Phát huy nét độc đáo trong trang phục của người Dao Thanh Phán
Để bảo tồn nét đẹp văn hóa dân tộc Dao Thanh Phán, xã Kỳ Thượng (TP Hạ Long) đã đưa ra sáng kiến về việc mặc trang phục dân tộc vào các ngày cố định trong tuần với đối tượng là cán bộ công chức và giáo viên, học sinh.
Lan tỏa sắc màu dân tộc
Kỳ Thượng là một trong những xã vùng cao xa xôi nhất của TP Hạ Long, nơi có gần 900 người sinh sống và chủ yếu là người dân tộc Dao Thanh Phán.
Sau khoảng 2 giờ đồng hồ di chuyển từ trung tâm TP Hạ Long, Kỳ Thượng dần hiện ra với khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, khoáng đạt, hòa cùng vào đó là những thanh âm trong trẻo nơi núi rừng kỳ vĩ. Đón tiếp chúng tôi tại trụ sở Đảng ủy – HĐND – UBND xã Kỳ Thượng là những cán bộ công chức xã trong bộ trang phục dân tộc truyền thống.
Bà Bàn Thị Phương, Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Thượng chia sẻ: Sau khi có quyết định về việc mặc trang phục dân tộc đến công sở, ai ai cũng đều vui vẻ, phấn khởi. Niềm vui không chỉ bởi vì được mặc trang phục dân tộc mà thông qua đó, mỗi chúng tôi sẽ góp phần lan tỏa văn hóa dân tộc đến với du khách, bạn bè quốc tế.
Được biết, kể từ ngày 1/3/2024, các cán bộ công chức xã Kỳ Thượng sẽ mặc trang phục dân tộc đến công sở vào các ngày thứ 2, 4, 6 mỗi tuần. Được khoác lên mình bộ trang phục dân tộc, những người cán bộ công chức xã trào dâng trong mình niềm tự hào dân tộc và ước vọng được cống hiến, đóng góp sức mình cho sự phát triển của địa phương, giúp những người dân nơi đây thêm ấm no, hạnh phúc. Từ những bộ trang phục dân tộc, khoảng cách giữa cán bộ và bà con nhân dân thêm gần hơn, từ đó vun đắp sự gắn kết, tạo sự đồng thuận cao trong mỗi hoạt động.
Vừa tỉ mẩn chỉ tay theo từng đường thêu trên vạt áo, bà Phương vừa kể: Mỗi mũi thêu đều đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ, chỉ cần sai một mũi thêu là sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ họa tiết phía sau. Người Dao Thanh Phán truyền nghề thêu từ đời này sang đời kia để ai ai cũng đều có thể tự thêu nên cho mình một bộ trang phục truyền thống, góp phần lưu giữ văn hóa dân tộc.
Để làm nên một bộ trang phục dân tộc Dao Thanh Phán hoàn chỉnh, thời gian có thể kéo dài tới hàng tháng trời. Người Dao Thanh Phán không chỉ trân trọng những bộ trang phục dân tộc của mình bởi sự cầu kỳ, tỉ mỉ mà còn bởi lẽ nó được làm nên từ đôi bàn tay và tình yêu thương của những người phụ nữ trong gia đình.
Tuy mới chỉ triển khai được một thời gian ngắn, hoạt động này đã tạo nên những hiệu ứng tích cực và được người dân trong địa bàn ủng hộ. Tiếp bước công sở, tại các trường học, giáo viên và học sinh cũng sẽ được mặc trang phục dân tộc vào mỗi thứ 2 hàng tuần.
Em Linh Thị Dung (lớp 6A, Trường TH&THCS Kỳ Thượng) chia sẻ: Em chỉ được mặc trang phục dân tộc vào những dịp đặc biệt như lễ cấp sắc, ngày Tết. Khi nhà trường triển khai mặc trang phục dân tộc, em cảm thấy rất vui, tự hào vì được quảng bá văn hóa người Dao Thanh Phán.
“Với việc mặc trang phục dân tộc trong trường học, các em học sinh sẽ hiểu rõ hơn, thêm yêu và trân trọng văn hóa truyền thống để cùng nhau gìn giữ, lan tỏa cho mai sau”, cô Đỗ Kim Dung (Hiệu phó Trường TH&THCS Kỳ Thượng) cho biết. Cùng với đó, để lan tỏa văn hóa dân tộc, nhà trường thường xuyên tổ chức các buổi học STEM với nội dung giới thiệu trang phục truyền thống, phụ huynh và học sinh cùng nhau thêu áo...
Khát vọng vươn xa từ bộ trang phục dân tộc
Thông qua việc triển khai mặc trang phục dân tộc thường xuyên, xã Kỳ Thượng mong muốn sẽ góp phần bảo tồn, gìn giữ văn hóa dân tộc tại địa phương và thực hiện tốt chủ đề công tác năm 2024 của tỉnh là phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh.
Đối với mỗi người con dân tộc Dao Thanh Phán, trang phục dân tộc được xem là một nét đẹp văn hóa đặc trưng, là niềm tự hào dân tộc và thể hiện bản sắc riêng biệt. Thời gian qua, xã Kỳ Thượng đã tổ chức rất nhiều hoạt động để phát huy, bảo tồn văn hóa dân tộc, nhất là từ những bộ trang phục truyền thống như thi thêu trang phục dân tộc; đề nghị người dân mặc trang phục dân tộc trong ngày lễ, Tết…
Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Thượng cho biết: Hiện nay, trang phục đang trở thành một phần không thể thiếu của hoạt động du lịch cộng đồng tại địa phương. Du khách khi đến đây đều tỏ ra rất ấn tượng về những bộ trang phục dân tộc của người Dao Thanh Phán và mặc trong các hoạt động trải nghiệm.
Trong tương lai sắp tới, cán bộ và nhân dân xã Kỳ Thượng kỳ vọng sẽ lan tỏa rộng rãi hơn nữa nét đẹp văn hóa đặc biệt của dân tộc Dao Thanh Phán. Từ đó lưu giữ văn hóa truyền thống một cách bền vững, đồng thời tạo nên những sản phẩm du lịch mang sắc màu văn hóa địa phương để nâng cao thu nhập, giúp nhân dân có cuộc sống ấm no, đủ đầy.