Không để thiếu điện các tháng cao điểm
Theo Cục Điều tiết điện lực, lũy kế từ đầu năm đến nay, phụ tải điện quốc gia tăng khoảng 10,7% (đạt 51,8 tỷ kWh) so với cùng kỳ năm 2023 (miền Bắc tăng 9,9%, miền Nam 12,7%, miền Trung 8,7%). Công suất cực đại cũng tăng mạnh.
Để đảm bảo an ninh cung cấp điện an toàn, liên tục và ổn định cho hệ thống điện quốc gia trong thời gian tới, Cục Điều tiết Điện lực lưu ý các nhà máy điện cần lưu ý về nguồn nước (đối với thuỷ điện), công tác sửa chữa, cung cấp nhiên liệu (than, khí)... đồng thời tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền tiết kiệm điện, duy trì chương trình điều chỉnh phụ tải.
Cụ thể, tiếp tục vận hành linh hoạt hồ chứa theo lưu lượng nước về để đảm bảo mục tiêu tích nước tối đa cho cao điểm mùa khô năm 2024. Các địa phương cần rà soát kế hoạch sử dụng nước hạ du các nhà máy thuỷ điện theo hướng tiết kiệm nhằm giữ nước chuẩn bị cho cao điểm mùa khô. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, chỉ đạo tất cả các nhà máy điện bám sát kế hoạch sửa chữa thiết bị của nhà máy đảm bảo khả dụng vận hành sau sửa chữa chuẩn bị cho mùa khô 2024.
Sắp tới, Bộ Công thương sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát các nhà máy điện, đặc biệt là các nhà máy nhiệt điện than miền Bắc để đảm bảo độ khả dụng, độ tin cậy của các tổ máy, tuyệt đối không để xảy ra sự cố trong các tháng cao điểm mùa khô; ban hành định mức tồn kho than ở mức cao để đảm bảo đủ nhiên liệu cho phát điện theo nhu cầu huy động của hệ thống. Về công tác vận hành, sẽ tăng cường kiểm tra các đơn vị phát điện liên quan đến việc thực hiện chào giá và vận hành theo các nghĩa vụ bao tiêu khí mà Bộ Công thương đã phê duyệt tại Kế hoạch năm 2024 (trừ nhà máy điện BOT).
Tại cuộc gặp thường trực Chính phủ với các doanh nghiệp nhà nước tiêu biểu diễn ra vào tháng 1, ông Đặng Hoàng An - Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng cho biết, năm 2024, EVN sẽ đảm bảo đủ điện cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân, để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6-6.5%, không để thiếu điện trong mọi tình huống như Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo. EVN đã chuẩn bị kịch bản nhu cầu điện tăng trưởng cao (9,18% hoặc cao hơn), sản lượng điện toàn hệ thống có thể đạt 306,4 tỷ kWh (tăng 26 tỷ kWh so với năm 2023).
Để làm được điều này, EVN sẽ tiếp tục đẩy nhanh, tăng tốc các công trình đầu tư xây dựng nguồn và lưới điện với khối lượng đầu tư 102 nghìn tỷ đồng (tăng 11 nghìn tỷ đồng so với năm 2023). Trong đó, tập trung cho các công trình trọng điểm như dự án thủy điện Yaly mở rộng - 360MW (vận hành tháng 6/2024), Hòa Bình MR – 480 MW (6/2025), Quảng Trạch 1 (1403 MW), chuẩn bị đầu tư dự án nhiệt điện LNG Quảng Trạch 2, khởi công dự án Trị An mở rộng và Thủy điện tích năng Bác Ái, đặc biệt là dồn sức thực hiện các dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) dài 519km, tổng mức đầu tư 23 nghìn tỷ đồng để đóng điện trước 30/6/2024 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.