Mù mờ thẻ tín dụng
Cuối cùng thì vào chiều 21/3, đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng đã thông tin về vụ khách hàng nợ 8,5 triệu đồng sau 11 năm được yêu cầu phải trả 8,8 tỷ đồng. Đây có lẽ là vụ lùm xùm nhất từ trước tới nay về thẻ tín dụng, khiến nhiều người “ngã ngửa”.
Đại diện Eximbank thừa nhận, trong trường hợp nợ thẻ quá hạn đến 11 năm, theo quy trình thông thường, cán bộ xử lý thẻ của ngân hàng phải căn cứ tình hình nợ để đề xuất cấp lãnh đạo một mức thu phí trước khi làm việc với khách hàng. Tuy nhiên, cán bộ thực hiện công tác xử lý nợ đã gửi một thông báo hết sức máy móc đến khách hàng, dẫn đến sự bức xúc của khách hàng.
Vì thế, sẽ không có chuyện ngân hàng thu phí 8,8 tỷ đồng mà sẽ tính toán mức hợp lý. Đại diện Eximbank cũng cho biết đã gặp gỡ khách hàng cùng trao đổi thẳng thắn “trên tinh thần hợp tác, thấu hiểu và chia sẻ”.
Trong khi đó, về việc tính lãi, theo Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, từ 8,5 triệu đồng sau 11 năm tăng lên 8,8 tỷ đồng, tức là tăng khoảng 1.000 lần thì “ai nghe qua đều thấy không hợp lý” và đây là “cách tính lãi kép”, lãi chồng lãi, trong khi những giao dịch ngân hàng thông thường thì không được tính lãi kép.
Từ vụ này, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng phải tư vấn đầy đủ các nội dung chính của sản phẩm để khách hàng nắm; phải công khai biểu phí và chỉ được thu phí theo biểu phí được công khai.
Ngân hàng hoạt động kinh doanh trên chữ tín. Nhưng qua việc lãi suất lên tới 1.000 lần sau 11 năm thì có lẽ đã thiếu chữ “tín”, thiếu sự công khai, minh bạch trong cách hành xử với khách hàng. Nhìn lại sự việc có nhiều điều rất mù mờ, trong đó có việc tính lãi kép, phí, phạt, dư nợ cộng dồn... Một điểm “mù mờ” khác là ngay cả khi chủ thẻ không sử dụng nhưng nguy cơ thành con nợ cũng rất lớn. Ngân hàng âm thầm ghi nợ cho những “tài khoản ngủ đông”, khiến cho “lãi mẹ đẻ lãi con”.
Nhiều năm qua, cuộc đua phát hành thẻ tại các ngân hàng rất ghê gớm khi tìm mọi cách phát hành thẻ để mở rộng thị phần. Theo số liệu thống kê gần nhất của Ngân hàng Nhà nước, đến quý 3/2023 có 102,15 triệu thẻ nội địa và 38,54 triệu thẻ quốc tế đang lưu hành.
Đáng chú ý, khi đồng ý mở thẻ, nhiều người đã không đọc kỹ hợp đồng, vả lại có đọc đi đọc lại thì cũng không biết được các quy định lắt léo. Hầu hết mọi người đều “đặt niềm tin” vào lời tư vấn ngon ngọt của nhân viên tín dụng. Có ngân hàng còn “dụ” người dùng mở tài khoản mới với số tài khoản bằng số điện thoại, CCCD, số đẹp... nhưng tài khoản cũ vẫn duy trì. Chủ thẻ không hề biết rằng cho dù thẻ không dùng đến thì vẫn sẽ tự động phát sinh phí thường niên..
Vấn đề ở đây là vì sao ngân hàng không thông báo định kỳ hàng tháng, hàng quý cho khách hàng rằng khách đang nợ khoản phí này? Trong khi phí thường niên của từng dòng thẻ và từng hạn mức giao dịch sẽ dao động từ vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng. Phí này được tính vào dư nợ hàng tháng của chủ thẻ, nếu chủ thẻ quên hoặc lờ đi thì vẫn bị ngân hàng tính lãi. Nếu không thanh toán đầy đủ ngân hàng sẽ “mặc kệ” không đóng thẻ và như thế số nợ lại tiếp tục nhân lên.
Trở lại với quy định tại Bộ luật Dân sự ấn định mức trần lãi suất là 20%/năm đối với khoản tiền vay. Luật cũng quy định rằng chỉ có thể phá trần lãi suất bằng một luật khác chứ không thể bằng một văn bản lập quy của cơ quan hành pháp, quản lý. Tuy nhiên, bằng nhiều cách, ngân hàng vẫn tính gộp rất nhiều loại phí, đẩy chủ thẻ vào tình thế khó khăn nếu chậm trả nợ lãi, đóng phí hoặc đóng thẻ.
Kiểu tính lãi khiến số tiền vay gốc chỉ có vài triệu đồng tăng lên thành vài tỷ trong hơn chục năm là cách hành xử không công bằng. Vì thế, cùng với việc người dân cần nhắc thận trọng khi mở thẻ tín dụng thì cũng rất cần quy định chung thống nhất, loại bỏ những loại phí “âm thầm” từ phía ngân hàng để đẩy khoản nợ lên cao chót vót.
Phía cho vay (ngân hàng) và phía vay (ở đây là người sử dụng thẻ tiêu dùng) là quan hệ cộng sinh. Nhưng nếu phía cho vay cứ “âm thầm” tính lãi với nhiều loại phí theo kiểu “nắm đằng chuôi” sẽ là cách hành xử thiếu minh bạch, không công bằng. Và điều đó cần phải được điều chỉnh.