Trẻ từ 16 đến dưới 18 tuổi điều khiển xe máy có dung tích xi lanh dưới 50cc: Có cần chứng chỉ?
Năm 2023 có khoảng 2.300 trẻ em chết và bị thương do tai nạn giao thông. 80% nhóm này rơi vào độ tuổi từ 15 - 18 tuổi, đa số tự điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông gây tai nạn. Câu hỏi đặt ra là, nên có giấy phép lái xe, hoặc chứng chỉ điều khiển phương tiện đối với các em khi điều khiển xe máy có dung tích xi lanh dưới 50cc?
Khoảng trống
Cuối tuần qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đề nghị, bổ sung đối tượng trẻ em từ 16 đến dưới 18 tuổi điều khiển xe máy có dung tích xi lanh dưới 50cc, hoặc xe máy điện phải có giấy phép lái xe, hoặc chứng chỉ điều khiển phương tiện.
Ông Hùng dẫn chứng: Nếu tính theo số liệu thống kê năm 2023 thì có khoảng 2.300 trẻ em dưới 18 tuổi chết và bị thương do tai nạn giao thông. 80% nhóm này rơi vào độ tuổi từ 15 cho đến 18 tuổi, đa số là các em tự điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông gây tai nạn. Đây đang là khoảng trống, dù trong dự thảo Luật hiện nay, quy định tại điều 7 khoản 3 ghi là: “Trường THPT và cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ trì phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông hướng dẫn kỹ năng lái xe máy an toàn theo quy định”. Nhưng không biết kỹ năng hướng dẫn lái xe máy an toàn là theo quy định nào, ai quy định? Và lực lượng cảnh sát giao thông đến hướng dẫn thì có chứng chỉ về đào tạo kỹ năng lái xe an toàn hay không? Có đủ điều kiện không?
“Tôi cho rằng trường hợp này lại giao cho cơ sở giáo dục THPT thì quá tải, làm gì có cơ sở vật chất để tổ chức việc này. Do đó đề nghị chương trình phải sát hạch như sát hạch giấy phép lái xe A1 và phải đưa vào trung tâm sát hạch chính quy. Hiện nay chúng ta đang xã hội hóa vấn đề này rất mạnh và hoàn toàn có thể làm được” - ông Hùng nói.
Đáng chú ý, sau khi dự án Luật trên được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 của Quốc hội, thì vấn đề liên quan đến bảo vệ trẻ em khi tham gia giao thông đường bộ nhận được ý kiến đề nghị rà soát các quy định có liên quan về quy chuẩn an toàn và các quy định khác trong dự thảo Luật để bảo đảm an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông. Giải trình về vấn đề này, ông Lê Tấn Tới - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết: “Tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã phối hợp với Cơ quan soạn thảo rà soát, bổ sung, chỉnh lý cụ thể tại Điều 10, Điều 31, Điều 33 dự thảo Luật để bảo đảm tính khả thi, điều chỉnh độ tuổi, chiều cao, độ tuổi điều khiển phương tiện, tăng cường công tác đào tạo, giáo dục phổ biến pháp luật cho trẻ em theo từng độ tuổi, phù hợp với thông lệ quốc tế. Đồng thời, nội dung quy định này thực hiện theo lộ trình sau 1 năm khi Luật có hiệu lực và giao Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành quy chuẩn kỹ thuật về thiết bị an toàn cho trẻ em”.
Vấn đề trên cũng nhận được sự đồng tình của bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. Bà Nga cho hay, để bảo vệ trẻ em khi tham gia giao thông đường bộ thì cần điều chỉnh độ tuổi, chiều cao, độ tuổi điều khiển phương tiện giao thông, tăng cường công tác đào tạo, giáo dục, phổ biến pháp luật cho trẻ em, và có lộ trình phù hợp là 1 năm khi Luật có hiệu lực để Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành quy chuẩn, kỹ thuật về thiết bị an toàn giao thông cho trẻ em.
Nên có giấy phép lái xe hoặc chứng chỉ điều khiển phương tiện
Vậy để bảo vệ trẻ em khi tham gia giao thông có nên bổ sung quy định vào trong Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ việc trẻ em từ 16 đến dưới 18 tuổi điều khiển xe máy có dung tích xi lanh dưới 50cc, hoặc xe máy điện phải có giấy phép lái xe, hoặc chứng chỉ điều khiển phương tiện?
TS Phan Lê Bình, chuyên gia JICA, giảng viên Trường Đại học Việt Nhật bày tỏ quan điểm đồng tình với đề xuất trên và cho rằng “có giấy phép lái xe, hoặc chứng chỉ điều khiển phương tiện thì tốt hơn vì có còn hơn không”.
Ông Bình phân tích: Xe có dung tích dưới 50cc có thể không đạt được tốc độ thật cao nhưng cũng có thể đạt tốc độ 40-50km/h. Với tốc độ đó nếu va chạm giao thông cũng có thể gây thương tích nghiêm trọng, thậm chí tử vong.
Ông Bình cũng nêu quan điểm, vấn đề không chỉ là tốc độ nhanh hay chậm mà còn liên quan đến hành vi điều khiển phương tiện của các em khi tham gia giao thông. “Khi bố mẹ giao xe cho con, họ mới chỉ nghĩ đến làm sao con cầm được lái, phanh được xe. Còn chú trọng lái xe làm sao cho an toàn thì ít gia đình hướng dẫn cho con. Do đó để cấp giấy phép lái xe đơn giản, hoặc chứng chỉ điều khiển phương tiện cần có giáo trình giảng dạy cho các em” - ông Bình nói.
Vị chuyên gia của JICA nói thêm rằng, lâu nay khi sát hạch xe máy, kỹ năng đi vòng số 8 là kỹ năng để điều khiển xe và khác với việc lái xe làm sao cho an toàn. Một khái niệm vô cùng đơn giản là không đánh lái một cách đột ngột, khi đi đường thấy nắp hố ga, hay ổ gà thì giảm tốc và tránh nhẹ nhàng chứ không phải “đánh lái thật mạnh”, vì nếu lúc đó có xe khác đang vượt lên thì hai bên sẽ va chạm với nhau. Do đó cấp giấy phép lái xe đơn giản hoặc chứng chỉ sẽ đem lại an toàn hơn trong lái xe. Vì thế trong đào tạo nên chú ý đến tiêu chí an toàn, lái sao cho an toàn để các em có thể nắm được kiến thức cơ bản trong lái xe.
Tuy nhiên ở góc độ khác, chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Quyền lại cho rằng, nên quy định như dự thảo Luật. Bởi quy định hiện hành đã quy định các trường THPT đưa vào chương trình giảng dạy về vấn đề an toàn giao thông. Do đó nên lồng ghép vào chương trình giáo dục phổ thông như học sinh từ lớp 6 trở lên phải học chương trình về an toàn giao thông. Đến 16 tuổi thì các cháu đủ điều kiện điều khiển phương tiện dưới 50cc. Nếu bây giờ thêm chứng chỉ, thi sát hạch lại phát sinh thêm thủ tục và quản lý hành chính, bởi sẽ có thêm nhiều khâu, vì sát hạch còn liên quan đến sức khoẻ, chiều cao, cân nặng, và thêm nhiều khâu đi kèm theo.