Iceland - ‘quốc gia núi lửa’
Ngày 21/3, đại diện Văn phòng Khí tượng Iceland (IMO) cho biết vụ phun trào núi lửa bắt đầu giữa Stora Skogfell và Hagafell vào tối 17/3 rất có thể là cảnh báo nhiều hơn nữa tai họa trong năm nay.
Trong và xung quanh Grindavik, nơi một trong số 4.000 cư dân của thị trấn đã trở lại sau những đợt phun trào trước đó, cảnh sát đã ban bố tình trạng khẩn cấp. Vụ phun trào đã tạo ra các dòng dung nham nóng chảy trên diện rộng bên ngoài thị trấn Grindavik.
Alex Crawford - một trong số các du khách “tháo chạy” khỏi khu nghỉ dưỡng Blue Lagoon nổi tiếng, nằm cách khu vực núi lửa một đoạn ngắn cho biết: "Chúng tôi đã thấy nhiều xe cảnh sát, xe cứu thương và rất nhiều người đang cố gắng rời khỏi khu vực". Crawford cho biết thêm, cô được sơ tán khỏi khách sạn bằng xe bus vào ban đêm, bỏ lại phía sau một khoảng trời đỏ ối.
Trước đó, cuối tháng 11/2023, người dân ở thị trấn đánh cá Grindavik đã được sơ tán khi hệ thống núi lửa Svartsengi thức giấc sau gần 800 năm với một loạt trận động đất tạo ra những vết nứt lớn trên mặt đất phía bắc thị trấn. Cho đến ngày 18/12 cùng năm, núi lửa phun trào dữ dội với những dòng dung nham rực đỏ tuôn xuống từ trên cao.
Chưa hết, ngày 14/1/2024, những dòng dung nham đó bắt đầu tiến về phía thị trấn. Chính quyền buộc phải gấp rút dựng lên những bức tường phòng thủ để ngăn chặn một phần dòng dung nham nóng chảy, nhưng một số ngôi nhà đã bị thiêu rụi.
Tuy nhiên, Văn phòng Khí tượng Iceland (IMO) cho biết, các bức tường chắn bằng đất và đá được xây dựng ở phía bắc thị trấn Grindavik đã bị dòng dung nham phá vỡ. Hệ thống phòng thủ đã bất lực.
Cho đến ngày 8/2/2024, chính quyền buộc phải cắt hệ thống sưởi của quận cho hơn 20.000 người do dòng dung nham phá hủy đường sá và đường ống, nhưng chỉ diễn ra trong vòng vài giờ.
Theo nhà địa vật lý Magnus Tumi Gudmundsson, liên tiếp các vụ phun trào của núi lửa không chỉ đặt thị trấn Grindavik vào tình thế hung hiểm, mà còn là lời cảnh báo đối với cả đất nước Iceland cũng như châu Âu. Tiến sĩ Gudmundsson nhắc lại vụ gây bối rối lớn nhất trong thời gian gần đây là vụ phun trào núi lửa Eyjafjallajokull vào năm 2010, phun ra những đám mây tro bụi khổng lồ vào bầu khí quyển và dẫn đến việc đóng cửa không phận diện rộng trên khắp châu Âu.
Iceland nằm phía trên một điểm nóng núi lửa ở Bắc Đại Tây Dương, trung bình 4 - 5 năm lại xảy ra một vụ phun trào. Nằm giữa mảng kiến tạo Á - Âu và Bắc Mỹ, 2 trong số những mảng kiến tạo lớn nhất hành tinh, Iceland là điểm nóng về hoạt động địa chấn và núi lửa, do hai mảng này di chuyển ngược hướng nhau. Đất nước này có 33 núi lửa đang hoạt động, nhiều nhất ở châu Âu.
Cũng chính vì thế mà người Iceland như đã quen với núi lửa và động đất. Mọi người thường nhắc nhau hãy giữ vững hy vọng, vượt qua khó khăn để xây dựng cuộc sống, tạo nên cộng đồng hòa hợp. Người dân quá hiểu nỗi đau mất nhà do dung nham, nên mỗi khi có núi lửa phun trào, các vùng lân cận lập tức tương trợ, kể cả các đảo xa ngoài khơi.
Jon Orva - chuyên viên quản lý rủi ro tại cơ quan bảo hiểm thiên tai Iceland cho biết, nhà cửa tại Iceland được xây dựng theo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về thiết kế, vật liệu và có thể chống chịu được rung chấn dưới 6 độ Richter. Các thông tin về công trình đều được công khai ở từng địa phương, giúp công tác quản lý trở nên minh bạch. Trong khi đó, chính quyền và giới khoa học Iceland cũng theo dõi sát sao các hoạt động địa chấn và núi lửa, cảnh báo sớm về các hoạt động địa chấn dù rất nhỏ. Phòng chống núi lửa, động đất cũng được giảng dạy kỹ trong chương trình giáo dục phổ thông. Vì thế đã kéo giảm được thiệt hại giúp người dân có được tâm thế "sống chung với núi lửa" và cuộc sống không bị xáo trộn quá nhiều trong những đợt phun trào.
Ragnar Sigurdsson - một nhiếp ảnh gia người địa phương cho biết, nếu không được chuẩn bị tốt thì họ có thể trụ lại ở đây. Trong đó, ý thức tương trợ cộng đồng là rất quan trọng. Khi chính quyền có lệnh sơ tán, người dân trong vùng lập tức tới ngay những căn nhà có người già neo đơn, giúp thu dọn đồ đạc trong khi xe bus đã đậu sẵn bên ngoài.
“Ai cũng nghĩ rằng phải giúp người yếu thế trước, vì mình sẽ tự lo được cho mình. Khi núi lửa nguội lạnh, được trở về, ai cũng vui mừng. Rất nhiều cuộc liên hoan chung được tổ chức và ai cũng là bạn của nhau” - Sigurdsson cho biết.
Iceland là một quốc đảo thuộc châu Âu, nằm giáp vòng Cực Bắc nên khí hậu rất lạnh giá. Nằm trên vành đai núi lửa Đại Tây Dương, nên Iceland có rất nhiều núi lửa, suối nước nóng và nguồn địa nhiệt khổng lồ. Iceland cũng có rất nhiều sông băng. Nhờ có dòng hải lưu Gulf Stream chảy gần bên, khí hậu Iceland được ôn hòa hơn đôi chút. Iceland còn được gọi với biệt danh là "vùng đất lửa và băng". Iceland được xếp vào nhóm các quốc gia Bắc Âu; là hòn đảo rộng thứ 18 trên thế giới và rộng thứ nhì châu Âu, sau đảo Anh. Dân số hiện tại của Iceland hơn 377.000 người (tính đến ngày 19/3/2024) - theo số liệu của Liên hợp quốc. Mật độ dân số của Iceland là 4 người/km2; trong đó 94,05% dân số sống ở thành thị.