Văn hóa

'Em ơi có nơi nào đẹp hơn, chiều biên giới khi mùa đào hoa nở…'

HÀ THƯ 24/03/2024 10:39

Nhạc sĩ Trần Chung (1927-2002) quê quán huyện Lý Nhân (Hà Nam), sinh ra và lớn lên ở Hải Phòng. Ngay từ nhỏ ông đã yêu ca hát, ông đến với âm nhạc qua con đường tự học. Những bước đi ban đầu đến với âm nhạc, ông được nhạc sĩ Hoàng Quý - người khởi xướng nhóm "Đồng vọng" dìu dắt.

cua-so-chieu-bien-gioi.jpg
Sao mai Lương Hà Mỹ Anh kết hợp cùng giọng ca Hoàng Nhật trong MV “Chiều biên giới”.

Nhạc sĩ Trần Chung công tác tại chương trình “Khắp nơi ca hát” của Đài Tiếng nói Việt Nam từ năm 1965. Nhưng nhắc tới ông, nhiều người nhớ tới một con người sống đôn hậu và trầm tĩnh, giản dị. ấm áp tình người. Đồng thời, người ta nhớ nhiều đến những ca khúc của Trần Chung như: “Bài ca Trường Sơn”, “Đêm Trường Sơn nhớ Bác”, “Chiều biên giới”, “Nhớ về Cúc Phương”, “Em ơi mùa xuân đến rồi đó”…

Nghe ca khúc của ông, nhiều người chợt nhận ra những sáng tác của nhạc sĩ Trần Chung mang một dấu ấn sâu đậm về nhiều vùng miền của Tổ quốc. Có lẽ, do đặc thù công việc, Trần Chung đi nhiều nơi và đến đâu ông cũng phát hiện được vẻ đẹp của từng vùng đất. Mỗi sáng tác là một kỷ niệm đẹp của từng chuyến đi.

Những tháng ngày cả dân tộc “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, ông có những ca khúc để đời như “Bài ca Trường Sơn” phổ thơ Gia Dũng. Khi cùng những người lính hành quân ra trận, ông mơ ước có một ngày mừng vui được “Về thăm mẹ”, còn khi đất nước xảy ra chiến tranh biên giới ông lại có ngay “Chiều dài biên giới” và “Chiều biên giới”, phổ thơ Lò Ngân Sủn.

Theo nhà thơ Lò Ngân Sủn, ông viết bài thơ “Chiều biên giới” vào những năm 1980, khi đất nước ta đang xảy ra cuộc chiến tranh biên giới. Bài thơ là sự bày tỏ nỗi lòng của mình trong một buổi chiều biên cương lặng im tiếng súng.

Nhà thơ cảm thấy rất hạnh phúc vì bài thơ của mình được nhạc sĩ Trần Chung phổ nhạc, và bài hát đã truyền tải hết sức sâu sắc tâm tư tình cảm của nhà thơ. Với giai điệu nhẹ nhàng, thiết tha, trong sáng tác nhạc sĩ Trần Chung đã thổi thêm vào bài thơ một sức sống mới tươi trẻ và hào hùng. Hình ảnh biên cương trong một chiều hiện ra thật thanh bình và thơ mộng: “Chiều biên giới em ơi/ Có nơi nào cao hơn/ Như đầu sông đầu suối/ Như đầu mây đầu gió/ như trời quê biên cương...”

Từ khi ra đời, ca khúc “Chiều biên giới” đã được nhiều thế hệ ca sĩ biểu diễn. Ca sĩ Thuý Lan là người thể hiện khá thành công bài hát này và được phát thường xuyên trên làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam. Suốt một thời gian dài “Chiều biên giới” được thính giả của Đài yêu cầu phát lại liên tục trong chương trình “Ca nhạc theo yêu cầu thính giả” vào sáng chủ nhật hàng tuần.

Gần đây, nhiều ca sĩ trẻ cũng đã làm mới bản nhạc “Chiều biên giới” bằng cách phối khí, thể hiện khác nhau.

Trong đó có giọng ca Sao mai Lương Hà Mỹ Anh - giải Ba Sao mai 2017 dòng nhạc dân gian. Lương Hà Mỹ Anh chia sẻ, cô làm MV “Chiều biên giới” vì muốn dành tặng những người chiến sĩ nơi biên cương nói riêng cũng như các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung. Sở dĩ Lương Hà Mỹ Anh chọn ca khúc “Chiều biên giới” - một nhạc phẩm nổi tiếng đi cùng năm tháng bởi cô yêu ca khúc này từ khi còn nhỏ.

“Chiều biên giới” là bài hát vốn được coi là bản “tuyên ngôn” về tình yêu quê hương, Tổ quốc bằng thơ và nhạc. Mỗi khi nghe ca khúc này, cô lại hình dung đến hình ảnh của một người chiến sĩ và một cô gái dân tộc với tình yêu quê hương đất nước và những khung cảnh tươi đẹp, hùng vĩ nơi biên giới.

Nhắc tới nhạc sĩ Trần Chung không thể không viết về ca khúc “Bài ca Trường Sơn”. Đây là một trong những ca khúc nổi bật ở thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước được đông đảo khán, thính giả biết đến và đặc biệt yêu thích.

Với giai điệu hào sảng, vừa đậm chất hùng tráng, vừa sâu lắng chất trữ tình “Bài ca Trường Sơn” đã trở thành ca khúc thuộc nằm lòng của nhiều thế hệ công chúng yêu âm nhạc Việt Nam: “Trường Sơn ơi, trên đường ta qua không một dấu chân người/ Có chú nai vàng nghiêng đôi tai ngơ ngác/ Dừng ở lưng đèo mà nghe suối hát/ Ngắt một đóa hoa rừng gài lên mũ ta đi/ Trường Sơn ơi, Trường Sơn ơi/ Đèo vút cao vượt qua mây gió/ Đạp đá tai bèo bằng sức pháo ngàn cân/ Đi ta đi những trai làng Phù Đổng/ Còn gì vui hơn đường ra trận mùa xuân”…

22 năm nhạc sĩ Trần Chung đã chia xa bạn bè, người thân, nhưng những ca khúc của ông vẫn còn ở lại, đồng hành cùng các thế hệ người yêu nhạc Việt Nam. Những nhạc phẩm của nhạc sĩ Trần Chung vẫn vẹn nguyên sức tươi trẻ, nó minh chứng cho một sức sống tiềm tàng trong từng giai điệu.

Với những dấu ấn thành công nổi bật, cùng những đóng góp cho nền âm nhạc cách mạng Việt Nam, nhạc sĩ Trần Chung đã được trao tặng nhiều huân chương, giải thưởng cao quý. Trong đó, có Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật đợt I (năm 2001).

HÀ THƯ