Nắng nóng gay gắt ở ĐBSCL: Việc cung ứng điện có được đảm bảo?
Chiều 23/3, Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Cần Thơ phối hợp Tổng công ty Điện lực miền Nam tổ chức tọa đàm "Đảm bảo cung ứng điện mùa nắng nóng" trong bối cảnh nắng nóng gay gắt đang xảy ra tại nhiều địa phương ĐBSCL, làm tăng nhu về cầu điện.
Nắng nóng, cung ứng điện có được đảm bảo?
Tại tọa đàm, PGS.TS Lê Anh Tuấn - Nguyên phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu (Trường đại học Cần Thơ) cho biết, theo dự báo của các Đài khí tượng thủy văn và kinh nghiệm từ những năm gần đây, hiện nay mùa khô ở ĐBSCL có khuynh hướng kéo dài và nắng nóng với nền nhiệt độ cao có thể kéo dài đến hết tháng 4.
“Hiện nay, có nhiều ngày nhiệt độ ban ngày trên 31-32 độ. Một số điểm đo được trên đường phố nhiệt độ có thể trên 35-36 độ. Tia UV trong không khí rất cao. Mùa mua ở ĐBSCL có thể bắt đầu vào giữa tháng 5. Lúc đó, chúng ta mới hết được cảnh nắng nóng như hiện nay”, PGS.TS Lê Anh Tuấn nhận định.
Ông Bùi Quốc Hoan, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Nam cho biết, do nắng nóng lượng điện cho sinh hoạt tăng rất cao. Bên cạnh đó, nền kinh tế có những dấu hiệu đang phục hồi nên điện cho sản xuất, cho tiêu dùng thương mại cũng tăng trưởng. Các yếu tố trên tác động lớn đến việc cung cấp điện. Ngay từ cuối năm 2023, Ngành điện đã chuẩn bị các kịch bản và giải pháp để đảm bảo cung ứng điện.
“Để chuẩn bị kế hoạch cung cấp điện cho năm 2024 thì từ cuối năm 2023, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia cũng đã xây dựng các kịch bản về cung ứng điện năm 2024 trình Bộ Công thương phê duyệt. Các giải pháp cũng được chuẩn bị từ cuối năm 2023 như tích nước một cách tối ưu ở các hồ thuỷ điện để đảm bảo lượng nước dự phòng. Đối với các nhà máy nhiệt điện chúng tôi cũng đảm bảo nguồn nguyên liệu sơ cấp như than, khí và dầu để sản sàng huy động nhà máy. Đối với các Tổng công ty phân phối, trong đó có Tổng Công ty Điện lực miền Nam, ngay từ đầu năm, chúng tôi phối hợp Sở Công thương các tỉnh, thành xây dựng các kế hoạch cung ứng điện để đảm bảo sẳn sàng cho mọi tình huống”, ông Hoan thông tin.
Ông Bùi Quốc Hoan khẳng định, nếu không xảy ra “tình huống cực đoan và tình huống sự cố hệ thống xếp chồng” thì việc cung ứng điện là hoàn toàn đảm bảo. Tuy nhiện, khi nắng nóng, do nhu cầu sử dụng điện cao vào cùng một thời điểm thì không tránh khỏi xảy ra quá tải cục bộ, nhưng với công nghệ của ngành điện hiện nay, các sự cố sẽ được xử lý kịp thời.
Giải pháp nào giảm chi phí hóa đơn tiền điện?
Tại tọa đàm, ông Võ Hải Ngọc Tài, một hộ dân ở phường Thường Thạnh, quận Cái Răng (TP Cần Thơ), thắc mắc: "Tháng 2 vừa rồi gia đình chúng tôi sử dụng điện ít như tháng trước nhưng tại sao hoá đơn tiền điện lại quá cao?"
Ông Bùi Quốc Hoan - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Nam - cho rằng, qua thực tế theo dõi và qua nghiên cứu của các chuyên gia từ Đại học Bách khoa TP HCM và Trường đại học Tôn Đức Thắng cho thấy, nguyên nhân chính khiến tiền điện tăng cao là do điện năng sử dụng của khách hàng tăng dù khách hàng cảm nhận thời gian sử dụng điện vẫn như thế. Điện năng tăng cao phần lớn đến từ các thiết bị làm mát.
“Theo thống kê của các chuyên gia thì riêng điện năng tiêu thụ của điều hòa nhiệt độ vào thời điểm nắng nóng chiếm từ 30 đến 65% lượng điện năng tiêu thụ của một hộ gia đình, thậm chí có trường hợp lên đến 80%. Nguyên lý làm mát của thiết bị điều hoà có đặc tính là nhiệt độ ngoài trời càng nóng thì điện năng tiêu thụ để giảm nhiệt độ trong phòng càng lớn”, ông Hoan thông tin. Cũng theo ông Hoan, người dân còn một thói quen là khi đi ngoài trời về, vào phòng thì bật điều hòa ở nhiệt độ thấp, làm lạnh sâu ở 21 đến 220C và sau đó quên điều chỉnh lại. Và việc quên này cũng góp phần đến cuối tháng nhận hóa đơn tiền điện thì phải "giật mình".
Ông Nguyễn Quốc Toàn - Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Hậu Giang khuyến cáo khi chọn mua thiết bị sử dụng điện trong gia đình như tivi, máy giặt, tủ lạnh…, người dân nên chọn thiết bị có dán nhãn tiết kiệm năng lượng; đối thiết bị chiếu sáng nên chọn đèn led thay thế đèn thế hệ cũ. Khi sử dụng điều hòa, cần bật ở mức 260C trở lên để giảm tiêu thụ điện năng, đến khi đạt độ mát rồi thì sử dụng quạt gió thay cho điều hòa cũng là giải pháp giảm sử dụng điện.
Bên cạnh đó, ông Toàn khuyến cáo, người dân cũng nên tận dụng tối đa ánh sáng và thông gió tự nhiên để giảm chi phí sư dụng diện và nên kiểm tra, tắt các thiết bị điện khi chúng ta không sử dụng.