Kinh tế

Vì sao thép nhập khẩu tăng mạnh?

Thanh Xuân 21/03/2024 07:09

Thông tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, nhập khẩu thép vào Việt Nam tiếp tục tăng mạnh về số lượng từ năm 2023 đến những tháng đầu năm 2024. Vậy nguyên nhân do đâu?

anhbaiduoi.jpg
Ngay từ tháng 1/2024, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 1,488 triệu tấn thép, tăng 27,25% so với cuối năm 2023. Ảnh: M.Hoa.

Đó là câu hỏi được nhiều chuyên gia trong ngành đặt ra trong bối cảnh Việt Nam đang có những doanh nghiệp (DN) mạnh về năng lực sản xuất, cung ứng cũng như công nghệ thép.

Nhập khẩu thép tăng hơn 2 lần

Số liệu nhập khẩu mới nhất của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho hay, tính trong cả năm 2023, nhập khẩu thép thành phẩm các loại về Việt Nam khoảng 13,33 triệu tấn với trị giá hơn 10,4 tỷ USD, tăng 14,07% về lượng nhưng giảm 12,55% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Trung Quốc là quốc gia cung cấp nhiều nhất với hơn 62% tổng lượng và hơn 54% về tổng giá trị.

Bước sang năm 2024, lượng thép nhập khẩu tăng mạnh hơn. Cụ thể, ngay từ tháng 1, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 1,488 triệu tấn thép, tăng 27,25% so với cuối năm 2023 và tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước về lượng nhập khẩu. Giá trị nhập khẩu đạt hơn 1,059 triệu USD, tăng 22,3% so với tháng trước và tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2023.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong 2 tháng đầu năm 2024, lượng sắt thép nhập khẩu về Việt Nam là gần 2,65 triệu tấn, tăng gấp gần 2 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thép nhập từ Trung Quốc chiếm 1,8 triệu tấn, cao gấp 3 lần về lượng và gấp 2,4 lần về trị giá.

Đại diện VSA cho hay, về sản xuất thép trong nước, tổng năng lực sản xuất của các DN thép trong nước hiện đạt khoảng 23 triệu tấn thép thô. Năng lực sản xuất thép thành phẩm bao gồm thép xây dựng, thép cuộn cán nóng, cán nguội, tôn mạ, ống thép đạt khoảng 38,6 triệu tấn/năm. Thực tế năm 2023, các DN thuộc Hiệp hội Thép sản xuất gần 28 triệu tấn, tiêu thụ đạt 26,3 triệu tấn; trong đó xuất khẩu đạt 8 triệu tấn.

Như vậy, năng lực sản xuất trong nước cơ bản đáp ứng nhu cầu trong nước. Không những thế, thép Việt Nam đã đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và được xuất khẩu tới nhiều nước trên thế giới. Việc thép ngoại liên tiếp tràn vào trong nước là vấn đề cần lưu tâm, bởi sẽ “hút” thị phần của DN sản xuất trong nước trong khi các hàng rào kỹ thuật, phòng vệ tại Việt Nam chưa mạnh để bảo vệ sản xuất trong nước, đại diện VSA chia sẻ thêm.

Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công thương) trên cơ sở số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2022 và 2023, trong 10 quốc gia cung cấp thép cho Việt Nam, Trung Quốc luôn ở vị trí số 1. Đặc biệt, con số nhập khẩu từ thị trường này tăng mạnh theo năm. Cụ thể, năm 2022, nhập khẩu thép thành phẩm các loại từ Trung Quốc đạt hơn 5 triệu tấn, tương ứng gần 5 tỷ USD, chiếm tỷ trọng lần lượt là 43,64% và 41,65%; thì đến năm 2023, nhập khẩu thép thành phẩm các loại từ Trung Quốc là hơn 8,2 triệu tấn, tương ứng hơn 5,65 tỷ USD, chiếm tỷ trọng lần lượt là 62,18% và 54,21%.

Lý giải nguyên nhân

Thông thường nhiều năm trước, lượng nhập khẩu từ Trung Quốc bình quân chỉ chiếm khoảng 50%, thậm chí có thời điểm xuống hơn 40% tổng lượng thép nhập khẩu vào Việt Nam. Với xu hướng nhập khẩu tăng mạnh vừa qua, ông Nguyễn Văn Sưa, chuyên gia ngành thép cho rằng, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, thị trường bất động sản nguội lạnh khiến nhu cầu tiêu thụ sắt thép yếu. Nhu cầu nội địa kém, song sản xuất thép tại Trung Quốc rất mạnh, mỗi ngày có thể lên đến vài triệu tấn – bằng sản lượng thép Việt Nam trong cả tháng. Điều này thúc ép họ phải đẩy mạnh xuất khẩu và gây áp lực lên nhiều thị trường chứ không riêng gì Việt Nam.

Chỉ rõ hơn nguyên nhân, Công ty CP Thép Việt cho hay, thép nhập khẩu tăng cao từ thị trường Trung Quốc là do có giá rẻ hơn các thị trường khác nhờ lợi thế từ thuế. Hiện, gần như các sản phẩm thép nhập khẩu vào Việt Nam đều có thuế nhập khẩu bằng 0%. Ngoài ra, một lý do khiến thép Trung Quốc tràn vào Việt Nam là hàng rào kỹ thuật trong việc nhập thép bị bãi bỏ.

Các DN cho rằng, tình trạng nhập khẩu thép ngày càng lớn với giá rẻ có nguy cơ làm mất cân bằng cán cân thương mại, làm thất thu ngân sách nhà nước. Do đó, rất cần thiết một giải pháp đồng bộ từ chính sách nhà nước để tạo sự cạnh tranh công bằng trên thị trường thép.

Thanh Xuân