Kinh tế

Phát triển nông nghiệp “thuận thiên”

Trần Nguyên 22/03/2024 07:03

“Thuận thiên là cả quá trình thích nghi, hài hòa giữa con người với tự nhiên một cách có kiểm soát, thuận theo các quy luật của tự nhiên để đem lại lợi ích cho con người và bảo vệ hệ sinh thái” – Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhận định tại Hội nghị Quốc gia huy động nguồn lực thực hiện các giải pháp nông nghiệp thuận thiên diễn ra tại Cà Mau ngày 21/3.

anhtren(1).jpg
Một khu rừng ngập mặn tại Cà Mau. Ảnh: Hà My.

Tìm giải pháp cho sự bền vững

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đóng góp hơn 90% tổng lượng lúa gạo xuất khẩu của cả nước, chịu trách nhiệm cho 90% xuất khẩu lúa của Việt Nam, góp phần quan trọng vào đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu khi Việt Nam đứng thứ 3 trong số các quốc gia xuất khẩu lúa lớn nhất thế giới. Không chỉ quan trọng với nông nghiệp, ĐBSCL cũng là vùng đất giàu đa dạng sinh học toàn cầu.

Tuy nhiên, ĐBSCL đang phải đối mặt với nhiều thách thức, như: thiếu nước, hạn hán, xâm nhập mặn, nhất là tác động của biến đổi khí hậu, ảnh hưởng lớn đến mọi hoạt động sản xuất, đời sống của người dân. Các nhà khoa học cảnh báo, khu vực ĐBSCL của Việt Nam có thể nằm dưới mực nước biển vào cuối thế kỷ nếu không có các hành động trên toàn lưu vực sông. Nếu tiếp tục phát triển mà không có giải pháp cho sự bền vững sẽ khiến 90% diện tích của vùng trọng điểm kinh tế nông nghiệp này của Việt Nam bị nhấn chìm, kèm theo các tác động to lớn ở cấp độ quốc gia và toàn cầu.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Lê Minh Hoan nhấn mạnh tầm quan trọng của các giải pháp thuận thiên, như việc cải thiện sinh kế của nông dân và khả năng phục hồi của nông nghiệp; giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua quá trình hấp thụ carbon của đất, đất ngập nước và rừng; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, duy trì tương lai của các hệ thống lương thực, các nhà sản xuất nông nghiệp cần sẵn sàng chuyển đổi sang các phương thức sản xuất nhằm tái tạo và phục hồi thiên nhiên, đồng thời nâng cao hệ thống lương thực hiệu quả và bền vững.

Hội nghị là hành động cụ thể của Việt Nam để triển khai cam kết Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26 và COP28), khẳng định trách nhiệm của Việt Nam nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng với ứng phó với biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên, trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển, là tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của mọi cấp, mọi ngành, mọi doanh nghiệp và người dân.

Không thể chia cắt không gian kinh tế

“Mọi hành động ứng phó với biến đổi khí hậu phải dựa vào tự nhiên, lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể để phát triển bền vững” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhắc lại lời của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại COP26, đồng thời cho rằng đây là “kim chỉ nam”, phương châm hành động cho các cấp chính quyền, cho người dân và gắn kết với Nghị quyết 120 của Chính phủ về Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bộ trưởng kêu gọi các đối tác quốc tế hỗ trợ Chính phủ Việt Nam, nhất là các hạng mục ưu tiên đầu tư không hối tiếc thông qua các dự án tại ĐBSCL; hỗ trợ thu thập, đánh giá, lựa chọn các mô hình, giải pháp thuận thiên và thực hiện thí điểm các mô hình thuận thiên và dự án thuận thiên trong nông nghiệp, chú trọng tới các giải pháp kết hợp hài hoà, đồng bộ giữa công trình và phi công trình - thích nghi theo điều kiện tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, giải pháp an sinh xã hội, quản lý bền vững nguồn lực tự nhiên gắn với chuyển đổi số và cải cách thể chế chính sách, đồng thời cam kết sẽ phát huy hiệu quả tốt nhất các nguồn lực hỗ trợ của các đối tác quốc tế; sử dụng nguồn vốn không hoàn lại hài hòa thủ tục giữa bên tiếp nhận và bên hỗ trợ.

Thông tin về các mô hình sản xuất nông nghiệp thuận thiên mang lại hiệu quả trên địa bàn tỉnh Cà Mau, thay mặt chính quyền 13 tỉnh ĐBSCL, ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho rằng, cần có hệ thống chính sách khuyến khích đầu tư, ứng dụng sâu rộng khoa học công nghệ mới mong sản xuất thuận thiên thành công, cũng như cần có sự liên kết vùng ĐBSCL trong chia sẻ nguồn nước, ứng phó biến đổi khí hậu liên vùng.

“Bài học cho các tỉnh ĐBSCL trong sản xuất nông nghiệp thuận thiên là không thể chia cắt không gian kinh tế” - ông Sử đúc kết, đồng thời kiến nghị không thực hiện cơ chế vay lại trong triển khai các giải pháp công trình ứng phó biến đổi khí hậu tại ĐBSCL.

Tại Hội nghị, các đối tác quốc tế như EU, Mỹ, Úc, FAO, UNDP… các quỹ tài chính, tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế và trong nước cam kết nguồn lực thực hiện các giải pháp nông nghiệp thuận thiên; mạng lưới kết nối các nhà đầu tư quốc tế với các địa phương và doanh nghiệp trong nước cho khu vực ĐBSCL được hình thành; các mô hình thuận thiên đã triển khai trong nước và quốc tế được chia sẻ và nhân rộng. Từ đó, đề xuất giải pháp kinh tế, kỹ thuật, tài chính, cơ chế và chính sách có liên quan nhằm nhân rộng mô hình, giải pháp nông nghiệp thuận thiên cho các vùng miền khác của Việt Nam; tăng cường hợp tác quốc tế giữa Việt Nam và các đối tác quốc tế về Tiểu vùng Sông Mê Kông cho giải pháp nông nghiệp thuận thiên.

Trần Nguyên