Xét tuyển đại học và sự công bằng
Xung quanh vấn đề xét tuyển đại học, cả phụ huynh lẫn học sinh đều băn khoăn: Có nên đăng ký nguyện vọng theo phương thức/tổ hợp xét tuyển? Có phải nguyện vọng 1 sẽ dành cho các ngành xét tuyển sớm? Phương án xét tuyển bằng học bạ có nên duy trì? Ưu tiên nhận thí sinh bằng phương thức xét tuyển sớm, thì có công bằng với những thí sinh thi tốt nghiệp trung học phổ thông?
Tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp mới đây ở Hà Nội, nhiều thí sinh và phụ huynh cho biết, dù đã được nghe giải thích rồi nhưng vẫn sợ sai. Một phụ huynh nói, bản thân là giáo viên bậc trung học phổ thông, nhưng vẫn thấy phương thức xét tuyển “như ma trận”. Vậy thì làm sao thí sinh hiểu được để ôn tập đúng hướng và đăng ký cho phù hợp?
Trong khi đó, đại diện Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) khẳng định: trên hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) thí sinh chỉ cần quan tâm tới một nguyên tắc là ngành nào thích nhất thì đặt lên trước. Trường hợp các nguyện vọng đã trúng tuyển sớm nhưng không phải ngành thích nhất, thí sinh có thể xếp sau. Nếu các ngành thí sinh thích không đủ điều kiện trúng tuyển, hệ thống sẽ vẫn xét đến ngành các em đã đủ điều kiện trúng tuyển sớm (theo quy định của các trường).
Đại diện Vụ Giáo dục đại học cũng lưu ý, thí sinh cần nhớ phải cập nhật lên hệ thống xét tuyển của Bộ GDĐT tất cả những dữ liệu có thể phục vụ cho việc xét tuyển, như điểm học bạ, chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ đánh giá năng lực, các chứng nhận để cộng điểm ưu tiên, khuyến khích theo quy chế Bộ GDĐT ban hành.
Chưa hết, đại diện Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) còn cho rằng, thí sinh cần lưu ý việc chọn môn thi. Theo quy định, học sinh dự thi để xét tốt nghiệp THPT năm nay sẽ phải đăng ký thi 4 bài trong tổng số 5 bài thi của kỳ thi này. Các em học ngoại ngữ là tiếng Anh, nhưng vẫn có thể đăng ký thi ngoại ngữ khác như tiếng Pháp, tiếng Trung, tiếng Đức… Mỗi thí sinh sẽ được cấp 1 tài khoản phục vụ việc dự thi và xét tuyển. Thí sinh cần bảo mật tài khoản này để đảm bảo không bị người khác truy cập, sửa chữa thông tin của mình.
Đúng là nghe đã thấy “rối não”.
Tuy nhiên, vấn đề không dừng ở đó, mà còn liên quan đến sự công bằng, tập trung ở vấn đề xét tuyển. Chính một vị Thứ trưởng Bộ GDĐT cũng cho rằng, phương thức xét tuyển sớm đang bộc lộ những nhược điểm cần khắc phục, đặc biệt là sự thiếu công bằng, một hiện tượng rất nhức nhối trong một số năm qua.
Kết quả đối sánh được Vụ Giáo dục đại học công bố tại Hội nghị tuyển sinh do Bộ GDĐT tổ chức cũng khiến dư luận chú ý, khi mà 60% thí sinh trúng tuyển đại học bằng học bạ có tổng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông ở tổ hợp 3 môn thấp hơn tới 3 điểm so với những em đỗ bằng xét điểm thi (20 điểm so với 23 điểm). Đó là kết quả tổng hợp và so sánh tổng điểm thi 3 môn ở 5 khối xét tuyển đại học truyền thống (A00, A01, B00, C00, D00) năm 2023 với điểm học bạ của 2 nhóm thí sinh này.
Như vậy, ngưỡng điểm đầu vào có sự chênh lệch giữa các phương thức xét tuyển. Trong khi đó, trước ý kiến “dẹp bớt" phương thức xét tuyển sớm thì có trường đồng tình, có trường phản đối. Theo lãnh đạo Đại học Đà Nẵng, đa phần học sinh khi đã được xét trúng tuyển đại học sớm thì gần như không tập trung để thi tốt nghiệp trung học, vì chỉ cần đỗ tốt nghiệp là đủ. Trong khi đó, những năm vừa qua, tỷ lệ ảo xét tuyển sớm vẫn ở ngưỡng 200-300%. Chính vì thế, mùa thi đại học 2025 cần xem xét lại phương thức xét tuyển sớm và tốt nhất là nên hạn chế.
Nói như ông Hoàng Minh Sơn - Thứ trưởng Bộ GDĐT thì các trường được phép tự chủ nhưng không có nghĩa là tự do.
Việc áp dụng các phương thức tuyển sinh sao cho công bằng đã từng được đề cập. Tại Hội nghị tổng kết năm học 2022 - 2023, phương hướng nhiệm vụ năm học 2023 - 2024 của khối giáo dục đại học, nhiều ý kiến cho rằng, phải xem lại phương thức xét tuyển sớm để tránh việc dễ dãi so với các thí sinh được trúng tuyển theo kết quả thi sau này. Có nghĩa là phải có sự công bằng.
Cũng chẳng còn bao lâu nữa các trường đại học sẽ tuyển sinh cho năm học mới. Vì vậy, phương án tuyển sinh thế nào cần phải rõ ràng, để phụ huynh, học sinh có thêm cơ hội lựa chọn. Và nhất là để tạo được sự công bằng cho các thí sinh trong cùng một mùa thi.