Kinh tế

OCOP tận dụng cơ hội lên sàn

Thanh Xuân 19/03/2024 06:53

Sự phát triển của thương mại điện tử đã thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa cho các địa phương, doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, không nhiều DN, hợp tác xã tận dụng được lợi thế của thương mại điện tử cho mục tiêu này. Nguyên nhân đến từ những rào cản về nguồn nhân lực và cả bài toán chi phí đầu tư, quản lý vận hành...

anhbaitren(4).jpg
Phiên chợ livestream giới thiệu và bán sản phẩm nông sản Thái Nguyên. Ảnh: Vân Khánh.

Sản phẩm địa phương nhộn nhịp lên sàn

Thuận lợi về điều kiện tự nhiên, khí hậu nên các địa phương miền núi vùng sâu, vùng xa có tiềm năng lớn để phát triển các sản phẩm đặc thù. Điều này được chứng minh ở con số: Trong số hơn 10 nghìn sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) được chứng nhận từ 3 sao trở lên hiện nay thì có trên 50% số sản phẩm nằm ở những vùng miền núi, vùng sâu vùng xa. Tuy nhiên, các sản phẩm này đang gặp khó khăn ở đầu ra.

Chính bởi vậy, kênh thương mại điện tử (TMĐT) được coi là một kênh quan trọng trong việc thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa của các địa phương, đặc biệt là các hợp tác xã, DN nhỏ, hộ kinh doanh...

Thời gian qua, Thái Nguyên là một trong những địa phương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, tiêu thụ nông sản. Nhờ vào việc thúc đẩy số hóa, đến nay, Thái Nguyên đã có 173 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên và được tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT).

Nhờ có công nghệ số, các sản phẩm nông sản được đưa đến tay người tiêu dùng nhanh hơn, từ đó doanh số bán hàng của các đơn vị tăng từ 20-50%, trong đó doanh thu bán hàng qua mạng và sàn TMĐT chiếm 30%; đặc biệt có sản phẩm nông sản tăng doanh số từ 70-100%. Tính đến nay, đã có hơn 2.400 sản phẩm được cập nhật trên sàn giao dịch TMĐT tỉnh Thái Nguyên; 72 sản phẩm nông sản nông nghiệp đã được đưa lên 2 sàn thương mại điện tử (Postmart, Vỏ sò)...

Tương tự, tại tỉnh Yên Bái, thời gian qua, Bưu điện tỉnh đã đưa được gần 200 sản phẩm đặc sản, nông sản của tỉnh Yên Bái lên sàn TMĐT Postmart.vn, trong đó có 15-20 sản phẩm chè. Ngoài ra, Bưu điện sẽ hỗ trợ các kênh truyền thông, marketing để sản phẩm của các hộ sản xuất nông nghiệp tại địa bàn Yên Bái có thể vươn xa trên phạm vi rộng hơn.

Nhờ có sàn TMĐT mà thêm nhiều du khách trong nước biết đến chè Shan tuyết của Văn Chấn, Yên Bái. Trong thời gian tới, người dân ở đây mong muốn thông qua sàn TMĐT Postmart, đặc sản chè này có thể đi ra thế giới.

Còn tại tỉnh Lạng Sơn, theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Lạng Sơn, thời gian qua, tỉnh đã ban hành các chính sách khuyến khích đầu tư phát triển hợp tác, liên kết sản xuất sản phẩm nông nghiệp, nông thôn, các chương trình phát triển TMĐT, hỗ trợ quảng bá, trưng bày sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm quốc tế. Dù vậy, theo ông Nghĩa, việc đưa sản phẩm lên các sàn TMĐT còn gặp khá nhiều khó khăn, thách thức.

Chú trọng đầu tư vào các khâu của thương mại điện tử

Nhiều ý kiến cho rằng, để đưa sản phẩm địa phương lên các sàn TMĐT, ngoài khó khăn vấn đề kho hàng, bảo quản sản phẩm, giao nhận sản phẩm, các quy trình chăm sóc sau bán hàng cũng là băn khoăn lớn của không ít DN. Trên thực tế, số lượng DN ở các địa phương có thể tự mình đưa sản phẩm lên các sàn TMĐT không nhiều.

Nhận định về vấn đề này, ông Vũ Quang Phong - Tổng Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư (Liên minh Hợp tác xã Việt Nam) cho biết, thời gian qua, các hợp tác xã nỗ lực sản xuất, tạo ra những sản phẩm đạt chất lượng mà chưa chú trọng đầu tư nhân lực cho việc phát triển mảng TMĐT. Trong khi đó, đây là xu thế tất yếu trong quá trình chuyển đổi số.

“Sự cạnh tranh trên các sàn TMĐT là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên, do còn nhiều khó khăn về quy mô, vốn… nên các hợp tác xã chưa biết cách đầu tư nhân lực, xây dựng các chiến dịch marketing, quảng cáo” - ông Phong nhận định, đồng thời cho rằng, các hợp tác xã và bà con nông dân cần có một tư duy đổi mới để có thể tận dụng được hết mức các lợi ích của TMĐT. Bởi, kinh doanh qua sàn TMĐT không chỉ dừng lại ở thu hoạch và bán, mà rất cần có sự đầu tư vào các khâu đóng gói, hậu cần, vận chuyển hay làm hình ảnh quảng bá... để phát triển sản xuất kinh doanh một cách tối ưu.

Ông Bùi Huy Hoàng- Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số - Cục Thương mại điện tử và Công nghệ số (Bộ Công thương) nhận định, tuy không còn xa lạ với hình thức kinh doanh trực tuyến, nhưng thực tế, việc đưa nông sản lên sàn TMĐT đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nông dân vẫn còn khiêm tốn. Những khó khăn đến từ nhận thức và nguồn lực của DN còn hạn chế đối với phương thức kinh doanh này...

Chính bởi vậy, theo các chuyên gia, để thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm nông sản địa phương, sản phẩm OCOP qua kênh TMĐT, để từ đó mở rộng thị trường, rất cần sự đầu tư về nguồn nhân lực, bản thân mỗi DN cũng cần phải được hướng dẫn và đào tạo bài bản về cách thức quảng bá trực tuyến, xây dựng hình ảnh sản phẩm và thực hiện quy trình đóng gói, bảo quản sản phẩm, hay cách thức chăm sóc khách hàng, những dịch vụ sau bán hàng...

Thanh Xuân