Thẻ tín dụng - con dao hai lưỡi
Thẻ tín dụng ngân hàng ngày càng phổ biến với nhiều lợi ích. Nhưng nếu không biết cách chi tiêu và quản lý tài chính, nhiều khách hàng phải “oằn lưng” trả lãi cho thẻ tín dụng.
Ám ảnh tính lãi gộp, lãi suất cao
Sự việc gây xôn xao dư luận khi một khách hàng có tên P.H.A. tại Quảng Ninh nhận được thông báo của Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và khai thác tài sản - Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank AMC) với số tiền nợ gần 9 tỷ đồng.
Theo nội dung thông báo này, khoản nợ của anh P.H.A. tại Eximbank đã quá hạn toàn bộ với tổng số tiền phải thanh toán tạm tính đến ngày 31/10/2023 là: 8.838.869.549 đồng. Trong số đó, dư nợ thẻ tín dụng bao gồm nợ gốc là 8.554.625 đồng; Nợ lãi là 8.830.314.924 đồng. Tổng số tiền khách hàng P.H.A. phải thanh toán đến thời điểm thông báo là 8.838.869.549 đồng.
Như vậy, nếu so với số tiền gốc lúc phát sinh dư nợ, số tiền lãi sau 11 năm lên tới hơn 1.000 lần. Eximbank cho biết, khách hàng P.H.A. đã mở thẻ Master Card tại Eximbank Chi nhánh Quảng Ninh vào ngày 23/3/2013 với hạn mức là 10 triệu đồng và đã có 2 giao dịch thanh toán vào ngày 23/4/2013 và 26/7/2013 tại một điểm chấp nhận giao dịch. Từ ngày 14/9/2013, khoản nợ trên thẻ đã chuyển thành nợ xấu và thời gian quá hạn phát sinh đến thời điểm thông báo đã gần 11 năm.
Eximbank cho biết, ngân hàng đã nhiều lần thông báo và làm việc trực tiếp với khách hàng. Tuy nhiên, khách hàng vẫn chưa có phương án xử lý nợ. Eximbank cũng khẳng định, việc phát thông báo nghĩa vụ nợ cho khách hàng là một hoạt động nghiệp vụ thông thường trong quá trình xử lý và thu hồi nợ. Đến thời điểm hiện tại, Eximbank chưa nhận được bất kỳ khoản thanh toán nào từ khách hàng.
Dù câu chuyện chưa đi đến hồi kết, đúng sai sẽ rõ khi thanh tra, công an vào cuộc nhưng vấn đề gây xôn xao dư luận vì số tiền lãi quá “khủng” so với số tiền gốc lúc phát sinh dư nợ. Nhiều người băn khoăn liệu cách tính lãi của Eximbank nói riêng và của các ngân hàng nói chung với dư nợ trên thẻ tín dụng ra sao?
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu phân tích, khách hàng trong thời gian dài không trả nợ mà ngân hàng đưa ra con số nợ rất lớn có thể là do cách tính của ngân hàng, bao gồm lãi kép, lãi phạt. Lãi phạt thường rất lớn, có thể lên đến 150%, khiến số nợ ban đầu của khách bị đội lên rất cao.
Trước sự việc xảy ra tại Eximbank, đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng lưu ý người dùng thẻ tín dụng đọc kỹ lãi suất, cách tính lãi ghi trong hợp đồng phát hành thẻ, mà chính chủ thẻ đã ký.
Khó tránh lãi suất cao nếu không thanh toán đúng hạn
Thẻ tín dụng là một giải pháp tài chính được phía ngân hàng cung cấp cho khách hàng, chi tiêu trước, trả tiền sau. Số tiền chi tiêu tối đa nằm trong hạn mức thẻ tín dụng được cấp. Chủ thẻ được hưởng thời gian miễn lãi trung bình từ 45 - 55 ngày, sau thời hạn miễn lãi, chủ thẻ có 2 lựa chọn thanh toán mỗi tháng (tương đương với mỗi kỳ sao kê) là thanh toán dư nợ tối thiểu hoặc thanh toán toàn bộ dư nợ.
Với những trường hợp chậm trả thanh toán thẻ tín dụng trong thời gian dài, số tiền phát sinh có thể hiểu như sau: số tiền lãi và gốc phải trả của kỳ này được tính dựa trên số tiền gốc và lãi phải trả của kỳ ngay trước đó (không phải tính dựa trên dư nợ gốc).
Cũng theo quy định mà một số ngân hàng đưa ra, khách hàng có nợ tín dụng quá hạn sẽ phải chịu phí phạt thanh toán chậm khoảng 5% và lãi suất khoảng 20 - 40%. Tùy vào tình trạng trễ hạn mà khoản nợ sẽ bị áp dụng lãi suất khác nhau. Chẳng hạn giai đoạn 1 (nợ quá hạn trong vòng 60 - 70 ngày): Khoản dư nợ tối thiểu sẽ bị tính phí phạt trả chậm 5% và lãi suất quá hạn 20 - 40%. Số dư nợ còn lại vẫn được tính lãi suất trong hạn.
Giai đoạn 2 (nợ quá hạn hơn 60 - 70 ngày): Toàn bộ khoản nợ sẽ bị tính lãi suất quá hạn 20 - 40% và phí phạt trả chậm 5%.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nhiều người dùng thẻ tín dụng cứ đinh ninh nếu trễ hạn trả nợ thẻ tín dụng trong 1 - 2 ngày thì ngân hàng chỉ tính lãi trong 1 - 2 ngày đó. Nhưng thực ra không phải như vậy, ngân hàng sẽ tính lãi bắt đầu từ ngày mua sắm tiêu dùng, tức là từ khoảng 1 tháng trước đó.
Giới chuyên gia cũng như người làm trong ngành ngân hàng đều khẳng định khi sử dụng thẻ tín dụng, người sử dụng cũng cần chú ý thời hạn miễn lãi suất để thanh toán kịp thời các khoản nợ. Trong trường hợp người dùng thẻ tín dụng không thanh toán đầy đủ tổng số dư nợ cuối kỳ trước hoặc đúng ngày đến hạn thanh toán, tiền lãi sẽ được tính trên toàn bộ số dư kể từ ngày giao dịch phát sinh và trên tất cả các giao dịch mới (kể từ ngày giao dịch phát sinh) cho đến khi toàn bộ số dư chưa thanh toán được thanh toán đầy đủ.
Hiện nay mức lãi suất chi tiêu qua thẻ tín dụng sau 45 - 55 ngày là 35 - 40%/năm. Thậm chí, có ngân hàng tính lãi suất đến 45 - 50%.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, do lãi suất thẻ tín dụng cao, chủ thẻ nên tham khảo mức lãi suất của nhiều ngân hàng trước khi mở thẻ để chọn ngân hàng có mức lãi suất thấp nhất, cũng như cân nhắc khả năng tài chính để có kế hoạch trả nợ. Ngoài ra, cũng cần tìm hiểu kỹ các quy định của ngân hàng. Để giảm thiểu nguy cơ bị tính lãi suất khi dùng thẻ tín dụng, khách hàng cần thanh toán khoản tiền vừa giao dịch càng sớm càng tốt. Nếu không thanh toán được đầy đủ, thì thanh toán một phần. Bởi trong phương pháp tính lãi suất theo dư nợ trung bình ngày, ngày nào tiền nhiều thì lãi nhiều, ngày nào tiền ít thì lãi ít. Nếu thấy khả năng khó trả hết số tiền nợ trong tháng này vào hạn chót, thì không nên mua sắm tiếp trong những ngày của tháng tiếp theo, vì những giao dịch đó sẽ bị tính lãi do chưa trả hết tiền nợ.
Trong trường hợp khách hàng không trả nợ trong 3 kỳ sao kê liên tiếp, ngân hàng sẽ gửi thông báo nhắc nhở thường xuyên thông qua tin nhắn SMS, email hoặc gọi điện thoại để tìm hiểu về nguyên nhân và đề nghị chủ thẻ thanh toán nợ tín dụng. Thậm chí, nếu khoản nợ của khách hàng quá hạn 6 tháng, ngân hàng có quyền khóa thẻ tín dụng của bạn. Do đó, khách hàng nên ưu tiên thanh toán dư nợ càng sớm càng tốt, ít nhất là thanh toán dư nợ tối thiểu để không bị phạt trả chậm.