Người có hành vi bạo lực gia đình có thể bị thu thập số định danh cá nhân
Nguồn thu thập dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) gồm: Dữ liệu về cá nhân là người Việt Nam có hành vi BLGĐ; bị BLGĐ... được thu thập từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Cơ sở dữ liệu hộ tịch.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang lấy ý kiến góp ý đối với Dự thảo Nghị định quy định cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình.
Nghị định gồm 4 chương, 22 điều về nguyên tắc xây dựng, duy trì, quản lý, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu về phòng, chống BLGĐ; nguồn thu thập dữ liệu về phòng, chống BLGĐ; trách nhiệm, quyền hạn của các bộ, ngành, địa phương... trong việc khai thác và sử dụng dữ liệu từ cơ sở dữ liệu... Thời gian lấy ý kiến góp ý của tổ chức, cá nhân cho Dự thảo bắt đầu từ ngày 18/3 đến ngày 18/5.
Theo cơ quan chủ trì xây dựng, hiện nay việc thu thập thông tin về phòng, chống BLGĐ chưa được khách quan, chính xác, kịp thời và còn thiếu nguồn lực để thực hiện. Cơ sở dữ liệu về phòng, chống BLGĐ còn chưa được xây dựng đồng bộ, đầy đủ, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, chưa có sự kết nối, liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu quốc gia khác có liên quan.
Vì vậy, việc xây dựng và ban hành Nghị định quy định cơ sở dữ liệu về phòng, chống BLGĐ không chỉ xuất phát từ nhiệm vụ được giao mà còn xuất phát từ nhu cầu thực tiễn quản lý nhà nước về công tác này.
Một trong những nội dung quan trọng được thu thập trong Cơ sở dữ liệu về phòng, chống BLGĐ là số vụ BLGĐ; người bị BLGĐ, người có hành vi BLGĐ; các biện pháp ngăn chặn; biện pháp hỗ trợ người bị BLGĐ; biện pháp xử lý người có hành vi BLGĐ; nguyên nhân, hậu quả của BLGĐ; Số đơn thư khiếu nại, tố cáo về phòng, chống BLGĐ được thanh tra, kiểm tra, giải quyết theo quy định của pháp luật...
Nguồn thu thập dữ liệu về phòng, chống BLGĐ gồm: Dữ liệu về cá nhân là người Việt Nam có hành vi BLGĐ; bị BLGĐ... được thu thập từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Cơ sở dữ liệu hộ tịch.
Với người có hành vi BLGĐ, nếu là người Việt Nam, dữ liệu thu thập gồm có: số định danh cá nhân/số chứng minh nhân dân; mối quan hệ với người bị bạo lực; hành vi BLGĐ đã thực hiện (ghi rõ từng hành vi); tình trạng sức khỏe tâm thần tại thời điểm thực hiện hành vi bạo lực (mô tả rõ); thái độ khi được yêu cầu chấm dứt hành vi BLGĐ; biện pháp ngăn chặn hành vi BLGĐ; biện pháp xử lý, giáo dục người có hành vi BLGĐ tại thời điểm xảy ra hành vi và sau khi xảy ra hành vi BLGĐ.
Theo dự thảo, cơ quan, tổ chức, cá nhân được giao trách nhiệm quản lý cơ sở dữ liệu theo quy định được khai thác, sử dụng dữ liệu theo phạm vi quản lý phục vụ cho công tác quản lý nhà nước và cung cấp thông tin về BLGĐ theo quy định của pháp luật.
"Mọi hành vi khai thác, sử dụng thông tin không đúng thẩm quyền là vi phạm quy định về bảo mật thông tin và phải được xử lý theo quy định của pháp luật", dự thảo nêu rõ.
Ngoài ra, thông tin về bí mật cá nhân, bí mật gia đình trong Cơ sở dữ liệu về phòng, chống BLGĐ chỉ được sử dụng nội bộ để bảo vệ người bị BLGĐ và thành viên gia đình, xử lý người có hành vi BLGĐ; không được công bố dưới mọi hình thức, trừ trường hợp được người bị BLGĐ, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật của người bị BLGĐ đồng ý bằng văn bản theo quy định của pháp luật về phòng, chống BLGĐ...