Chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Đi thẳng vào vấn đề nóng
Ngày 18/3, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. Dự phiên chất vấn và trả lời chất vấn về phía Quốc hội còn có: Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; các Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Nguyễn Đức Hải, Thượng tướng Trần Quang Phương. Tham dự phiên chất vấn tại điểm cầu Nhà Quốc hội, về phía khách mời có Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm; Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân. Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cùng tham dự.
Giải pháp để bình ổn giá xăng dầu
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, ĐB Trần Hồng Nguyên (đoàn Bình Thuận) cho biết, vừa qua Nhà nước đã có nhiều biện pháp để kéo giảm giá xăng dầu. Tuy nhiên, đây là một mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu hàng ngày của người dân và hiện nay mức giá còn cao. Một phần là do còn nhiều loại thuế, phí chiếm tỷ lệ cao như phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về; phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc đến bến cảng.
“Đề nghị Bộ trưởng cho biết, các loại chi phí này được tính như thế nào và chiếm bao nhiêu phần trăm trong giá xăng, dầu? Việc tính như thế thì giá có theo sát được tình hình thực tiễn trong bối cảnh biến động thế giới như hiện nay hay không? Đồng thời, Bộ trưởng có giải pháp gì để giảm bớt một số loại thuế, phí trong giá xăng dầu để bình ổn giá” - bà Nguyên đặt vấn đề.
Trả lời, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thông tin, giá xăng dầu được xây dựng dựa trên những yếu tố như: giá mua từ nhà máy hay mua từ nước ngoài cộng với các chi phí trung gian. Chi phí hình thành ban đầu chiếm khoảng 65-77%. Còn thuế các loại, chẳng hạn như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT hay thuế môi trường trong xăng, dầu chiếm từ 15-29%. Còn chi phí lợi nhuận định mức từ 1,2-2%.
Theo ông Phớc, những năm vừa qua để đảm bảo giảm giá xăng dầu, Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ và Quốc hội giảm 50% thuế bảo vệ môi trường trong kinh doanh xăng dầu. Trong cơ cấu thuế bảo vệ môi trường trong kinh doanh xăng dầu, chẳng hạn 4.000 đồng/lít sẽ giảm xuống 2.000 đồng/lít, chỉ còn 50% và kéo dài từ năm 2021 cho đến nay.
“Có lẽ sẽ thực hiện đến hết năm nay về bình ổn giá xăng dầu. Khi chúng ta hạn chế năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo, thì đúng ra số thuế này phải ngày một cao lên nhưng phải đảm bảo cho kích cầu và giải quyết khó khăn cho nền kinh tế nên đã có biện pháp giảm thuế. Còn chi phí định mức thực ra chiếm từ 7-12% là chi phí vận chuyển thì các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu sẽ thống kê có hợp đồng và gửi hồ sơ cho Bộ Công thương. Bộ Công thương tập hợp để xác định vào trong cơ cấu của giá xăng dầu, sau đó thỏa thuận với Bộ Tài chính. Khi thỏa thuận với Bộ Tài chính xong sẽ quay về Bộ Công thương công bố giá xăng dầu cơ sở” - ông Phớc cho hay.
Siết chặt hoạt động của các công ty kiểm toán
Theo ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp), cả nước hiện nay đang có 200 doanh nghiệp kiểm toán độc lập. Thời gian qua, các doanh nghiệp đã thực hiện kiểm toán tốt, tuy nhiên cũng có những doanh nghiệp có sai sót, tiêu cực. Như vừa qua có 3 công ty kiểm toán sai phạm. Đề nghị Bộ trưởng làm rõ giải pháp giải quyết tình trạng trên.
Trả lời, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay, vừa qua kiểm toán độc lập có một số sai phạm ở trong một số các vụ án hình sự liên quan đến nhiều yếu tố. Thứ nhất, năng lực của cán bộ kiểm toán ở các công ty kiểm toán; thứ hai là tinh thần trách nhiệm của những cán bộ làm công tác kiểm toán trực tiếp; thứ ba, không loại trừ trường hợp cấu kết cố tình vi phạm pháp luật để làm sai.
Về công tác kiểm toán, Bộ Tài chính đã chỉ đạo, siết chặt từ khâu kiểm toán viên, để được cấp giấy chứng nhận kiểm toán viên thì đặt ra các điều kiện theo đúng quy định của pháp luật, đào tạo và được tổ chức thi, thường kiểm toán viên chưa năm nào thi vượt qua và đậu trên 30%, năm cao nhất chỉ đạt 30%. Như vậy các chuẩn mực về kiểm toán và phương pháp kiểm toán đã được Bộ Tài chính ban hành một cách nghiêm túc.
“Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục siết chặt hoạt động của các công ty kiểm toán để kiểm tra lại những hồ sơ, nếu thấy có sai phạm sẽ xử lý nghiêm” - ông Phớc nói.
Liên quan đến những sai phạm của các công ty thẩm định giá, ông Phớc cho hay, cả nước chỉ có mấy trăm công ty về thẩm định giá, hơn nữa Bộ Tài chính cũng quản lý rất chặt chẽ quy trình thi chứng chỉ đối với thẩm định viên, những sai phạm trong thời gian qua chủ yếu do thẩm định viên cố tình làm sai.
Đang triển khai đàm phán với 80 nước về miễn thị thực song phương
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, ĐB Tạ Thị Yên (đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên) cho biết, trong nhiều năm trở lại đây Việt Nam luôn được bình chọn là điểm đến ưa thích của khách du lịch, đã ký kết các thỏa thuận miễn thị thực đối với một số nước nhằm thu hút du lịch. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có một số ít nước miễn thị thực cho công dân Việt Nam và việc xin thị thực cho công dân Việt Nam còn khó khăn. “Đề nghị Bộ trưởng cho biết vai trò của Bộ Ngoại giao trong vấn đề này và giải pháp để cải thiện tình hình, tạo điều kiện cho công dân Việt Nam khi đi ra nước ngoài và ngược lại” - bà Yên chất vấn.
Trả lời, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, đất nước ta ngày càng có vị thế, cơ đồ và tiềm lực chưa bao giờ có như hiện nay, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định. Điều đó thể hiện các nước rất quan tâm, tăng cường thăm và du lịch, coi Việt Nam là điểm đến rất an toàn hiệu quả, có nhiều danh lam thắng cảnh, lịch sử, nhận được sự quan tâm rất lớn của bạn bè quốc tế.
Theo ông Sơn, vấn đề là trong xu thế mở cửa hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay không phải chỉ các nước đến Việt Nam mà công dân Việt Nam có nhu cầu rất lớn ra bên ngoài vừa làm ăn, du lịch, thăm thú. Do đó, Bộ Ngoại giao đã thúc đẩy giao lưu. Tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành đơn giản hoá các thủ tục về xuất nhập cảnh cho công dân nước ngoài, cũng như đồng bào ta ở nước ngoài về nước. Trong đó Quốc hội đã thông qua Luật Xuất nhập cảnh đối với công dân Việt Nam cũng như công dân nước ngoài, trong đó tạo thuận lợi rất nhiều đến thời gian lưu trú tại Việt Nam và tăng cường cấp visa du lịch. Chuyến thăm Úc vừa rồi, các bạn Úc đánh giá rất cao việc chúng ta triển khai visa du lịch, rất thuận tiện.
“Ngoài ra có 13 nước mà chúng ta miễn thị thực đơn phương với công dân đến Việt Nam du lịch. Đây là những địa bàn du lịch trọng điểm. Bộ đã phối hợp với các bộ, ngành đàm phán trực tiếp với các nước, đạt được 15 nước có hiệp định miễn thị thực song phương. Như vậy chúng ta có 25 nước công dân có thể đi lại với nhau. Đây là hướng chính sẽ triển khai trong thời gian tới để công dân của ta ra nước ngoài cũng như đảm bảo công dân nước bạn vào Việt Nam, như thế vị thế của chúng ta cũng tăng lên. Trong điều kiện chưa làm được hộ chiếu phổ thông, Bộ đang triển khai đàm phán với 80 nước về miễn thị thực song phương, tức là có đi có lại về hộ chiếu ngoại giao và công vụ. Như vậy tạo điều kiện cho các lãnh đạo, bộ, ngành, địa phương đi công tác nước ngoài được thuận tiện hơn rất nhiều. Ngược lại chiều vào chúng ta trong thời gian qua tạo thuận lợi tốt” - ông Sơn nói và cho biết, tới đây chủ trương tiếp tục theo chỉ đạo của Chính phủ sẽ đàm phán, ký kết miễn thị thực song phương giữa 2 nước vừa tạo thế cho công dân Việt Nam ra nước ngoài, và ngược lại công dân nước ngoài vào Việt Nam.
Tăng cường kết nối mạng lưới tri thức toàn cầu
ĐB Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương) cũng đề nghị Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nêu về giải pháp để tăng cường hoạt động kết nối mạng lưới tri thức toàn cầu người Việt Nam. “Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp đột phá để tăng cường hoạt động kết nối các mạng lưới tri thức toàn cầu người Việt Nam theo từng nhóm lĩnh vực thiết yếu và có chế độ đãi ngộ xứng đáng cho tri thức là người Việt Nam có đóng góp thiết thực cho Tổ quốc?” - bà Xuân chất vấn.
Về vấn đề này, ông Sơn cho hay, đây là đội ngũ rất lớn, có khoảng 6 triệu kiều bào ở nước ngoài trên 130 quốc gia vùng lãnh thổ, trong đó 80% ở các nước phát triển. 3 thập kỷ qua riêng kiều hối của kiều bào khoảng 200 tỷ USD, trung bình 15-17 tỷ USD/năm, đóng góp rất lớn vào phát triển kinh tế xã hội. Nhưng điều quan trọng hơn là nguồn tri thức kiều bào chiếm khoảng 10% trong tổng số người Việt Nam ở nước ngoài, cùng với các bộ ngành địa phương tìm một số giải pháp để tranh thủ.
Theo đó tổ chức mạng lưới tri thức kiều bào, các cơ quan đại diện đều vận động bà con lập hội tri thức khoa học công nghệ. Vừa rồi Thủ tướng Chỉnh phủ sang Úc có rất nhiều mạng lưới, có các hội khoa học kỹ thuật, hội tri thức kiều bào. Các lãnh đạo sang cũng gặp các hội tri thức kiều bào, phối hợp cùng các bộ ngành làm sao kết nối được cộng đồng tri thức hơn 10% trong tổng số tri thức kiều bào khoa học công nghệ bằng các diễn đàn khác nhau. Hàng năm Bộ tổ chức nhiều diễn đàn, tới đây sẽ tổ chức hội nghị kiều bào toàn thế giới, trong đó sẽ cùng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai hội nghị về tri thức kiều bào ta ở nước ngoài để đóng góp không chỉ tri thức về thể chế mà còn về nguồn lực.