Cử tri lo lắng về tình hình ô nhiễm không khí tại Hà Nội
Cử tri và Nhân dân tiếp tục bày tỏ sự lo lắng về thời gian gần đây vẫn còn xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông thảm khốc làm chết và bị thương nhiều người; tình hình ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn, đặc biệt là tại Hà Nội.
Chiều 19/3, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 2 năm 2024. Báo cáo tại phiên họp, ông Dương Thanh Bình, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết, cử tri và Nhân dân bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, sự điều hành, quản lý của Chính phủ, hoạt động giám sát của Quốc hội; đánh giá cao việc Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, an sinh xã hội; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; đẩy mạnh xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài; quốc phòng được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững.
Tuy nhiên, theo ông Bình: Cử tri và Nhân dân tiếp tục bày tỏ sự lo lắng về thời gian gần đây vẫn còn xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông thảm khốc làm chết và bị thương nhiều người; tình hình ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn, đặc biệt là tại Hà Nội; tình trạng nắng nóng gay gắt kèm theo thiếu hụt lượng mưa làm nguy cơ xảy ra cháy rừng, thiếu nước sản xuất ở nhiều nơi; giá cả các mặt hàng tiêu dùng tăng; tình trạng khan hiếm nguồn cát xây dựng, không đủ cung cho các công trình trọng điểm quốc gia và nhu cầu xây dựng khác làm chi phí đầu tư tăng cao, ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công công trình, dự án; tình trạng khai thác cát trái phép ở Hà Nội và một số địa phương diễn biến phức tạp; tình trạng vật nuôi chưa được tiêm vaccine phòng bệnh dại tấn công người; tình trạng thiếu thuốc, vaccine, trang thiết bị, vật tư y tế tại các cơ sở y tế công lập.
Bên cạnh đó, cử tri phản ánh hiện nay một số bệnh nhân chưa được điều trị dứt bệnh nhưng do hết thời gian điều trị nội trú tại các cơ sở y tế theo quy định bảo hiểm y tế nên phải làm thủ tục xuất viện, sau đó mới nhập viện lại để được tiếp tục điều trị, quy định này đã gây khó khăn cho người dân khi điều trị bệnh; việc chi chế độ cho người có công với cách mạng được chuyển vào tài khoản ngân hàng đang gây khó khăn cho người cao tuổi trong việc đi lại rút tiền, nhất là người cao tuổi sống tại khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, cư trú ở miền núi, vùng sâu, vùng xa; thẻ bảo hiểm y tế theo mẫu mới không ghi thời hạn hết hiệu lực trên thẻ, điều này gây khó khăn cho người sử dụng trong việc theo dõi thời gian hết hạn của thẻ để đóng tiếp.
Tính đến nay, Ban Dân nguyện đã nhận được kết quả giải quyết, trả lời đối với 1.290/2.216 kiến nghị của cử tri gửi đến trước và sau Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Cụ thể, đối với kiến nghị của cử tri gửi đến trước Kỳ họp thứ 6, đã có 1.236 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời. Hiện còn 56 kiến nghị chưa được giải quyết, trả lời. Đối với kiến nghị của cử tri gửi đến sau Kỳ họp thứ 6, đã có 54 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời. Hiện còn 870 kiến nghị còn trong thời hạn giải quyết đang được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết, trả lời theo quy định.
Qua rà soát, tổng hợp và sơ bộ đánh giá kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri của các cơ quan có thẩm quyền, về cơ bản các cơ quan đã có cố gắng, tích cực giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến trước và sau Kỳ họp thứ 6. Tuy nhiên, vẫn còn xảy ra tình trạng chậm giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri, đến nay mặc dù đã quá thời hạn trả lời gần 2 tháng nhưng vẫn còn 56 kiến nghị cử tri gửi đến trước Kỳ họp thứ 6 chưa được giải quyết, trả lời. Ban Dân nguyện đã ban hành công văn đôn đốc gửi đến một số bộ, ngành yêu cầu trả lời đầy đủ các kiến nghị trên. Ban Dân nguyện sẽ tiếp tục cập nhật kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri của các cơ quan có thẩm quyền.
Về tình hình khiếu nại, tố cáo, theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ và Bộ Công an, trong tháng 2/2024, tình hình công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có chiều hướng giảm nhiều so với tháng 1/2024. Tuy nhiên, nhiều vụ việc khiếu kiện phức tạp vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, dẫn đến tình trạng công dân thường xuyên tập trung đông người ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh gây phức tạp về an ninh trật tự cần được các cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương đẩy nhanh tiến độ rà soát, giải quyết trong thời gian tới. Đáng chú ý là các vụ việc khiếu kiện của các khách hàng mua trái phiếu của các doanh nghiệp, khách hàng mua căn hộ Condotel; khiếu kiện liên quan đến hợp đồng hợp tác kinh doanh; khiếu kiện việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất tại một số địa phương.
Theo báo cáo tổng hợp từ các địa phương, trong tháng 2/2024 các vụ việc liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án; việc tạm dừng thi công dự án dẫn đến tình trạng lãng phí, lấn chiếm đất đai và việc cắt giảm lao động, đình công, ngừng việc tập thể của công nhân, người lao động; Trong đó, nổi lên 4 vụ việc khiếu kiện có dấu hiệu phức tạp về an ninh, trật tự được nêu cụ thể tại báo cáo đầy đủ cần được các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương và địa phương có giải pháp giải quyết dứt điểm trong thời gian tới.