Xã hội

Nam Định: Chi 11 tỷ đồng đưa Giao Phong thành xã nông thôn mới thông minh

Duy Hưng 18/03/2024 18:12

Xã ven biển ở tỉnh Nam Định phấn đấu đến năm 2025 thực hiện thành công nội dung các tiêu chí mô hình xã nông thôn mới thông minh, đảm bảo 3 trụ cột “Chính quyền số”, “Kinh tế số” và “Xã hội số”.

Chiều 18/3, thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Nam Định cho biết, chiều cùng ngày UBND tỉnh này ban hành quyết định phê duyệt đề xuất mô hình thí điểm xã nông thôn mới thông minh Giao Phong, huyện Giao Thủy, do UBND xã này đề xuất.

giao-phong-copy.png
Vị trí xã Giao Phong.

Theo quyết định, mô hình thí điểm xã nông thôn mới thông minh Giao Phong được thực hiện từ năm 2023 đến năm 2025, do UBND xã này làm chủ mô hình với các cơ quan phối hợp là UBND huyện Giao Thuỷ, Văn phòng điều phối Nông thôn mới tỉnh Nam Định, huyện Giao Thủy và các đơn vị có liên quan.

Kinh phí thực hiện mô hình là 11 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương là 5,5 tỷ đồng; ngân sách huyện 1 tỷ đồng; ngân sách xã và huy động nguồn vốn hợp pháp khác là 4,5 tỷ đồng.

Trong quyết định, UBND tỉnh Nam Định phân công các nhiệm vụ cụ thể cho các, sở, ngành của tỉnh, UBND huyện Giao Thuỷ và UBND xã Giao Phong.

giao-phong4.jpg
Nhà văn hóa xã Giao Phong.

Theo hồ sơ đề xuất mô hình, xã Giao Phong nằm ở phía Tây Nam huyện Giao Thủy, cách trung tâm huyện khoảng 12 km, phía Tây giáp Khu du lịch biển Quất Lâm, có quốc lộ 37b, Quốc lộ ven biển đi qua. Xã có 2.467 hộ, 6.835 nhân khẩu; ngành nghề chính là sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng, khai thác hải sản trên biển, sản xuất tiểu thủ công nghiệp, thương mại…

Quyết định phê duyệt mô hình được UBND tỉnh Nam Định ban hành trong bối cảnh xã Giao Phong đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (nổi trội về lĩnh vực giáo dục) từ năm 2022 và là xã đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn này.

giao-phong3.jpg
Nông thôn xã Giao Phong ngày nay.

Mô hình đặt mục tiêu xây dựng xã Giao Phong thành xã nông thôn mới thông minh, hiện đại, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong mọi mặt đời sống xã hội, thông qua việc cải thiện hạ tầng, mạng lưới viễn thông, tăng cường các ứng dụng công nghệ thông tin vào lĩnh vực sức khỏe và giáo dục, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chỉ số mức độ hài lòng của người dân đối với dịch vụ công và công tác hỗ trợ điều hành của chính quyền, góp phần thúc đẩy kinh tế, hướng tới mục tiêu chuyển đổi số toàn diện, sâu rộng nhằm nâng cao chất lượng đời sống người dân.

Phấn đấu đến năm 2025, xã Giao Phong thực hiện thành công nội dung các tiêu chí; xây dựng thành công xã nông thôn mới thông minh Giao Phong đảm bảo 3 trụ cột “Chính quyền số”, “Kinh tế số” và “Xã hội số”.

Tính đến nay, xã Giao Phong cơ bản đạt được một số chỉ tiêu chủ yếu của 6/18 nội dung theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (xây dựng chính quyền điện tử định hướng chính quyền số, hạ tầng số, dịch vụ nông thôn số, kinh tế nông thôn, đảm bảo an ninh trật tự).

Duy Hưng