Chính trị

Hai phương án để luật hóa đấu giá biển số xe

H.Vũ 22/03/2024 15:42

Vừa qua, khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, trong điều khoản chuyển tiếp, luật này nêu rõ tiếp tục thực hiện Nghị quyết 73 của Quốc hội. Hiện thời gian thí điểm đấu giá biển số xe ô tô mới 1 năm, chưa đủ điều kiện để đánh giá, tổng kết trước khi xem xét đưa vào Luật Đấu giá tài sản. Tuy nhiên, Chính phủ trình Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ đã đưa nội dung đấu giá biển số xe ô tô vào luật.

Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cơ bản nhất trí với báo cáo của Chính phủ và thấy rằng, việc thực hiện Nghị quyết số 73/2022/QH15 trong thời gian vừa qua đã đem lại kết quả tích cực, chứng minh được tính hiệu quả, tính khả thi của chính sách mới này. Nếu không kịp thời đưa vào dự thảo Luật này mà chờ hết thời gian thực hiện thí điểm, tiến hành tổng kết, báo cáo Quốc hội thì lúc đó phải tiến hành trình tự, thủ tục sửa đổi, bổ sung Luật mới được Quốc hội sẽ gây tốn kém, lãng phí cả về thời gian và ngân sách.

Từ đề xuất của Chính phủ, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đưa ra 2 phương án để luật hóa nội dung đấu giá biển số xe. Cụ thể, phương án 1 bổ sung 1 điều (Điều 37) vào dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ trên tinh thần kế thừa nội dung của Nghị quyết số 73/2022/QH15 về thí điểm đấu giá biển số xe có điều chỉnh để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết trên. Còn phương án 2 thì bổ sung nội dung đấu giá biển số xe vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho hay, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với phương án 1, vì đưa vào quy định trong dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ là phù hợp với ý kiến ĐBQH đã nêu, phù hợp với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ là luật chuyên ngành, sẽ quy định đầy đủ, cụ thể các nội dung về đấu giá biển số xe và tạo nên sự thống nhất với các quy định khác về biển số xe như quản lý phương tiện giao thông đường bộ, cấp, thu hồi chứng nhận đăng ký xe và biển số xe.

Liên quan đến vấn đề trên, theo bà Nguyễn Thị Thanh - Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết 73 trong thời gian qua đã đem lại kết quả rất tích cực, chứng minh được tính hiệu quả, khả thi của chính sách mới. Trong 5 tháng triển khai thực hiện đã tổ chức đấu giá trực tuyến thành công 15.185 biển số xe, với tổng số tiền đấu giá là 2.052 tỷ đồng, và có 1.4062 biển số xe trúng đấu giá được khách hàng nộp với số tiền 1.395 tỷ đồng. Việc đấu giá biển số xe được dư luận xã hội rất quan tâm đồng tình ủng hộ. Do đó luật hóa quy định đấu giá biển số xe là rất cần thiết.

Tuy nhiên theo bà Thanh, tại điều 7 Nghị quyết 73 quy định nghị quyết có hiệu lực thi hành từ 1/7/2023 và thực hiện trong 3 năm. Khoản 4 quy định: Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn thi hành và chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện nghị quyết này và báo cáo Quốc hội kết quả tổng kết thực hiện nghị quyết đề xuất hoàn thiện pháp luật về đấu giá biển số xe tại kỳ họp đầu năm 2026.

“Căn cứ vào Nghị quyết 73 thì Chính phủ và Ủy ban Quốc phòng và An ninh cần đánh giá kỹ hơn tác động, giải trình kỹ hơn nội dung này để báo cáo với Quốc hội trong việc luật hóa quy định đấu giá biển số xe. Nghị quyết 73 mới thực hiện chưa được 1 năm nên cần phải đánh giá tác động, giải trình kỹ hơn. Nếu được thì hoàn thiện pháp luật về đấu giá thì biển số xe là tài sản. Do đó nên “luật hóa” ở pháp luật về đấu giá tài sản là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản thì phù hợp hơn” - bà Thanh nêu quan điểm.

H.Vũ