Ảm đạm mặt bằng cho thuê kinh doanh
Tại nhiều tuyến phố kinh doanh đắt đỏ bậc nhất tại Hà Nội như phố Hàng Đào, Hàng Thùng, Hàng Muối, Quang Trung, Phố Huế… hiện đang được treo rất nhiều biển “cho thuê”, “sang nhượng cửa hàng”. Dù được kỳ vọng sẽ có những chuyển biến tích cực nhưng thị trường cho thuê mặt bằng kinh doanh vẫn rất trầm lắng.
Vắng khách
Là công nhân nhà máy dệt nhưng cả hai vợ chồng bà Nguyễn Thị Tâm (Cầu Giấy, Hà Nội) đã xin về hưu một cục (hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần) thế nên về già cuộc sống trông ở cả việc cho thuê tầng 1. Nhà mặt phố diện tích chỉ chừng 45m2 nhưng lâu nay cuộc sống ông bà cũng ổn định nhờ cho thuê mặt bằng kinh doanh.
“Tận dụng lợi thế mặt phố nên tôi cho thuê tầng 1 với giá 15 triệu đồng/tháng. Nhờ số tiền này mà hai vợ chồng chúng tôi đã sống đủ, thậm chí dư dả, nhưng từ khi có dịch Covid-19, nguồn thu này không còn ổn định do không có người thuê. Tình trạng càng thê thảm hơn khi từ đầu năm đến nay dù đã hạ xuống 9 triệu đồng/tháng nhưng cũng không có khách hỏi” - bà Tâm giãi bày. Cũng theo bà Tâm, cả dãy nhà bà ở có 15 nhà thì chỉ còn 2 -3 nhà cho thuê làm quán gội đầu và bán trà sữa.
Tại các con phố sầm uất, lớn tại Hà Nội hiện nay không khó để bắt gặp những biển quảng cáo như: sang nhượng lại mặt bằng, cho thuê cửa hàng, cho thuê nhà… Thậm chí nhiều người với mong muốn hút khách còn đưa ra nhiều điều kiện hấp dẫn như: cho thuê và trả tiền thuê theo tháng, điện, nước tính giá hộ gia đình… Nguồn cung mặt bằng cho thuê hiện nay gần như đang vượt cầu, bởi lẽ, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhu cầu mua sắm của khách hàng vẫn còn yếu, doanh thu giảm đáng kể so với trước đây.
Là người có thâm niên môi giới phân khúc nhà phố cho thuê, chị Nguyễn Thị Hà (46 tuổi, ở Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) cho biết, nguyên nhân của việc mặt bằng cho thuê tại các tuyến phố trung tâm “bất động” là do giá cho thuê cao nên nhiều người không dám mạo hiểm đầu tư kinh doanh tại thời điểm này. Bên cạnh đó, các mặt bằng hiện nay còn gặp khó khăn trong việc xin cấp giấy phép kinh doanh, giấy phép phòng cháy chữa cháy… nên nhiều người thuê ngại ngần. “Trước đây những nhà thấp tầng, liền kề hầu như không bao giờ bị ế vì nhiều người đứng ra thuê rồi chia nhỏ các phòng cho sinh viên, người đi làm, hộ gia đình thuê. Tuy nhiên hiện nay việc xin cấp giấy phép phòng cháy chữa cháy không dễ nên phân khúc này hiện hầu như vắng khách” - chị Hà cho biết thêm.
Theo những người làm công việc môi giới kinh doanh bất động sản, có 3 lý do chính dẫn tới tình trạng kể trên, đó là: sự thay đổi mô hình kinh doanh của những đơn vị đi thuê. Giai đoạn vừa rồi, tốc độ tăng trưởng về thương mại điện tử rất lớn. Các đơn vị đi thuê trước đây sử dụng các tuyến phố chính để vừa làm thương hiệu vừa bán hàng. Giai đoạn sau dịch, thị trường khó khăn hơn nên họ phải bắt buộc thay đổi mô hình. Họ tìm đến các nền tảng điện tử như lazada, shopee, tiktok hay facebook.
Lý do thứ hai là sự sụt giảm trong lượng khách đến thị trường trung tâm. Cuối cùng là xu hướng mở rộng ở các thị trường tỉnh của các nhãn hàng và các chuỗi. Bây giờ họ sẽ thu hẹp ở các thị trường chính và chuyển đổi mô hình sang thương mại điện tử và đâu đó họ sẽ mở rộng ở các khu vực tỉnh vùng ven.
Thứ ba, tình trạng cho thuê mặt bằng nhà phố tại Hà Nội, khối nhà chân đế của các tòa cao tầng… đang rơi vào tình trạng ế ẩm do chủ cho thuê vẫn cố giữ mức giá cao, sẵn sàng bỏ trống mặt bằng chứ không thương lượng giá cả.
Thị trường có ấm lên?
Bên cạnh yếu tố trên, theo các chuyên gia, hoạt động kinh doanh bán hàng online đang dần chiếm xu thế thị trường hiện nay. Điều này khiến cho các chủ kinh doanh buộc phải tìm hướng đi mới, thay đổi để thích nghi với thời cuộc. Còn đối với những chủ cho thuê nhà thì lại trở nên lo lắng hơn bao giờ hết vì càng ngày càng hiếm khách thuê.
“Hiện nay mức giá cho thuê nhà phố tại các khu vực trung tâm Hà Nội có giá dao động từ 20-45 triệu đồng/tháng với diện tích từ 25-40 m2. Nếu trước đây, các mặt bằng trung tâm thường phải tranh giành nhau mới thuê được thì hiện giờ ngược lại, kinh doanh ế ẩm cộng thêm việc bán hàng trực tuyến giờ thực sự là kênh tiêu dùng được nhiều người dân lựa chọn. Vì thế thay vì thuê mặt bằng để bán hàng trực tiếp nhiều người đã đầu tư vào công nghệ để bán hàng qua livestream, thuê người nổi tiếng bán hàng. Đây cũng là nhân tố khiến nhu cầu sụt giảm. Để kích cầu nhiều chủ nhà sẵn sàng giảm từ 5-10% giá thuê nhà nhưng vẫn không tìm được khách thuê” - chị Hà chia sẻ.
Nhận định về thị trường văn phòng trong năm 2024, theo các chuyên gia, khi nền kinh tế chưa có dấu hiệu phục hồi rõ rệt, nguồn cung lại dồi dào, giá thuê mặt bằng văn phòng nhìn chung sẽ có xu hướng điều chỉnh linh hoạt, thông qua các điều khoản cho thuê có lợi hơn cho khách thuê. Chỉ có một số ít các dự án chất lượng tại các vị trí trung tâm, giao thông thuận lợi, có các đặc điểm nổi trội như đạt chứng chỉnh xanh, tiện ích tòa nhà đa dạng... là có thể tăng giá nhẹ trong năm tới. Đồng thời, trong các giao dịch thuê tương lai, việc thương thảo các điều khoản hợp đồng liên quan tới yếu tố xanh, bền vững sẽ dần trở nên phổ biến hơn.
“Để tăng sức thu hút, chủ mặt bằng bán lẻ, đặc biệt là nhà phố cần đảm bảo các mặt bằng kinh doanh có đủ điều kiện cấp phép cho thuê về mặt công năng sử dụng. Các chủ nhà cũng cần tuân thủ quy trình thủ tục xin phê duyệt phòng cháy chữa cháy” - bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc cấp cao, Bộ phận cho thuê thương mại Savills Hà Nội nhấn mạnh.