Thực hiện chuẩn để quy hoạch cơ sở giáo dục đại học
Chuẩn cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) đã được Bộ Giáo dục Đào tạo (GDĐT) quy định tại Thông tư 01/2024.
Theo đó, có 6 tiêu chuẩn, 2 tiêu chí và tối đa là 28 chỉ số là các yêu cầu tối thiểu về điều kiện bảo đảm chất lượng và chỉ số hoạt động của một cơ sở GDĐH.
Tại Hội nghị tập huấn triển khai Thông tư nói trên vừa diễn ra tại Hà Nội, TS Nguyễn Thị Thu Thuỷ - Phó Vụ trưởng Vụ GDĐH (Bộ GDĐT) cho biết, Bộ hướng dẫn các cơ sở GDĐH cung cấp, cập nhật dữ liệu phục vụ việc xác định các chỉ số và đánh giá mức độ đáp ứng các tiêu chí của chuẩn cơ sở GDĐH vào hệ thống cơ sở dữ liệu về GDĐH.
Các cơ sở GDĐH cung cấp, cập nhập đầy đủ, chính xác và nhất quán số liệu phục vụ việc xác định các chỉ số và đánh giá mức độ đáp ứng các tiêu chí của chuẩn cơ sở GDĐH vào hệ thống cơ sở dữ liệu về GDĐH. Đồng thời, thực hiện các biện pháp cần thiết để thường xuyên giám sát, cải tiến chất lượng và hiệu quả hoạt động GDĐH. Bên cạnh đó là thực hiện trách nhiệm giải trình đối với người học, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và các bên có liên quan về chất lượng và hiệu quả hoạt động GDĐH thông qua kết quả thực hiện chuẩn cơ sở GDĐH.
Chia sẻ về mục đích của chuẩn cơ sở GDĐH, ông Hoàng Minh Sơn - Thứ trưởng Bộ GDĐT nhấn mạnh, mục đích đầu tiên là để thực hiện quy hoạch mạng lưới cơ sở GDĐH. Khi quy hoạch mạng lưới được ban hành sẽ có nhiều việc phải làm, trong đó việc sắp xếp, mở rộng không gian phát triển, định hướng phát triển của các cơ sở GDĐH đều phải dựa trên những tiêu chuẩn đã được ban hành, đáp ứng các nhu cầu về nguồn nhân lực, về phát triển khoa học công nghệ. Đây là yêu cầu của cả hệ thống GDĐH, chứ không phải là nhu cầu hay mong muốn của từng trường. Mục đích thứ hai của chuẩn cơ sở GDĐH là vấn đề giám sát, công khai, minh bạch để cơ quan nhà nước và toàn xã hội giám sát, cũng như để các trường phấn đấu nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của mình.
Với 6 tiêu chuẩn, 2 tiêu chí và tối đa là 28 chỉ số, theo ông Sơn, các tiêu chí mang tính đại diện khá đầy đủ cho các lĩnh vực, các mảng hoạt động, kết quả hoạt động cốt yếu của các trường ĐH, từ tổ chức bộ máy quản trị, cho tới nguồn lực về đội ngũ giảng viên, về cơ sở vật chất, về tài chính, kết quả hoạt động về tuyển sinh, đào tạo, nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo. Các chỉ số mang tính định lượng cao, khá đơn giản trong việc tính toán, giám sát, theo dõi, thực hiện. Trên cơ sở này, Bộ GDĐT mong muốn các cơ sở GDĐH sẽ hiểu đúng, hiểu rõ thông tư, thực hiện có hiệu quả, đồng thời làm căn cứ để các trường có những đối sánh giữa năm trước, năm sau và trong tương lai, giữa các cơ sở GDĐH với nhau, để đánh giá hiện trạng như thế nào, đặt ra các mục tiêu theo từng khía cạnh, từng tiêu chí.
Theo Thông tư 01 nói trên, Bộ GDĐT sẽ công bố kết quả thực hiện chuẩn cơ sở GDĐH của các cơ sở GDĐH trước ngày 30/6 hàng năm, bắt đầu thực hiện từ năm 2025 cho năm báo cáo trước liền kề. Trên cơ sở dữ liệu thu thập được từ hệ thống cơ sở dữ liệu về GDĐ, thời điểm Bộ chốt số liệu là ngày 31/12 hàng năm; đối với số liệu về tài chính, thời điểm chốt số liệu là ngày 31/3 của năm tiếp theo.
Đánh giá về yêu cầu chuẩn cơ sở GDĐH, TS Lê Đông Phương - nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GDĐH (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) cho rằng, tinh thần của Thông tư 01 không bắt buộc các trường phải đạt các tiêu chuẩn, tiêu chí ngay lập tức mà tạo điều kiện cho sự chuẩn bị với mốc thời gian 2030. Việc công bố tiêu chí mang tính thông báo cho các trường, để họ căn cứ vào các tiêu chuẩn, tiêu chí đó, có sự điều chỉnh phù hợp. Có thể hiểu, đây là một động lực để các trường chuẩn bị, đáp ứng bộ tiêu chuẩn mới.
Ông Phương cũng nhận định, chuẩn cơ sở GDĐH chính là cơ sở để thực hiện Đề án Quy hoạch mạng lưới cơ sở GDĐH và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 mà Bộ GDĐT đang triển khai xây dựng. Đây sẽ là căn cứ để các địa phương bố trí đất đai, cơ sở vật chất, đáp ứng theo đúng chuẩn.