Chọn ngành thế nào để không làm trái nghề?
Tại mùa tuyển sinh năm 2024, việc chọn ngành như thế nào để hạn chế tình trạng làm trái ngành, trái nghề khi ra trường tiếp tục là băn khoăn của học sinh, phụ huynh.
Các chuyên gia giáo dục đưa lời khuyên, hãy học một ngành nhưng có thể làm được nhiều nghề. Khi chọn học bất cứ ngành nghề nào cũng cần trang bị cho mình thêm những kỹ năng cốt lõi để có thể thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Nhiều lựa chọn khi chọn ngành
Theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn, hiện nay có khoảng 250 trường đại học, hơn 300 trường cao đẳng, ngoài ra còn có các trường trung cấp. Số ngành ở bậc đại học là gần 500, số nghề ở trình độ cao đẳng, trung cấp cũng tương tự. Do vậy các thí sinh có đa dạng sự lựa chọn về trường học, ngành học.
Tuy nhiên, cơ hội được mở rộng, sự thuận lợi càng tăng thì sự lựa chọn nghề nghiệp của thí sinh lại có phần khó khăn hơn. Đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời, các em băn khoăn làm thế nào chọn được những nguyện vọng phù hợp nhất với sở trường của mình, phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động và có cơ hội việc làm ở tương lai.
Bên cạnh đó, sự bùng nổ thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên mạng xã hội đôi khi làm cho thí sinh, phụ huynh bị rối, thậm chí hiểu lệch, hiểu không đúng về ngành, nghề nào đó.
“Mỗi năm, số lượng thí sinh xét tuyển trúng tuyển vào đại học xấp xỉ 600.000 em, nhưng số lượng nhập học chính thức chỉ đạt khoảng 80%, như vậy 20% thí sinh đã trúng tuyển nhưng không nhập học. Chứng tỏ rằng, khi các em đăng ký nguyện vọng đến lúc các em lựa chọn trường học, ngành học lại có sự khác nhau. Ngoài ra, sau năm thứ nhất thì khoảng 5 - 7% sinh viên phải đăng ký xét tuyển lại. Như vậy, số em đã chọn sai hay chọn chưa phù hợp khi đăng ký nguyện vọng là rất nhiều” - ông Sơn nhấn mạnh.
Việc chọn ngành học không phù hợp cũng phần nào ảnh hưởng tới nhu cầu việc làm khi ra trường. Báo cáo việc làm sinh viên năm 2023 (sinh viên tốt nghiệp năm 2022) từ ĐH Điện Lực cho biết: Số lượng sinh viên có việc làm đúng ngành đào tạo và liên quan đến ngành đào tạo là 50%.
Khu vực việc làm của sinh viên phân bố chủ yếu ở 3 khu vực nhà nước, tư nhân, tự tạo việc làm và có yếu tố nước ngoài: Số lượng sinh viên có việc làm ở khu vực tư nhân đạt tỷ lệ cao nhất (69%), tiếp đến là khu vực nhà nước (13%), khu vực có yếu tố nước ngoài (11%). Bên cạnh đó, một số lượng sinh viên đang có xu hướng tự tạo việc, thích lao động tự do, tự làm chủ sản xuất kinh doanh, chiếm 8%.
Còn tại Trường Quốc tế (ĐHQG Hà Nội), Báo cáo khảo sát tình trạng việc làm của sinh viên tốt nghiệp bậc đại học cho hay: Năm 2023, sinh viên tốt nghiệp trường quốc tế chủ yếu tập trung làm việc trong lĩnh vực Thương mại/Dịch vụ” (29%), Tài chính/Tín dụng” (24,3%), Công nghệ thông tin (15,5%), số còn lại chia đều trong các lĩnh vực xuất nhập khẩu, marketing, kỹ thuật, giáo dục và các lĩnh vực khác.
Theo kết quả phản hồi, sinh viên tốt nghiệp của trường này có tỷ lệ việc làm đúng chuyên ngành đào tạo hoặc có sự liên quan tới chuyên ngành đào tạo chiếm 87,7%, có 12,3% khác ngành đào tạo. “Một điểm đáng lưu tâm khi sinh viên tốt nghiệp chưa có việc làm được hỏi, tỷ lệ cân bằng giữa việc lựa chọn ngành nghề đúng ngành đào tạo và không liên quan tới ngành đào tạo chiếm tương đối. Điều này thể hiện xu thế công việc của xã hội hiện đại, khi sinh viên có thể lựa chọn bất cứ ngành nghề nào; nhưng cũng phần nào thể hiện còn thiếu định hướng rõ ràng trong lộ trình phát triển của sinh viên sau khi tốt nghiệp” - trích Báo cáo.
Chọn sao cho đúng?
Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Phú Khánh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Phenikaa chia sẻ: Cơ hội việc làm, trước hết sẽ dựa vào kết quả điểm thi của thí sinh. Các em thi tốt thì chắc chắn sẽ có cơ hội việc làm. Các em đừng thấy ngành nào đang “hot” thì đăng ký nguyện vọng, bởi điều quan trọng là mình có phù hợp với ngành “hot” đấy không.
Ví dụ, ở ngành bán dẫn, hiện có khá nhiều thí sinh quan tâm, kể các các bạn nữ. Nhưng theo tôi, các em đừng chạy theo ngành “hot” vội mà hãy trả lời những câu hỏi này trước:
Mình có yêu thích ngành ấy không? Mình có năng lực ngành ấy không? Ngành ấy có cơ hội phát triển hay không? Học phí ngành ấy có phù hợp với gia đình mình không? Điểm chuẩn ngành ấy có phù hợp với mình không? Cái quan trọng nhất là các em phải tự xác định được năng lực của bản thân sau đó mới chọn ngành, chứ đừng chọn ngành “hot” chỉ bởi vì nó “hot”.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GDĐT) cũng đưa ra tư vấn: Hiện nay, trong các trường đại học đều có đào tạo liên ngành, xuyên ngành và kết hợp nhiều yếu tố khác nhau từ nhiều lĩnh vực, để tạo cho sinh viên một nền tảng rộng. Mỗi sinh viên cần tạo lập cho mình phương pháp học tập, tự học để có thể học tập suốt đời.
“Chúng ta học không phải để cho xong một tấm bằng đại học hay tấm bằng cao đẳng, mà việc học phải được liên tục. Với tốc độ phát triển khoa học công nghệ, phát triển kinh tế - xã hội như vũ bão trên thế giới, chúng ta không thể dừng việc học.
Việc học đại học hay cao đẳng mới chỉ là những bước đầu tiên, những nền tảng quan trọng nhất cho các em phương pháp để đi con đường dài hơi, phát triển cá nhân, phát triển bản thân, phát triển nghề nghiệp của mình. Như vậy thì chúng ta học một ngành nhưng có thể làm được nhiều nghề” - bà Thủy khẳng định.
Bà Thủy cho biết, bà từng học bậc đại học ở Trường ĐH Ngoại Thương, và bây giờ làm quản lý nhà nước về giáo dục đại học. Đó là sự tích lũy rất nhiều kiến thức trong quá trình học tập ở nhà trường, trong quá trình làm việc và những cập nhật thay đổi, biến động trên thế giới.
Bà Thủy chia sẻ thêm: Ngay từ bậc phổ thông đã có rất nhiều môn học, khóa học, học phần liên quan đến định hướng nghề nghiệp để các học sinh tự khám phá bản thân xem thế mạnh của mình ở đâu, niềm đam mê mình muốn cống hiến, tiếp tục đào sâu học tập ở đâu...
Lên đến đại học, các em sẽ tiếp tục được thầy cô mài giũa để tiến xa hơn. Nếu trong trường đại học, các em học thêm những yếu tố về công nghệ, kỹ năng mềm, các em có thể áp dụng trong lĩnh vực mà mình đang theo đuổi, đào sâu thêm những nghiên cứu chuyên sâu. Khi đó, các em bước ra đường đời cũng sẽ có nhiều lựa chọn về nghề nghiệp.