Tuýt còi tiền 'cọc'
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu các trường học trên địa bàn không thu tiền “giữ chỗ” trong thực hiện công tác tuyển sinh vào các lớp đầu cấp năm học 2024 - 2025.
Sở GDĐT cho hay, thời gian qua nhận được thông tin phản ánh về việc một số cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố tổ chức công tác tuyển sinh năm học 2024 - 2025 khi Sở chưa ban hành văn bản hướng dẫn tuyển sinh, trong đó một số trường yêu cầu nộp tiền “giữ chỗ” hoặc thu hồ sơ của học sinh gây khó khăn, bức xúc cho cha mẹ học sinh và dư luận xã hội. Để triển khai công tác tuyển sinh mầm non, lớp 1, lớp 6 và lớp 10 năm học 2024 - 2025 bảo đảm nghiêm túc, chính xác, công bằng, khách quan, công khai, minh bạch và đúng quy chế, Sở GDĐT yêu cầu thủ trưởng các đơn vị, trường học thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội tại Công văn số 670/UBND-KGVX ngày 13/3/2024 về việc tăng cường chỉ đạo công tác tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6 và lớp 10 THPT năm học 2024 -2025 trên địa bàn thành phố. Trong đó, nhấn mạnh yêu cầu các cơ sở giáo dục không thu (giữ) hồ sơ của học sinh nếu học sinh không có nguyện vọng theo học tại trường; không được yêu cầu học sinh hoặc cha mẹ học sinh nộp tiền “giữ chỗ” hay bất cứ khoản thu nào khác không đúng quy định, gây khó khăn, bức xúc cho học sinh, cha mẹ học sinh và dư luận xã hội.
Trên thực tế tại Hà Nội, việc tuyển sinh vào lớp 10 THPT không phải cho đến mùa tuyển sinh này mới có câu chuyện “đặt tiền - giữ chỗ”. Việc Sở GDĐT Hà Nội ra văn bản yêu cầu các trường không thu tiền giữ chỗ, cũng bởi ngay trước thời điểm tuyển sinh năm học 2024 - 2025 khoản “đặt cọc” này dao động từ 10 đến hơn 20 triệu đồng ở một số trường “hot” khối ngoài công lập khiến dư luận vô cùng bất bình.
Việc đóng phí đặt cọc là hoàn toàn tự nguyện, là thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh. Khi phụ huynh làm thủ tục đặt cọc, nhân viên tuyển sinh của các trường không quên lưu ý phụ huynh về việc số tiền cọc không được lấy lại nếu học sinh không theo học tại trường. Chủ động, tự nguyện, đồng thuận nộp phí là vậy, song chia sẻ câu chuyện này, nhiều phụ huynh vẫn cho rằng số tiền cọc do một số nhà trường đưa ra hiện ở mức cao, thậm chí quá cao so với thu nhập của họ.
Điều đáng bàn là với những học sinh có một mục tiêu, một nguyện vọng duy nhất là vào trường tư thì việc đặt cọc cũng không có gì đáng nói, bởi trước sau vẫn sử dụng số tiền này khi nhập học. Nhưng với những học sinh coi cơ hội học trường tư chỉ là phương án phụ hay phương án dự phòng thì phí đặt cọc vài triệu tới vài chục triệu là số tiền lớn và nếu không học, nhà trường là đơn vị hưởng lợi. Ghi nhận thực tế các mùa tuyển sinh qua cũng cho thấy, để chắc suất học cho con, nhiều phụ huynh đã “rải” tiền đặt cọc vào vài trường tư. Rồi sau đó học sinh may mắn đỗ vào trường công, coi như số tiền cọc không thể lấy lại là hoàn toàn lãng phí.
Tâm lý đặt cọc để chắc chỗ học cho con cũng xuất phát từ chỉ tiêu vào lớp 10 trường công ở Hà Nội những năm qua chỉ có khoảng 60%. Như vậy, khoảng 40% số học sinh tốt nghiệp THCS còn lại sẽ phải học ở các trường THPT ngoài công lập, trường nghề, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên. Nhưng xem ra, tâm lý của nhiều phụ huynh vẫn mong muốn cho con được học hết bậc THPT, ít người muốn cho con đi học nghề. Điều này xuất phát từ hai nguyên nhân cơ bản, thứ nhất là công tác hướng nghiệp bậc THCS vẫn đang làm nửa vời; thứ hai là việc dạy - học văn hóa bậc THPT ở các trường nghề đang gặp nhiều cái khó. Điều này khiến cơ hội học liên thông sau này của các em chưa thuận lợi như mong muốn.
Đồng tình với việc “tuýt còi” nói trên của Sở GDĐT Hà Nội, nhưng nhiều phụ huynh mong muốn công tác thanh, kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật về giáo dục phải thật nghiêm. Âu cũng là để tránh tình trạng tuyển sinh láo nháo - cho dù các nhà trường có lý giải việc đưa ra mức phí đặt cọc cao để tránh tình trạng hồ sơ ảo.