Nông dân miền Tây thu lợi từ rơm rạ
Thời gian gần đây, nông dân miền Tây không chỉ vui mừng khi lúa được giá cao mà còn kiếm thêm thu nhập từ rơm rạ sau thu hoạch.
Những ngày qua, nông dân huyện Phước Long vào thu hoạch rộ lúa đông xuân 2023 - 2024, niềm vui là năng suất lúa đạt khá cao lại bán được giá. Đáng chú ý là nhu cầu rơm rạ có xu hướng tăng cao. Thay vì đốt bỏ như trước đây, bây giờ máy cuộn rơm đã giúp cho nông dân đỡ bớt phần vất vả do phải xử lý và cải tạo đồng ruộng sau thu hoạch.
Nông dân phơi rơm rạ khô và thuê nhân công, máy cuốn rơm để dự trữ nguồn rơm làm thức ăn cho trâu, bò trong năm. Máy cuộn rơm ra đời là một giải pháp giúp người dân giải quyết được số lượng rơm lớn trong sản xuất nông nghiệp, đồng thời có thêm thu nhập cho người nông dân.
Vụ Đông Xuân này, ông Lâm Thanh Mến nông dân trồng lúa tại ở ấp Mỹ I, xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long tỉnh Bạc Liêu không chỉ bán được lúa giá cao mà còn kiếm thêm một khoản tiền nhờ bán rơm khô.
“Tôi mướn máy cuộn để thu gom rơm trong ruộng bán lại cho những hộ làm rẫy, trồng nấm. Với 5 công ruộng, nhà tôi thu được khoảng hơn 400 cuộn rơm, mỗi cuộn bán được 20.000 đồng. Có năm rơm được giá còn lên đến 25.000 - 30.000/cuộn”, ông Mến chia sẻ.
Ông Trương Phước Hiền – Phó trưởng phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Phước Long tỉnh Bạc Liêu cho hay, đốt bỏ rơm rạ trên đồng vừa lãng phí, vừa tạo ra khói bụi gây ảnh hưởng xấu cho môi trường. Rơm là nguồn phân hữu cơ dồi dào, dùng che đậy, giữ ẩm cho đất, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất cho nhiều loại cây trồng: rau màu, cây ăn trái, hoa kiểng. Ðây cũng là nguồn thức ăn có thể trữ lâu dành cho trâu bò. Bên cạnh đó, rơm rạ còn để che chắn, bảo vệ trái cây khi vận chuyển đi xa hay sử dụng trong một số lĩnh vực sản xuất giống cây trồng, dùng làm hàng thủ công mỹ nghệ, vật liệu xây dựng.
"Tiền công cuốn 1 cuộn rơm là 8.000 đồng, giá bán 1 cuộn rơm tại ruộng hơn 20.000 đồng. Ngoài ra, những chủ ruộng không có nhu cầu lấy rơm thì bán nguồn rơm lại với giá từ 100.000 - 150.000 đồng/công giúp nhiều nông dân tăng thêm thu nhập”, ông Hiền cho biết thêm.
Tại một số tỉnh miền Tây không chỉ bán rơm lấy tiền mà nhiều hộ còn thu gom để trồng nấm rơm, làm phân bón hữu cơ và phục vụ nhiều hoạt động sản xuất khác, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Anh Võ Văn Hoạch một nông dân có kinh nghiệm nhiều năm trồng nấm rơm, ngụ khu vực ấp Ninh Phú, xã Ninh Quới, huyện Hồng Dân,tỉnh Bạc Liêu cho biết, sau vụ thu hoạch lúa, anh đã thuê máy thu gom rơm lại thành từng cuộn để bán và chừa lại một số để trồng nấm rơm. Đối với anh, nấm rơm trồng được quanh năm kể cả mùa mưa hay nắng. Trung bình 1 cuộn rơm sẽ cho được 1 kg rưỡi đến 2 kg nấm. Đặc biệt, do rơm nhà sẵn có nên lợi nhuận thu được cao hơn những hộ mua lại.
“Trung bình một đợt thu hoạch được 60 triệu đồng tiền bán nấm, với giá 40.000 - 50.000 đồng một ký nấm rơm, chỉ trong vòng 1 tháng mà lời được 25 triệu đồng trở lên”, anh Hoạch chia sẻ.
Ngoài dùng để trồng nấm, cho trâu, bò ăn, không ít gia đình trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu còn tiết kiệm được một khoảng chi phí khi dùng rơm để phủ đất, làm rẫy.
Cứ sau mỗi vụ thu hoạch lúa, ông Cao Ngọc Ẩn– nông dân ở xã Hiệp Thành, thành phố Bạc Liêu tỉnh Bạc Liêu lại thuê máy cuộn để thu gom rơm để trồng màu. Theo ông Ẩn, việc dùng rơm rạ phủ đất canh tác khi trồng rau màu đã và đang được khá nhiều nhà nông áp dụng. Dùng rơm rạ phủ đất canh tác sẽ giúp hạn chế xói mòn, giảm nhiệt độ mặt đất, tăng độ hấp thu nước, giảm bốc hơi thoát hơi nước giúp ràu màu phát triển xanh tốt hơn.