Chứng khoán hướng tới mục tiêu thăng hạng
Bộ Tài chính vừa chính thức lấy ý kiến về việc sửa đổi nhiều quy định pháp lý có liên quan nhằm tháo gỡ một số nút thắt quan trọng, đáp ứng các tiêu chí nâng hạng của tổ chức xếp hạng thị trường.
Gỡ “nút thắt” về ký quỹ trước giao dịch
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, việc đề xuất sửa đổi các quy định pháp lý lần này là một trong những giải pháp quan trọng.
Trong số các vấn đề cần cải thiện để đạt mục tiêu nâng hạng, nhóm 2 vấn đề chính là ký quỹ trước giao dịch (pre-funding) và yêu cầu về quyền tiếp cận thông tin bình đẳng, kịp thời của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) có thể xử lý được thông qua việc sửa đổi, bổ sung một số văn bản pháp lý trong lĩnh vực chứng khoán thuộc thẩm quyền của Chính phủ và Bộ Tài chính.
Lãnh đạo UBCKNN cho biết, thời gian qua, cơ quan quản lý đã tổ chức nhiều cuộc họp, trao đổi với tổ chức xếp hạng thị trường FTSE Russell, các thành viên thị trường, các bộ, ngành có liên quan, đồng thời tham vấn từ Ngân hàng Thế giới (WB) để tìm ra giải pháp đối với vấn đề “không yêu cầu ký quỹ trước giao dịch” cho NĐTNN. Giải pháp được đưa ra là cho phép các công ty chứng khoán (CTCK) có đủ năng lực được cung cấp dịch vụ không yêu cầu NĐTNN phải có đủ 100% tiền trước thời điểm đặt lệnh mua chứng khoán mà chỉ yêu cầu NĐTNN có đủ tiền trước thời điểm thành viên lưu ký phải xác nhận kết quả giao dịch và nghĩa vụ thanh toán với Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC).
Trường hợp, đến thời điểm quy định mà NĐTNN không có đủ tiền thì nghĩa vụ thanh toán của NĐTNN sẽ được chuyển sang CTCK. Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi và sự an toàn, cơ quan quản lý đề xuất chỉ áp dụng cho NĐT tổ chức nước ngoài. Giải pháp này, theo UBCKNN, cơ bản nhận được sự đồng thuận và đánh giá có tính khả thi từ phía thành viên thị trường và WB, FTSE Russell.
Tuy nhiên, để thu hẹp các rủi ro có thể phát sinh cho thị trường khi triển khai dịch vụ này, UBCKNN cũng đã đề xuất một số nội dung liên quan đến đối tượng sử dụng dịch vụ và đối tượng áp dụng. Theo đó, việc đề xuất đối tượng được thực hiện giao dịch không ký quỹ 100% áp dụng với nhà đầu tư là tổ chức nước ngoài đã được cân nhắc kỹ lưỡng dựa trên nhiều khía cạnh.
3 nhóm ngành triển vọng trong năm 2024
Năm 2024, dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 sẽ đạt 6 – 6,5% (năm 2023 đạt 5,05%), cao hơn so với thế giới và khu vực Đông Á nhờ các động lực đến từ công nghiệp - dịch vụ dự báo tăng 10 – 12%; xuất khẩu tăng 5 – 7%, tiêu dùng tăng 8 – 9% và khu vực bao gồm đầu tư công, tư nhân và FDI cũng diễn biến tích cực.
Ngoài ra, cơ hội tăng trưởng còn đến từ xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng và dòng vốn đầu tư toàn cầu, nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược dựa trên các nền tảng vĩ mô ổn định (CPI, tỷ giá, chính sách vẫn còn dư địa…). Tất cả các yếu tố vĩ mô đang hỗ trợ rất lớn cho thị trường chứng khoán.
Theo TS Cấn Văn Lực – chuyên gia tài chính ngân hàng, cần tiếp tục triển khai các giải pháp phát triển TTCK tại Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030; sớm hoàn thiện thể chế phù hợp với bối cảnh; đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp; thực hiện quyết liệt các giải pháp nâng hạng TTCK…
Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Hoàng - Giám đốc phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán Nhất Việt (VFS) bày tỏ kỳ vọng, TTCK Việt Nam 2024 sẽ ghi nhận những diễn biến tích cực, khi thị trường đã bước vào pha tăng mới bằng việc đưa ra một loạt các thống kê về diễn biến TTCK và biến động của các cổ phiếu và các nhóm ngành trong năm 2023.
Cụ thể, mặc dù bối cảnh kinh tế khó khăn nhưng đã có 206 mã cổ phiếu vượt đỉnh so với năm 2022 theo quy mô vốn hóa, VN-Index cũng đã tạo đáy vững chắc vào tháng 11/2022…
“TTCK sẽ tăng mạnh trong năm 2024 theo đà hồi phục của nền kinh tế với các động lực chính đến từ môi trường lãi suất thấp được duy trì sẽ thẩm thấu và tác động rõ rệt lên nền kinh tế và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp” - ông Hoàng nhận định.
Đồng thời, đại diện VFS cũng đưa ra 2 kịch bản cho thị trường. Với kịch bản trung tính, kết thúc năm 2024 VN-Index có thể đạt tới vùng 1.317 - 1.366 điểm với điều kiện P/E ở vùng 13,5 – 14 và tăng trưởng EPS đạt 10%. Với kịch bản tích cực, VN-Index sẽ đạt tới vùng 1.391 – 1.441 điểm với điều kiện P/E ở vùng 14 – 14,5 và tăng trưởng EPS đạt 12%.
Trong đó, dựa trên những tiêu chí về tăng trưởng lợi nhuận, định giá hợp lý, mức độ thu hút của dòng tiền và các câu chuyện vĩ mô hỗ trợ, ông Hoàng đánh giá ngành ngân hàng, bất động sản và bán lẻ sẽ là 3 nhóm ngành triển vọng cho năm 2024.