Thiếu hành lang pháp lý cho bảo tàng tư nhân
Cùng với bảo tàng công lập, bảo tàng tư nhân góp phần vào việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Song đến nay vẫn chưa có hành lang pháp lý cụ thể cho bảo tàng tư nhân phát triển.
Hiện nay, hệ thống bảo tàng gồm 197 bảo tàng (127 bảo tàng công lập và 70 bảo tàng ngoài công lập) đang bảo quản, trưng bày và phát huy giá trị trên 4 triệu hiện vật, là di vật, cổ vật đặc trưng văn hóa của địa phương, vùng miền, quốc gia. Luật Di sản văn hóa sửa đổi, bổ sung năm 2009 chính là bước ngoặt cho sự ra đời của các bảo tàng tư nhân. Sau hơn 10 năm, số lượng bảo tàng tư nhân đã phát triển nhanh chóng, góp phần khắc phục tình trạng thất thoát cổ vật và tạo thêm nhiều điểm đến hấp dẫn, thu hút khách du lịch.
Theo PGS.TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, bảo tàng tư nhân sẽ là điều kiện để xã hội hóa, thu hút nhiều người đến tham quan, học tập và là điểm du lịch hấp dẫn. Các hiện vật, tư liệu được phát huy hết giá trị phục vụ công chúng, nhà nghiên cứu.
Trong dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), các quy định về bảo tàng được thể hiện tại chương VI. Đây là chương mới, được tách từ mục 3, chương IV Luật Di sản văn hóa hiện hành, gồm 14 điều (từ Điều 61 đến Điều 74). Các nội dung quy định trong dự thảo luật ở chương này có kế thừa, điều chỉnh, bổ sung cụ thể hơn hoặc quy định mới, qua đó hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động bảo tàng.
TS Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, nên khuyến khích thành lập bảo tàng ngoài công lập. Qua đó có thể huy động nguồn lực xã hội, giảm gánh nặng ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, tập trung đầu tư đến nơi đến chốn cho các bảo tàng công lập hiện có.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, cần có những chính sách ưu đãi thuế đối với bảo tàng tư nhân vì nguồn thu của bảo tàng không đủ để vận hành. Quá trình chuyên nghiệp hóa bảo tàng tư nhân đòi hỏi nhiều hơn nữa nguồn lực, từ cơ chế chính sách, giải pháp chuyên môn, sự đồng hành của các quỹ bảo trợ. Bên cạnh những cơ chế hỗ trợ đặc thù thì nhu cầu cấp thiết của các bảo tàng hiện nay là được đào tạo và ứng dụng các công nghệ. Đồng thời, các bảo tàng cũng đang rất cần được địa phương quan tâm hỗ trợ quảng bá, kết nối với du khách.
PGS.TS Nguyễn Văn Huy - nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cho rằng, cần có một quỹ hỗ trợ cho bảo tàng tư nhân, các hoạt động bảo tồn di sản, có thể thành lập từ việc huy động các nguồn lực xã hội với tôn chỉ, mục đích, tiêu chí hoạt động rõ ràng để các bảo tàng tư nhân dễ tiếp cận. Nhà nước cũng cần ban hành chính sách hướng các đơn vị có điều kiện đầu tư, quan tâm các hoạt động văn hóa, bảo tàng.