Vẫn còn trên 40% bệnh nhân lao chưa được phát hiện
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 11 trong 30 nước có số người mắc bệnh lao cao nhất trên toàn cầu.
Tỷ lệ bệnh nhân lao kháng đa thuốc cao
Theo WHO, năm 2023 Việt Nam có thêm khoảng 172.000 người mắc lao và khoảng 13.000 người tử vong do lao, cao hơn số người tử vong vì tai nạn giao thông. Lao đa kháng thuốc ước tính chiếm 4,5% trong nhóm bệnh nhân lao mới và 15% trong nhóm đã từng điều trị; lao đồng nhiễm HIV ước tính chiếm 2,5% trong số bệnh nhân lao được phát hiện.
PGS.TS Nguyễn Bình Hòa - Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương, Phó Trưởng ban Điều hành Chương trình chống lao quốc gia cho biết, hiện tỷ lệ điều trị thành công của bệnh nhân lao tại nước ta được duy trì ở mức cao (trên 90%). Tuy vậy, công tác chống lao còn gặp không ít khó khăn và thách thức. Số bệnh nhân lao được phát hiện hàng năm tại Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 60% số bệnh nhân lao. Như vậy, sẽ có trên 40% bệnh nhân lao trong cộng đồng chưa được phát hiện và điều trị... Đáng lưu ý, trong 2 năm diễn ra dịch Covid-19, công tác phòng, chống lao tại Việt Nam chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Số bệnh nhân lao phát hiện năm 2021 giảm 22% so với năm 2020 và giảm 24,5% so với năm 2019, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có mức độ giảm phát hiện bệnh lao cao nhất toàn cầu do ảnh hưởng của đại dịch.
Những khó khăn trong công tác phòng, chống lao cũng được Bệnh viện Phổi trung ương chỉ ra. Cụ thể như trong hoạt động lao kháng thuốc, theo báo cáo năm 2023, tổng số bệnh nhân được phát hiện là 3.775, và thu nhận 3.587 vào điều trị. Tuy nhiên, kết quả này mới chỉ đạt mức 72,3% so với chỉ tiêu kế hoạch (4.963). Tỷ lệ điều trị thành công của bệnh nhân năm 2021 là 74%, còn thấp hơn chỉ tiêu đề ra (78%) và ghi nhận tỷ lệ bỏ điều trị còn cao (11,6%) trong khi phác đồ chuẩn ngắn hạn đã được mở rộng trên cả nước. Nguyên nhân có thể một phần do việc quản lý điều trị bệnh nhân lao kháng thuốc gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn dịch Covid-19.
Cùng đó là sự thay đổi về cơ chế chính sách đối với việc cung ứng thuốc lao từ nguồn ngân sách nhà nước gây ra nhiều khó khăn cho hệ thống cung ứng thuốc của Chương trình phòng, chống lao quốc gia; thuốc còn tồn tại địa phương có hạn sử dụng ngắn, nguy cơ hết hạn trong khi chưa được phê duyệt cơ chế chính sách, nguồn kinh phí mua sắm thuốc cho đối tượng bệnh nhân lao không có thẻ BHYT, bệnh nhân lao tại các cơ sở chưa đủ điều kiện thanh toán nguồn BHYT.
Bên cạnh đó nhiều tỉnh vẫn còn lúng túng trong việc triển khai mô hình phối hợp y tế công - tư (PPM) do thiếu nhân lực, thiếu kinh phí và sự chỉ đạo của Sở Y tế; hoạt động phát hiện lao trẻ em còn hạn chế, số ca lao trẻ em phát hiện còn thấp so với kỳ vọng và ước tính của WHO.
Nghiên cứu vaccine phòng bệnh lao M72 tại Việt Nam
PGS.TS Nguyễn Bình Hòa cho hay, đến nay trên thế giới có 16 loại vaccine lao đã được nghiên cứu các thử nghiệm lâm sàng, trong đó vaccine M72 là nghiên cứu ít nhất 1 lần tiêm đã đạt qua được mức khuyến cáo của WHO với độ bảo vệ khoảng 50%. Việt Nam là 1 trong 7 quốc gia được lựa chọn để triển khai nghiên cứu vaccine này. Các quốc gia được lựa chọn để triển khai nghiên cứu về vaccine là những quốc gia có khả năng về nghiên cứu, đồng thời cũng là những nước có gánh nặng bệnh lao cao.
Để tiến tới chấm dứt bệnh lao, WHO cũng như Chương trình chống lao quốc gia, Việt Nam hy vọng vào những đột phá mới như: Thuốc mới, phương pháp điều trị mới, công nghệ mới… đặc biệt quan trọng là vaccine phòng bệnh.
Trước đó, tại cuộc họp chiến lược cấp cao về việc thành lập Hội đồng thúc đẩy tiến trình phát triển vaccine phòng ngừa lao của WHO diễn ra tại Mỹ (năm 2023), TS.BS Đinh Văn Lượng - Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương, Trưởng ban Điều hành Chương trình chống lao quốc gia Việt Nam nhấn mạnh, Việt Nam ưu tiên phát triển các vaccine mới phòng ngừa bệnh lao và hiện nay là một trong 7 quốc gia tích cực tham gia vào thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 của vaccine lao M72. Theo đó, Việt Nam cam kết trong việc tiên phong tham gia các nỗ lực thực hiện nghiên cứu và phát triển vaccine; đồng thời, chủ động trong triển khai và chia sẻ các chiến lược truyền thông và khuyến khích phân phối vaccine hiệu quả.
Ngày Thế giới phòng, chống lao được tổ chức vào ngày 24/3 hàng năm, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về những ảnh hưởng nghiêm trọng của bệnh lao tới sức khỏe con người, kinh tế và xã hội, đồng thời thúc đẩy nỗ lực chấm dứt bệnh lao trên toàn cầu. Theo báo cáo của WHO năm 2023, bệnh lao vẫn là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ hai trên thế giới trong số các bệnh truyền nhiễm, chỉ sau Covid-19. Điều đáng nói là các mục tiêu toàn cầu trong công tác chống lao hiện nay vẫn chậm tiến độ.