Mặt trận

Quảng Ninh: Tiếp tục thí điểm một số mô hình tổ chức khối MTTQ

Nguyễn Quý 19/03/2024 13:35

Sau thời gian thí điểm, một số mô hình tổ chức bộ máy trong khối MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội được tỉnh Quảng Ninh phân tích, đánh giá kỹ lưỡng để đưa ra quyết định triển khai thực hiện.

Tiếp tục duy trì mô hình cơ quan giúp việc chung khối MTTQ cấp huyện

Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh vừa thảo luận, đánh giá về một số mô hình thí điểm tổ chức bộ máy trong khối MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội.

Đối với mô hình cơ quan tham mưu, giúp việc chung khối MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện, sau 8 năm thực hiện, mô hình đã đạt được một số kết quả. Đó là tăng cường vai trò liên minh chính trị của MTTQ, phát huy sức mạnh tổng hợp, gắn kết các tổ chức trong hệ thống chính trị; khắc phục tình trạng hành chính hóa, tập trung hướng về cơ sở để giải quyết lĩnh vực yếu, địa bàn trọng điểm; xây dựng, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn nhưng đủ mạnh, tạo môi trường cạnh tranh để rèn luyện, đào tạo, bồi dưỡng, cơ cấu lại đội ngũ gắn với phát huy tối đa sở trường, năng lực sáng tạo.

Cùng với đó, huy động được lực lượng, có thêm nguồn lực, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ, nhất là công tác tuyên truyền, vận động; mở rộng dân chủ, nâng cao vai trò trong đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích, hợp pháp, chính đáng của nhân dân, phát huy được sức mạnh của nhân dân. Nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành về vị trí, vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội…

Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, mô hình cũng có tồn tại, hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu do đây là mô hình mới, chưa có trong tiền lệ nên chưa đảm bảo tính pháp lý, chưa chuẩn hóa được đầy đủ hệ thống văn bản, quy chế, quy định, hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền để thực hiện. Mô hình này chưa đảm bảo tính liên thông, đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở. Công tác phối hợp giữa cơ quan khối với chính quyền và các ngành chức năng có lúc, có việc chưa chặt chẽ…

Mô hình cơ quan tham mưu, giúp việc chung khối MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện là mô hình Ban Bí thư Trung ương đồng ý cho thí điểm thực hiện, vì vậy Thường trực Tỉnh ủy đề nghị tiếp tục duy trì mô hình đến hết nhiệm kỳ 2020-2025; tổ chức đánh giá sơ kết, tổng kết việc thực hiện mô hình này trên cơ sở làm rõ những tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện. Thường trực Tỉnh uỷ yêu cầu BTV các huyện, thị, thành ủy phối hợp chặt chẽ với MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh rà soát kỹ về mô hình này, từ con người, cơ chế vận hành, đến quy chế, quy trình, mối quan hệ công việc, công tác tham mưu… đảm bảo nâng cao hiệu lực, hiệu quả tham mưu giúp việc của cơ quan khối.

2193228_dong_chi_nguyen_xuan_ky_uy_vien_trung_uong_dang_bi_thu_tinh_uy_chu_tich_hdnd_tinh_chu_tri_cuoc_hop_17462318.jpg
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký chủ trì cuộc họp giao ban Thường trực Tỉnh ủy ngày 18/3.

Cấp huyện quyết định mô hình phó bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban MTTQ cấp xã

Theo báo cáo của Ban Dân vận Tỉnh ủy Quảng Ninh, mô hình phó bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban MTTQ cấp xã là chủ trương được BTV Tỉnh ủy chỉ đạo thực hiện gắn với những nơi nhất thể hóa chức danh Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cấp xã. Thời gian qua, cấp ủy các địa phương ban hành các văn bản triển khai, xây dựng phương án bố trí, sắp xếp cán bộ cụ thể, phù hợp với tình hình địa phương, cơ sở. Đến tháng 3/2024, có 34/177 phó bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban MTTQ cấp xã.

Qua thời gian thực hiện, mô hình này có những ưu điểm như: Tăng cường công tác kiểm soát, giám sát quyền lực của người đứng đầu; tạo thuận lợi trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành chung các nhiệm vụ thuộc MTTQ cấp xã; tăng cường sự lãnh đạo của đảng ủy cấp xã, phát huy tích cực vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội ở cơ sở; tạo điều kiện cho MTTQ nắm bắt đầy đủ, triển khai kịp thời các chủ trương, nhiệm vụ của đảng ủy cơ sở giao cho Ủy ban MTTQ.

Tuy nhiên đây là mô hình mới, chưa có văn bản quy định hướng dẫn cụ thể của Trung ương và không được thực hiện đồng bộ vì chỉ thực hiện ở những nơi bí thư đảng ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã, trong khi đó phó bí thư đảng ủy cơ sở phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ, dẫn đến khó khăn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Mặt khác, khi thực hiện mô hình tổ chức MTTQ cấp xã không có người hoạt động chuyên trách trong khi khối lượng công việc ngày càng nhiều, chất lượng đòi hỏi ngày càng cao.

Trên cơ sở thảo luận, Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh cho rằng, việc đánh giá một mô hình đổi mới về tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị phù hợp với thực tiễn phát triển KT-XH của địa phương cần phải được đánh giá trên tất cả các tiêu chí, nhất là tiêu chí về hệ thống chính trị có hoạt động hiệu lực, hiệu quả và đảm bảo phương châm Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ. Đồng thời, cũng phải đánh giá rõ cơ chế vận hành cũng như tác động của mô hình trong quá trình thực hiện trong những năm qua; quyết tâm, trách nhiệm của cấp huyện để đảm bảo hệ thống được vận hành hiệu quả.

Đối với mô hình phó bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban MTTQ cấp xã, tùy thuộc vào tình hình địa phương và thực trạng đội ngũ cán bộ, Thường vụ cấp ủy cấp huyện quyết định việc tiếp tục duy trì mô hình này, mục tiêu cao nhất là mang lại hiệu quả tốt nhất, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tình hình mới.

Nguyễn Quý