Mặt trận

Nghĩa tình Tháng Công nhân

Tuệ Phương 21/03/2024 07:16

Còn hơn một tháng nữa mới đến Tháng Công nhân. Nhưng ngay từ lúc này, nhiều anh chị em đã mong ngóng chờ đến “tháng Tết” của người lao động. Đó không chỉ là những mái ấm, những phần quà đến với công nhân, người lao động, đó còn là những tình cảm ấm áp, yêu thương, sẻ chia mà Công đoàn nói riêng, cả xã hội dành cho những người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Để rồi, anh chị em công nhân lao động vững tin hơn vào cuộc sống, vươn lên trong xã hội.

coverthay.jpg
Hoạt động của Tháng công nhân hàng năm đã và đang trở thành nguồn động viên lớn đối với đời sống của công nhân lao động (trong ảnh: Công nhân lao động tại Công ty cổ phần Chế tạo Điện cơ Hà Nội). Ảnh: Quang Vinh.

Ấm lòng người lao động

Mới nghe đến Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chuẩn bị tổ chức các hoạt động trong Tháng Công nhân 2024, chị Danh Na (công nhân Công ty cổ phần giấy Sài Gòn - Khu công nghiệp Mỹ Xuân A) lại mừng mừng tủi tủi. Hai vợ chồng chị đều là người tỉnh xa về với mảnh đất Bà Rịa – Vũng Tàu làm ăn rồi nên duyên vợ chồng nhưng cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn.

Chị Na chia sẻ: Gia đình tôi lúc ấy có con nhỏ, lại còn ở trọ, cuộc sống khó khăn. Chúng tôi còn chưa có tivi, đang định tiết kiệm để mua thì khi tham gia chương trình Tháng Công nhân năm 2023, bất ngờ tôi trúng giải đặc biệt là một chiếc tivi trị giá 7,3 triệu đồng trong phần bốc thăm trúng thưởng. Đây là bất ngờ lớn, vợ chồng tôi thấy thật may mắn và cảm động với các hoạt động của Tháng Công nhân. Nhiều đồng nghiệp của tôi cũng nhận được những phần quà có giá trị và được nhận sự quan tâm của cộng đồng.

Tháng Công nhân không chỉ là dịp những món quà được trao đi, mà còn là dịp để những người làm công tác Công đoàn có những sáng tạo trong chăm lo đời sống đoàn viên công đoàn và công nhân lao động. Cũng khoảng thời gian này vào năm ngoái, TPHCM sôi động diễn ra các hoạt động hướng đến công nhân, người lao động. Trong đó, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) quận Bình Tân đã có mô hình “1+1”. Triển khai mô hình này, một Công đoàn cơ sở sẽ nhận chăm lo ít nhất một đoàn viên, người lao động bị bệnh hiểm nghèo. Với phương châm: “Thêm một người lao động được chăm lo nghĩa là bớt đi một nỗi khó khăn, một hoàn cảnh khốn khó mà chính bản thân họ phải đối mặt”, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn đã hưởng ứng. Chỉ ít ngày sau khi phát động, đã có 34 người lao động mắc bệnh hiểm nghèo, có hoàn cảnh khó khăn hiện đang làm việc tại các công ty, đơn vị trên địa bàn quận được các Công đoàn cơ sở nhận hỗ trợ chăm lo với kinh phí từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/người/tháng, hỗ trợ trong 12 tháng.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Hoa - giáo viên Trường mầm non Bảo Ngọc (phường Tân Tạo, quận Bình Tân), bị bệnh hở van tim, phải đặt máy trợ tim, hiện đang thuê trọ, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Hiện chị là lao động chính nuôi chồng và hai con nhỏ. Trước khó khăn của gia đình chị, Công đoàn nhà trường nơi chị công tác đã hỗ chị 500 nghìn đồng/tháng. Chị Hoa chia sẻ: “Sự hỗ trợ, quan tâm động viên của Công đoàn nhà trường giúp tôi yên tâm công tác, chăm lo cho gia đình cũng như cố gắng vượt qua hoàn cảnh khó khăn này”.

Bình Dương là địa bàn có số lượng công nhân lớn trong cả nước, chủ đề Tháng Công nhân “Kết nối công nhân, xây dựng tổ chức” cũng đã đem đến nhiều lợi ích thiết thực cho anh chị em công nhân, nhất là các “Phiên chợ công nhân”, “Tuần lễ bán hàng giảm giá cho người lao động”, “Ngày hội văn hóa thể thao công nhân”, “Ngày hội chăm sóc sức khỏe”...

anh-bai-chinh.jpg
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang tặng quà cho công nhân lao động. Ảnh: Nguyễn Hải.

Tiếp tục phát huy truyền thống

Năm 2024 là lần thứ 13 chương trình Tháng Công nhân được tổ chức theo Quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Từ đó đến nay, qua mỗi năm tổ chức, hoạt động của Tháng Công nhân ngày càng trở nên đa dạng, phong phú và thiết thực hơn. Từ chỗ chủ yếu ôn lại truyền thống, chăm lo đời sống vật chất thì đến hôm nay, nhiều chương trình hoạt động chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần, sức khỏe cũng được triển khai. Đặc biệt, cũng trong Tháng Công nhân, hàng loạt chương trình đối thoại với công nhân được tổ chức. Điển hình như tại TP Hà Nội, trực tiếp Chủ tịch UBND thành phố đối thoại với công nhân. Qua đó, anh chị em đoàn viên Công đoàn, công nhân lao động được gửi gắm tâm tư, kiến nghị trực tiếp đến người đứng đầu chính quyền thành phố. Từ đó, nhiều vấn đề được chính quyền nắm bắt, tìm giải pháp tháo gỡ, nhất là những vấn đề liên quan đến nhu cầu cuộc sống hàng ngày của công nhân như: Vấn đề nhà ở, an toàn lao động, chế độ cho công nhân khi tăng ca…

Phát huy ý nghĩa của Tháng Công nhân trong những năm qua, năm 2024, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã chỉ đạo LĐLĐ các tỉnh lên kế hoạch triển khai Tháng Công nhân với chủ đề: “Đoàn kết công nhân - Triển khai Nghị quyết”. Trong đó, các hoạt động chính gồm: “Đưa nghị quyết Đại hội vào cuộc sống”; “Đối thoại tháng 5”; “Tiếp xúc chuyên đề với cử tri công nhân”; “Cảm ơn người lao động”... Đồng thời, triển khai tổ chức “Tháng cao điểm phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở”; triển khai hoạt động tôn vinh công nhân lao động tiêu biểu; Chương trình “Khỏe để lao động, sản xuất”.

Những ngày này là thời gian cán bộ công đoàn các cấp hết sức bận rộn chuẩn bị các hoạt động cho công nhân, từ việc tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao, cho đến chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là chuẩn bị các phần quà cho công nhân lao động. Tại Bắc Ninh, ngoài những phần quà sẽ nhận, anh chị em công nhân đang phấn khởi chờ đợi Giải bóng đá công nhân, viên chức, lao động lần thứ nhất hay Hội thi nữ công nhân lao động tài năng, duyên dáng… Tại Hà Nội, các đoàn viên công đoàn cũng háo hức với những ngày hội được tổ chức tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Khu công nghiệp Thạch Thất…

Còn hơn 1 tháng nữa mới đến Tháng Công nhân. Nhưng trên khắp mọi miền đất nước, sự chuẩn bị cho Tháng Công nhân đã rộn ràng và những công nhân lao động đang háo hức chờ đợi. Bởi từ lâu, Tháng Công nhân đã được xem là “tháng Tết” với người lao động.

Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam:

Khẳng định vai trò đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích của đoàn viên

ong-ngo-duy-hieu-20.3.jpg

Tháng Công nhân đã trở thành hoạt động thường xuyên của các cấp Công đoàn Việt Nam, với mục tiêu chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, cán bộ, công chức, viên chức lao động, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ. Thông qua Tháng Công nhân, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có công nhân lao động cần thực hiện tốt thông tin, tuyên truyền; hưởng ứng tham gia Tháng Công nhân bằng những hoạt động thiết thực. Cụ thể như tổ chức: Đối thoại giữa chủ doanh nghiệp với Công đoàn và người lao động; tổ chức các hoạt động chăm lo đời sống, việc làm cho cho người lao động... Bên cạnh đó, các đơn vị cần tăng cường công tác giám sát, phối hợp kiểm tra với công đoàn trực thuộc. Thông qua các hoạt động của Tháng Công nhân, các cấp công đoàn thể hiện rõ vai trò đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, công nhân lao động, tạo sự quan tâm hơn nữa của các cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị, chủ doanh nghiệp và toàn xã hội đối với người lao động.

Ông Nguyễn Trường Giang - Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Long Biên (Hà Nội):

Tạo động lực để công nhân, người lao động phát huy tính sáng tạo

ong-nguyen-truong-giang1.jpg

Trong Tháng Công nhân năm 2024, LĐLĐ quận Long Biên sẽ tập trung thực hiện 5 chuỗi hoạt động trọng tâm gồm: Đối thoại để giúp người lao động được thụ hưởng tốt hơn các chế độ, chính sách; tổ chức khám, xét nghiệm cho 400 người lao động tại các doanh nghiệp, các đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn với tổng tiền là 350 triệu đồng; trao hỗ trợ những phần quà cho công nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tổ chức khai mạc 3 lớp hạt nhân văn hóa ở cơ sở để từ đó các đoàn viên có thể nhân rộng; khai mạc giải bóng truyền hơi trong công nhân viên chức lao động của quận… Các hoạt động như vậy sẽ góp phần tạo động lực để công nhân, viên chức lao động phát huy tính sáng tạo, xây dựng thói quen phát hiện vấn đề và ý thức cải thiện, nâng cao năng lực làm việc, góp phần cùng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp vượt khó, phát triển và đạt mục tiêu cùng có lợi cho cả người sử dụng lao động và người lao động.

Tuệ Phương