Giáo dục

Xét tuyển học bạ: Nên có quy định ngưỡng đầu vào bằng điểm thi

Dung Hòa 18/03/2024 14:02

Đếm thời điểm hiện tại, đã có hơn 100 trường đại học (ĐH) công bố phương án tuyển sinh năm 2024 với phương thức xét tuyển bằng học bạ.

anhbaiduoi.jpg
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Ảnh: Quang Vinh.

Trên thực tế, cho dù vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về phương thức này, song nhiều mùa tuyển sinh trở lại đây, xét tuyển bằng học bạ dần trở nên phổ biến vì những ưu điểm như giúp thí sinh chủ động lựa chọn thời gian xét tuyển, giảm áp lực thi cử với kỳ thi tốt nghiệp. Đặc biệt, 2024 là năm đầu tiên khối trường quân đội tuyển sinh bằng học bạ (trừ Học viện Kỹ thuật Quân sự và Học viện Quân y). Chỉ tiêu dành cho phương thức này khoảng 10%.

Đơn cử như Trường ĐH Kinh tế - Công nghệ Thái Nguyên tuyển sinh năm 2024 với 2 phương thức là tuyển sinh dựa vào kết quả kỳ thi THPT năm 2024; tuyển sinh dựa vào kết quả ghi trong học bạ THPT, chỉ cần đạt mức điểm sàn từ 15 trở lên là các em đã có thể tự tin nộp hồ sơ dự tuyển. Điều kiện là thí sinh tốt nghiệp THPT và tổng điểm trung bình chung học tập lớp 10 + lớp 11 + kỳ I lớp 12 + điểm ưu tiên đạt từ 15 điểm trở lên; thí sinh tốt nghiệp THPT và tổng điểm trung bình học tập của 3 môn xét tuyển lớp 10 + lớp 11 + kỳ I lớp 12 + điểm ưu tiên đạt từ 15 điểm trở lên;…

Ở mùa tuyển sinh 2024, một số trường ĐH top đầu như Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Trường ĐH Luật TPHCM, Trường ĐH Y Hà Nội… nói không với phương thức xét học bạ để đảm bảo chất lượng tuyển sinh đầu vào. Trong khi đó, nhiều trường ĐH top đầu khác như Trường ĐH Ngoại Thương, Trường ĐH Bách Khoa (ĐH Quốc gia TPHCM), Trường ĐH Luật TPHCM... vẫn xét tuyển học bạ nhưng đặt ra thêm tiêu chí phụ. Phần lớn các trường còn lại chỉ sử dụng điểm của 4 - 6 học kỳ, có trường chỉ sử dụng điểm của 2 - 3 học kỳ bậc THPT.

Trong nhiều năm trở lại đây, xuất hiện nhiều ý kiến cho rằng, việc xét học bạ không đảm bảo công bằng trong tuyển sinh. Năm 2023, cử tri cũng đã có lần kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) xem xét loại bỏ phương thức tuyển sinh này.

Tại Hội nghị tuyển sinh năm 2024 do Bộ GDĐT vừa tổ chức tại TPHCM, Bộ đã thông tin về việc đối sánh kết quả thi tốt nghiệp THPT của 2 nhóm thí sinh trúng tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT và xét học bạ. Theo đó, 60% thí sinh đỗ ĐH bằng học bạ có tổng điểm thi tốt nghiệp ở tổ hợp 3 môn thấp hơn 3 điểm so với những em đỗ bằng điểm thi tốt nghiệp THPT.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH cho biết, xét điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm học bạ là 2 phương thức tuyển sinh chính của các trường ĐH, chiếm tỷ trọng cao nhất trong các phương thức xét tuyển. Vụ Giáo dục ĐH đã tổng hợp và so sánh tổng điểm thi 3 môn ở 5 khối xét tuyển ĐH truyền thống (A00, A01, B00, C00, D00) năm 2023 với điểm trung bình học bạ của 2 nhóm thí sinh này.

Cụ thể, 60% thí sinh đỗ ĐH bằng học bạ có tổng điểm thi tốt nghiệp THPT theo tổ hợp 3 môn khoảng 20 điểm. Trong khi đó, 60% thí sinh trúng tuyển bằng điểm thi có tổng điểm tổ hợp 3 môn hơn 23 điểm. Như vậy, chênh lệch giữa 2 nhóm thí sinh này là 3 điểm. Còn nếu xét kết quả học bạ, 60% số thí sinh đỗ bằng điểm thi có điểm học bạ là 25, cao hơn nhóm đỗ bằng học bạ 1 điểm. Bà Thủy đánh giá, về cơ bản điểm thi tốt nghiệp THPT có khả năng phân loại thí sinh tốt hơn khi xét tuyển vào các trường ĐH.

Trên cơ sở dữ liệu công bố nói trên, bà Thủy khuyến cáo các trường đặt thêm ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) bằng điểm thi tốt nghiệp THPT cho phương thức xét tuyển học bạ để đảm bảo sự công bằng cho 2 nhóm thí sinh. Bà Thủy cũng lưu ý, rằng Bộ không đánh giá phương thức xét tuyển nào tốt hơn. Đây là kết quả so sánh trên bình diện chung cả nước, có thể khác so với kết quả đối sánh của từng cơ sở vì mỗi trường có những tệp thí sinh khác nhau. Các trường phải tự phân tích, đối sánh kết quả tuyển sinh và quá trình học ĐH cùng nhiều dữ liệu của các nhóm thí sinh để đánh giá hiệu quả của các phương thức xét tuyển.

Dung Hòa