Cha con Chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa
Hôm nay (19/3), cựu Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng cùng con trai Đỗ Hoàng Việt và 13 bị cáo đồng phạm bị TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm với cáo buộc phát hành trái phiếu ảo, lừa đảo chiếm đoạt hơn 8.600 tỷ đồng của 6.630 nhà đầu tư. Dự kiến phiên tòa sẽ diễn ra trong 20 ngày.
Ngoài 15 bị cáo trong vụ án (đều bị truy tố tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo Điều 174 Bộ luật Hình sự), Hội đồng xét xử (HĐXX) còn triệu tập những người được xác định là bị hại đến tham dự phiên tòa (cơ quan tố tụng xác định là 6.630 người). Do lượng người tham dự lớn, tòa bố trí một rạp lớn có mái che ngoài trời cùng màn hình điện tử, loa để truyền trực tiếp diễn biến trong phòng xử.
Cơ quan công tố đánh giá, cựu Chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng là người chủ mưu, chỉ đạo toàn bộ hoạt động việc phát hành hơn 90 triệu trái phiếu “ảo”. Con trai bị cáo Dũng (Đỗ Hoàng Việt - Phó Tổng Giám đốc Tân Hoàng Minh) được xác định là người “tham mưu, đề xuất, giúp sức tích cực” trong vụ án. 13 bị cáo còn lại, gồm các phó tổng giám đốc, trưởng ban, nhân viên Tập đoàn Tân Hoàng Minh cùng 4 lãnh đạo của 2 công ty kiểm toán, đều được xác định là đồng phạm, thực hiện theo chỉ đạo, thông đồng giúp bị cáo Dũng chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư.
Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao xác định, tính đến tháng 1/2022, Tân Hoàng Minh nợ ngân hàng gần 20.000 tỷ đồng. Để tháo gỡ khó khăn cho tập đoàn, bị cáo Dũng chỉ đạo con trai Đỗ Hoàng Việt huy động vốn bằng cách phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Lúc này, ngoài Tân Hoàng Minh, bị cáo Dũng còn có 45 công ty khác do bị cáo thành lập nhưng không đứng tên mà để người quen sở hữu. “Về pháp lý, 45 công ty kinh doanh, hạch toán độc lập nhưng đều chịu chi phối của bị cáo Dũng” - VKS cáo buộc.
Do số liệu tài chính của Tân Hoàng Minh phức tạp, khó kiểm toán, không đủ điều kiện phát hành trái phiếu, các bị cáo quyết định không sử dụng pháp nhân Tân Hoàng Minh mà lựa chọn các công ty trực thuộc tập đoàn để phát hành. Đỗ Hoàng Việt chỉ đạo thuộc cấp sử dụng pháp nhân 3 công ty là Ngôi Sao Việt, Soleil, Cung Điện Mùa Đông để ngụy tạo các hoạt động kinh tế không có thật thông qua các hợp đồng khống như: Mua bán cổ phần, hợp tác đầu tư...
Các bị can đã liên hệ với một số công ty kiểm toán để “làm đẹp báo cáo tài chính” sao cho đủ điều kiện phát hành trái phiếu. Với loại tài sản chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý, Tân Hoàng Minh thông qua các công ty thẩm định giá ban hành chứng thư, ghi nhận giá trị tài sản đảm bảo để tạo niềm tin cho người mua trái phiếu.
Để thu hút khách hàng, các bị cáo lựa chọn hình thức trái phiếu có tài sản đảm bảo, không chuyển đổi, không kèm chứng quyền. Mục đích của Tân Hoàng Minh là huy động và chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư thứ cấp, trong đó chủ yếu là người dân - những nhà đầu tư không chuyên. Điều này nhằm để lách các quy định pháp luật về việc trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chỉ được phép bán cho nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Theo cáo buộc, bằng cách thức trên, từ tháng 7/2021 đến 3/2022, 3 công ty (Ngôi Sao Việt, Soleil và Cung điện Mùa Đông) đã phát hành tổng cộng hơn 90 triệu trái phiếu, mệnh giá từ 100 nghìn đồng đến 100 triệu đồng mỗi trái phiếu. Theo công bố, mục đích phát hành là đầu tư mua cổ phần của 4 công ty khác và để xây dựng khu du lịch phức hợp tại Phú Quốc. Cơ quan tố tụng xác định, hơn 90 triệu trái phiếu đều được tạo lập bằng hồ sơ khống, hành vi gian dối, không có việc sử dụng trái phiếu để đầu tư mua cổ phần, hay xây dựng khu du lịch. Các công ty ký kết hợp tác đầu tư đều thuộc Tân Hoàng Minh.
Cơ quan công tố khẳng định: “Các bị can đã ngụy tạo các hợp đồng đầu tư khống giữa nội bộ các công ty, cá nhân trong tập đoàn, tạo giá trị ảo cho trái phiếu...”. Để Tân Hoàng Minh được sở hữu hợp pháp hơn 90 triệu trái phiếu này, bị cáo Dũng chỉ đạo cấp dưới ký các hợp đồng giả cách, mua lại từ 3 công ty trên. Lúc này, tài khoản của Tân Hoàng Minh chỉ có 40 - 200 tỷ đồng, trong khi tổng giá trị hơn 90 triệu trái phiếu lên tới hơn 10.000 tỷ đồng.
Tổng cộng, Tân Hoàng Minh huy động được gần 14.000 tỷ đồng của người mua trái phiếu. Con số này chênh lệch với 10.030 tỷ đồng với lý do là Tân Hoàng Minh “chia nhỏ kỳ hạn so với kỳ hạn gốc rồi mua đi bán lại nhiều lần”. Tại thời điểm khởi tố vụ án (tháng 4/2022), Tân Hoàng Minh dùng hơn 5.000 tỷ đồng của người mua trái phiếu sau để trả cho người mua trái phiếu đến hạn trước. Số tiền còn lại hơn 8.600 tỷ đồng của 6.630 khách hàng đã bị Tân Hoàng Minh chiếm đoạt. Trong đó, gần 2.000 tỷ đồng để trả nợ ngân hàng; chi mục đích cá nhân của bị cáo Dũng hơn 800 tỷ đồng...
Trong giai đoạn điều tra, cơ quan tố tụng ghi nhận, Tân Hoàng Minh đã khắc phục toàn bộ số tiền thiệt hại của vụ án. Do đó, trước phiên xét xử, bị cáo Dũng và con trai đã được hơn 1.400 bị hại có đơn xin giảm nhẹ hình phạt.