Trường chuyên biệt loay hoay tìm hướng hoạt động
TP Hải Phòng có 2 trường chuyên biệt là Trường Nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng (quận Kiến An) và Trường Khiếm thính Hải Phòng (quận Hải An). Thực tế triển khai hoạt động giáo dục của 2 nhà trường đang bộc lộ nhiều bất cập.
Năm học 2023 - 2024, Trường Nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng có 160 học sinh (HS), được chia thành 13 lớp. Nhà trường có 32 HS khiếm thị, còn lại là HS khuyết tật trí tuệ ở độ tuổi từ 6 - 18. Hầu hết các HS đều có hoàn cảnh khó khăn, mỏng kỹ năng sống, yếu kỹ năng học đường, thậm chí có em không theo học chương trình mẫu giáo.
Ông Phạm Văn Hưng - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, do chưa có những quy định riêng cho trường chuyên biệt nên nhà trường còn gặp nhiều khó khăn. Hiện, nhà trường thực hiện theo quy định chung cho các trường tiểu học với tỷ lệ 1,5 giáo viên (GV)/lớp. Trên thực tế, lượng GV trên không phù hợp.
Ông Hưng phân tích, với đặc thù là trẻ khuyết tật, có nhiều em đa tật, khuyết tật trí tuệ, thầy cô rất vất vả trong việc quản lý, dạy dỗ. Ngoài ra, nhà trường đang hướng tới việc không chỉ rèn dạy HS kiến thức, kĩ năng mà còn dạy nghề giúp các em có thể hòa nhập cộng đồng, có cơ hội tìm việc làm để nuôi sống bản thân. Do đó, với cơ cấu GV như hiện tại không đáp ứng được yêu cầu.
Hiện nhà trường xếp 1 lớp từ 14 - 15 HS theo dạng tật và độ tuổi. Với việc bố trí HS như trên, GV tại trường chuyên biệt phải nỗ lực hơn rất nhiều so với các đồng nghiệp khác, bởi theo quy định chung về giáo dục hòa nhập thì 1 HS khuyết tật tương đương 5 HS bình thường. Ông Hưng nêu quan điểm, xuất phát từ thực tế của nhà trường, tỷ lệ GV tại trường chuyên biệt nên là 2 - 2,5 GV/lớp và mỗi lớp chỉ xếp dưới 10 HS.
Hiện tại, Bộ GDĐT chưa có giáo trình riêng cho trẻ khuyết tật, vì thế nhà trường tự soạn bộ tài liệu riêng cho phù hợp với HS. Theo Chương trình GDPT 2018, các bài dạy có khá nhiều hình ảnh, thậm chí sử dụng dụng cụ chuyên biệt như bảng tính, con tính. So với việc giảng dạy HS bình thường, truyền thụ lượng kiến thức phổ thông bằng hình ảnh qua lời nói với các HS khiếm thị, khuyết tật khó khăn hơn rất nhiều. Cô giáo Nguyễn Thị Thảo, người đã gắn bó 30 năm với nhà trường chia sẻ, không có giáo trình chung nào có thể áp dụng với tất cả trò khiếm thị và khuyết tật trí tuệ.
Từ thực tế trên, nhà trường rất mong muốn được cấp sách giáo khoa chữ nổi, giấy viết, những dụng cụ chuyên biệt để tạo điều kiện tốt nhất cho HS. Hoặc thay vì việc các thầy cô phải tự nhập thông tin, số liệu trong bài học để in sách chữ nổi như hiện tại, nhà trường mong chờ một phần mềm thiết kế bài giảng đúng, chuẩn với chương trình của Bộ GDĐT.
Cùng gặp khó trong quá trình giáo dục như trường khiếm thị, năm học 2023 - 2024, Trường khiếm thính Hải Phòng có 244 HS với 26 GV; tỷ lệ trung bình là trên 13 HS/lớp. Bà Hoàng Thị Lương - Hiệu trường nhà trường chia sẻ, HS khuyết tật khi vào trường độ tuổi không đồng đều, do đó, GV phải phân loại, bố trí lớp đảm bảo tiêu chí về dạng tật và độ tuổi. Tại trường, phương pháp đặc thù để giảng dạy các con là dùng hình miệng, ngôn ngữ kí hiệu.
“Ngoài sách giáo khoa, GV còn tham khảo nhiều nguồn tài liệu để thiết kế bài giảng phù hợp. Với trẻ khiếm thính, phương pháp giáo dục của nhà trường cơ bản ổn định. Nhưng với trẻ khuyết tật, GV đặt mục tiêu về kĩ năng giao tiếp xã hội để các em có thể phục vụ bản thân và tương tác với mọi người” - cô Lương bày tỏ.
Ông Phạm Quốc Hiệu - Phó Giám đốc Sở GDĐT TP Hải Phòng cho biết: Hiện, Bộ GDĐT đang tham mưu quy hoạch mạng lưới chung đối với trường chuyên biệt trên toàn quốc. Tại Hải Phòng, các đề xuất của nhà trường về việc tăng số lượng GV, giảm số lượng HS/lớp và giảm tải linh hoạt chương trình đều có lý. Sau khi ghi nhận những vướng mắc, Sở sẽ có ý kiến với Bộ GDĐT để xây dựng cơ chế đặc thù cho các trường. Trước mắt, GV được hưởng 170% mức lương so các trường không chuyên biệt, hưởng thu nhập tăng thêm của thành phố (từ nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương còn dư của ngân sách TP Hải Phòng). Ngoài việc kiện toàn vị trí Phó Hiệu trưởng tại 2 đơn vị, Sở cũng cân đối tuyển dụng GV, nhân viên; phối hợp với Sở Tài chính xem xét tính khả thi đề xuất tăng dự toán cho 2 nhà trường.
“Ngành giáo dục TP Hải Phòng cũng mong muốn Ban Giám hiệu, cán bộ chủ chốt 2 trường phải chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, bỏ tư duy phụ thuộc ngân sách để có chiến lược hành động phát triển nhà trường, nghiên cứu phương án tự chủ trong tương lai” - ông Hiệu nhấn mạnh.