Mặt trận

Học tập, tuyên truyền cuốn sách “Phát huy truyền thống Đại đoàn kết dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Thanh Tiến 18/03/2024 12:02

Sáng 18/3, tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội nghị Học tập, tuyên truyền cuốn sách “Phát huy truyền thống Đại đoàn kết dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tại Hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đã truyền đạt những nội dung cơ bản, cốt lõi trong cuốn sách.

img_3612.jpg
Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến triển khai, quán triệt nội dung cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tham dự Hội nghị có ông Lâm Văn Mẫn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng; ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sóc Trăng.

img_3581-2.jpg
Quang cảnh hội nghị.

Tại Hội nghị Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đã truyền đạt những nội dung cơ bản, cốt lõi trong cuốn sách “Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nêu rõ, nhằm hệ thống hóa sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về xây dựng, phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, giúp các ngành, các cấp, các địa phương, cán bộ, đảng viên và đông đảo nhân dân nắm vững, triển khai hiệu quả công tác quan trọng này, Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Tạp chí Cộng sản, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách “Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc”. Cuốn sách thể hiện tư duy nhất quán của người đứng đầu Đảng ta về đại đoàn kết toàn dân tộc, vấn đề được xác định là đường lối chiến lược của Đảng ta, nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong mọi thời kỳ.

Nội dung cuốn sách gồm ba phần. Phần thứ nhất: Đại đoàn kết toàn dân tộc - Sức mạnh nội sinh, nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Phần thứ hai: Phát huy vai trò nòng cốt chính trị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; Phần thứ ba: Phát huy vai trò của các tầng lớp nhân dân, các địa phương, đóng góp nhiều hơn nữa cho công cuộc đổi mới đất nước.

“Cuốn sách dày 747 trang, hàm chứa nhiều nội dung rất quan trọng cả về tư duy lý luận và hoạt động thực tiễn, là "cẩm nang" cho cán bộ trong hệ thống Mặt trận, các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ đảng viên, nhân dân nghiên cứu, vận dụng vào thực tiễn” - Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nêu rõ.

Trên tinh thần đó, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến đề nghị, các cấp ủy, tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên cần nắm vững một số nội dung mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh, phân tích sâu sắc. Đó là đoàn kết là truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc Việt Nam, được hun đúc, bồi đắp qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước; Bước phát triển tư duy lý luận và sự lãnh đạo của Đảng về đại đoàn kết và xây dựng, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; Những kết quả nổi bật trong việc xây dựng và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng trong thời gian qua; Xác định đúng đắn bối cảnh mới và những vấn đề đặt ra đối với việc xây dựng, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cũng đề cập tới 6 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm phát huy truyền thống yêu nước và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời gian tới mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc tới.

Trước tiên, cần giữ vững vai trò tiên phong, hạt nhân lãnh đạo của Đảng, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, hệ thống chính trị trong xây dựng và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc thời kỳ mới.

Thứ hai, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện chủ trương, chính sách, pháp luật nhằm huy động mọi nguồn lực, phát huy tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc, sức sáng tạo của các giai tầng xã hội, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thứ ba, tiếp tục đổi mới tổ chức bộ máy, nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng thật sự đại diện và bảo vệ cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.

Thứ tư, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, lấy con người làm trung tâm, chủ thể, nguồn lực, động lực chủ yếu, là mục tiêu của đại đoàn kết toàn dân tộc trong tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Thứ năm, phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Thứ sáu, xây dựng và triển khai Chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xây dựng đội ngũ cán bộ MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng có năng lực, uy tín, tâm huyết, trách nhiệm, hết lòng vì công việc chung.

Nhắc tới bài viết "Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng" của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cho biết, có một số từ khóa được đồng chí Tổng Bí thư nhắc lại rất nhiều lần: “Đoàn kết” xuất hiện 16 lần; “nhân dân” xuất hiện 63 lần; “Đại đoàn kết” và “Đại đoàn kết toàn dân tộc” xuất hiện 9 lần. Điều đó cho chúng ta thấy “nhân dân”, “đoàn kết”, “đại đoàn kết” luôn đau đáu, da diết trong tư duy, tình cảm của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Như nhắc nhở chúng ta làm gì cũng phải vì nước, vì dân, vì giữ gìn sự đoàn kết trong Đảng, đoàn kết trong nhân dân và đoàn kết toàn dân tộc.

Theo Chủ tịch Đỗ Văn Chiến, trong bài viết đó, từng câu, từng chữ như mạch nguồn chảy ra từ tâm can của GS, TS, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Trong đó có 2 đoạn như là chỉ thị, yêu cầu có tính nguyên tắc của đồng chí Tổng Bí thư: “…Dựa vào dân, “dân là gốc”, khơi dậy, phát huy ý chí tự lực, tự cường, truyền thống văn hóa, yêu nước, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng “thế trận lòng dân”, lấy “yên dân” là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”; “… Đảng ta đã tích lũy và đúc rút được nhiều bài học quý báu, hun đúc nên những truyền thống vẻ vang mà hôm nay, chúng ta có trách nhiệm phải ra sức giữ gìn và phát huy…. Đó là truyền thống gắn bó máu thịt giữa Đảng và nhân dân, luôn luôn lấy việc phục vụ nhân dân làm lẽ sống và mục tiêu phấn đấu. Đó là truyền thống đoàn kết thống nhất, có tổ chức và kỷ luật chặt chẽ, nghiêm minh, trên cơ sở nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình, phê bình và tình thương yêu đồng chí…”

Cũng theo Chủ tịch Đỗ Văn Chiến, một trong những yêu cầu đặt ra là: Nghiên cứu nội dung cuốn sách của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phải liên hệ với thực tiễn để mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân “tự soi, tự sửa”, khắc phục hạn chế, khuyết điểm, loại trước các mầm mống có thể dẫn đến “mất đoàn kết”, “đoàn kết xuôi chiều”, “bằng mặt không bằng lòng”.

Với tinh thần đó, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến đề nghị mỗi cán bộ, đảng viên, công dân yêu tổ quốc phải xuất phát từ tình yêu quê hương nơi mình sinh sống; phải có lòng tự hào, tự trọng, góp công, góp sức xây dựng phum sóc, ấp, xã, huyện, tỉnh Sóc Trăng ngày càng giàu đẹp.

Nhấn mạnh truyền thống của tỉnh Sóc Trăng là đoàn kết, sáng tạo, vượt khó, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến khẳng định, qua trao đổi về nội dung cuốn sách của đồng chí Tổng Bí thư, mỗi người càng trân quý, nâng niu, gìn giữ, vun đắp truyền thống tốt đẹp mà bao thế hệ tỉnh Sóc Trăng đã xây dựng.

“Trong hoạt động thực tiễn, chúng ta cần lưu ý các mối quan hệ sau: Đoàn kết trong Đảng là yếu tố nền tảng để đoàn kết toàn dân; Đoàn kết các dân tộc, đoàn kết các tôn giáo, đồng bào có đạo và đồng bào không có đạo có vai trò quan trọng trong đoàn kết toàn dân tộc; Phum sóc đoàn kết, ấp, huyện đoàn kết là yếu tố quyết định đoàn kết toàn tỉnh, 63 tỉnh, thành phố đoàn kết tạo nên sức mạnh đoàn kết cả đất nước, toàn dân tộc”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến lưu ý.

img_3593-2.jpg
Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng lắng nghe những truyền đạt của Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến.

Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Sóc Trăng, Bí thư Tỉnh uỷ Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn chân thành cảm ơn Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đã dành thời gian và tình cảm rất đặc biệt cho tỉnh Sóc Trăng để đến dự và trực tiếp triển khai, quán triệt nội dung Cuốn sách của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

img_3622-2.jpg
Bí Thư Tỉnh uỷ Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn phát biểu.

“Tuy trong khoảng thời gian ngắn của Hội nghị, đồng chí Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã trình bày nhiều nội dung rất sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn, là kênh thông tin chính thống, quan trọng, hữu ích để đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cấp uỷ, chính quyền, cơ quan, đơn vị nắm vững hơn về chủ trương của Đảng, nâng cao nhận thức về xây dựng và phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn hiện nay; qua đó, vận dụng có hiệu quả vào thực hiện nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, đơn vị, địa phương” - Bí Thư Tỉnh uỷ Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn phát biểu tại Hội nghị.

Cũng theo Bí thư Tỉnh uỷ Sóc Trăng, địa phương rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, đặc biệt là Chủ tịch Đỗ Văn Chiến trong việc tập hợp, phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Sóc Trăng ngày càng bền vững, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

Thanh Tiến