻ đam mê nghệ thuật múa Khmer. Ảnh: NVCC.

Gần 60 tuổi, thế nhưng điều đặn mỗi tuần, bà Vân Na đều có mặt tại chùa, trung tâm văn hóa… để dạy múa cho những bạn trẻ đam mê với nghệ thuật múa Khmer. Bà Vân Na cho biết, bà được thừa hưởng năng khiếu nghệ thuật và ngọn lửa đam mê với múa Khmer ngay từ nhỏ bởi cả gia đình theo nghề múa truyền thống.

Bà Vân Na bắt đầu học múa từ năm lớp 3, đến năm lớp 6 bà đã thành thục và được đi biểu diễn. Để nâng cao trình độ biểu diễn, khoảng năm 1989 - 1992, bà đến Campuchia để học múa. Sau quá trình học tập, bà về công tác tại đoàn nghệ thuật Khmer tỉnh Sóc Trăng hoạt động và dạy múa cho đến nay. Trong quá trình hoạt động nghệ thuật, bà Vân Na không chỉ tham gia biểu diễn các chương trình nghệ thuật vào các ngày lễ, tết, phục vụ khách du lịch và phục vụ người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, bà còn lưu diễn tại nhiều quốc gia như Trung Quốc, Hà Lan…

Hiện nay, 3 người con gái của bà Vân Na là Điền Chanh Tha, Điền Tha Ni, Điền Na Vi, cùng cháu trai của bà cũng theo nghề. “Gia đình tôi được tặng danh hiệu gia đình đa thế hệ theo nghề múa Khmer, bởi có đến 6 đời theo nghề. Từ thời ông nội, đến nay con và cháu tôi cũng theo nghề múa.”- bà Vân Na chia sẻ.

Những năm gần đây, các loại hình nghệ thuật truyền thống nói chung đang chững lại bởi sự lấn át của các loại hình nghệ thuật hiện đại. Bà Vân Na và các con của bà luôn tìm cách dung hợp giữa nghệ thuật truyền thống và hiện đại để đem lại sự mới mẻ, thu hút người xem.

Bà Vân Na cho biết, luôn sẵn lòng truyền dạy hết những kỹ năng, kinh nghiệm cho các thế hệ trẻ với mong muốn nghệ thuật truyền thống không bị mai một. “Thông thường khi mới vào học múa, tôi dạy những tổ hợp cơ bản tay, chân, chíp, lia theo động tác. Khi các em làm đẹp từ động tác tay, chân, cặp mắt thì mới dạy tiếp. Nhiều em sau đó được dạy biên đạo để khi ra nghề sẽ có thu nhập khá hơn” - bà Vân Na nói.

Nhằm phát huy, bảo tồn các di sản văn hóa nghệ thuật múa truyền thống của đồng bào Khmer, hàng năm, Trường Cao đẳng Văn hoá nghệ thuật Cần Thơ đều mời bà Vân Na giảng dạy bộ môn Nghệ thuật múa truyền thống Khmer trong chương trình đào tạo diễn viên múa ở bậc trung cấp và cao đẳng.

Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hoá nghệ thuật Cần Thơ Nguyễn Thị Hoài Tâm cho biết, bà Vân Na là người thầy rất nhiệt huyết với các thế hệ học sinh, sinh viên. “Sự tâm huyết và kiên nhẫn của bà được thể hiện qua việc hướng dẫn và thị phạm động tác một cách cụ thể. Bà tạo điều kiện cho các em quan sát và trải nghiệm một cách thực tế nhất, luôn tìm kiếm cái mới và sáng tạo qua các tác phẩm múa, mang lại cho sinh viên cảm giác thực sự và tận hưởng quá trình học tập” - bà Tâm chia sẻ thêm.

Gần như trọn một đời theo nghiệp múa, bà Vân Na đã nhận rất nhiều giải thưởng, như giải B của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Sóc Trăng, bài Múa trống Sa dăm và bài múa trong Lễ hội đua ghe Ngo năm 2022 đạt giải A và B, đạt Huy chương Vàng ở Ngày hội Sen Dolta khi tham gia thi múa ở Tây Ninh…

Nguyễn Trinh