Tinh hoa Việt

Hội chùa Thầy có hang Cắc Cớ...

THÁI HƯƠNG LIÊN 25/03/2024 08:14

Thú thật, suốt những tháng năm thơ bé, hội chùa Thầy (nay thuộc xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội) là nơi mà tôi luôn ao ước được một lần được đặt chân đến đó.

chua-thay.jpg
Phong cảnh chùa Thầy. Ảnh: Thư Hoàng.

Chính hội là ngày mùng 7 tháng ba âm lịch, mở sau lễ hội chùa Tây Phương một ngày. Hội chùa Tây Phương thì tôi được đi nhiều rồi vì nó cách nhà chỉ một quãng đồng, nhưng hội chùa Thầy thì tôi chưa một lần được đặt chân đến.

Vào những ngày hội mở, cả làng tôi nhộn nhịp, thanh niên nam nữ kéo nhau đi từng tốp, chuyện trò cười nói vui vẻ. Xóm dưới làng trên chẳng ai bảo ai đều nghỉ việc đồng áng thường nhật, nhà nào cũng bày biện cỗ bàn, thịt gà đồ xôi, xay bột làm bánh trôi bánh chay dâng cúng tổ tiên. Những người đi xa sẽ hẹn trở về nhà vào ngày hội, chợ làng đông vui nhộn nhịp. Cánh đồng hôm ấy vắng ngắt bóng người, chỉ có vài con trâu thong dong gặm cỏ mà thôi.

Làng tôi, nhìn ra xa xa qua cánh đồng rộng là ngọn núi Thầy, chỗ ấy có ngôi chùa và cái lễ hội nức tiếng luôn diễn ra vào tháng ba âm lịch. Ngọn núi bé nhỏ nằm giữa màu xanh của lúa, tuy không điệp trùng như dãy núi phía xa kia nhưng luôn choán một chỗ lớn trong tâm trí tôi.

Lần nào ngồi trên bờ đập chờ mẹ thăm lúa hay làm việc dưới ruộng, tôi cũng nhìn về phía ngọn núi ấy và mong chờ đến ngày mình được đi hội. Tôi nghĩ chỉ cần đi xuyên qua cánh đồng trước mặt là sẽ đến chùa Thầy nhưng mẹ tôi luôn nói nó xa, xa lắm, xa đến mức tôi chưa đủ lớn để đi bộ đến đó.

Thời gian như một con tàu cũ kỹ, mệt nhoài đưa chúng tôi rời xa cái sân ga thơ bé ấy. Sau này tôi cũng có những lần đứng trên ngọn núi ấy, nhìn về phía làng mình và nghĩ về những ước ao thơ dại năm nào. Ngôi chùa vẫn ở đấy, pho tượng Phật trong câu chuyện ngày xưa vẫn thế, chỉ những làng mạc dưới chân ngọn núi nhỏ nay đã khác xưa nhiều lắm.

Tháng ba, khi lúa chiêm đã xanh mướt phủ tràn các bờ thửa, việc đồng áng đã vào lúc “nông nhàn”, chị tôi và các chị gái trong xóm bàn nhau sắm sửa áo quần mới đẹp đẽ để đi hội. Tháng ba, trời đã có mưa rào, lúa chiêm sẽ cao vượt bờ và xanh tốt khi gặp những trận mưa với tiếng sấm ì ùng từ xa vọng lại.

Còn chúng tôi cũng luôn đợi chờ những trận mưa như thế trước ngày hội. Đấy được gọi là mưa “rửa núi”, là ông trời “làm phép” tạo mưa để rửa núi sạch sẽ cho người dân trẩy hội. Lạ kỳ ở chỗ bao giờ cũng có một trận mưa như thế, dù có năm mưa to, có năm mưa nhỏ ngay trước ngày khai hội.

Những đêm mùa xuân ấy, tôi hay ngồi bên hóng chuyện các chị vừa đan quạt nan vừa nói chuyện hội hè trong không gian vọng về tiếng chẫu chàng ộp oạp từ mặt ao tối thui đầu ngõ. Chị tôi đan quạt nan bán dành dụm tiền để đi chơi hội. Tôi còn bé chỉ được cho đi hội chùa Tây Phương gần nhà thôi vì mẹ sợ tôi bị lạc. Mẹ bảo đã lạc đường ở đấy thì chẳng ai đưa về nhà. Người ta bắt được sẽ bán luôn cho các bà mế dân tộc, các bà ấy sẽ đem lên miền núi cho làm con nuôi.

Các bà mế đó tôi vẫn hay gặp ngoài đường, họ mặc váy áo rất lạ mắt, cổ đeo nhiều vòng bạc và có cái búi tóc to tổ chảng, bộ dạng nhìn rất đáng sợ. Họ thường đi khắp nơi để bán các loại thuốc bằng cây lá hoặc mật ong rừng.

Đôi lúc họ nói với nhau những câu gì đó với mà chúng tôi không hiểu được. Lũ bạn tôi kháo nhau là các bà mế ấy có phép thuật, biết bỏ bùa gì đó, nếu bị bùa thì sẽ quên hết tất cả người thân, không biết đường về nhà. Thế nên mỗi lần gặp họ là chúng tôi hò nhau chạy bán sống bán chết vì không muốn bị bắt mang đi.

dscf1587.jpg
Thủy đình chùa Thầy - nơi diễn ra những trò múa rối nước. Ảnh: Hữu Thái.

Tôi vẫn nhớ buổi sáng tiu nghỉu ngồi bên bậc hè buồn thiu nhìn chị mình diện áo đẹp đi hội với các anh chị lớn trong xóm. Hồi ấy mọi người đi bộ đến hội vì hiếm có xe đạp, nó là một tài sản lớn và quý giá.

Chị tôi bảo chị không thể cõng một “con mèo ướt” như tôi trên quãng đường dài như vậy, nên dù có khóc lóc đòi theo cũng không được, khóc quá có khi lại bị ăn roi cũng nên. Nhưng chắc vì không muốn nhìn thấy bộ mặt giống như con mèo bị cắt mất tai ấy, chị đành phải hứa lúc về sẽ mua cho tôi con búp bê nhựa và một đôi guốc sơn màu đỏ đúng ý thích. Hồi đó tôi mới học lớp một hay hai gì đó thì phải.

Chùa Thầy cách nhà tôi ở chưa đến mười cây số vậy mà lúc đó có vẻ như xa cách vạn dặm. Xa lắm nên đi bộ đến đó sẽ rất mỏi chân, phải đi xuyên qua mấy ngôi làng bên cạnh và cả mấy cánh đồng rộng mênh mông bát ngát nữa.

Chẳng phải tự nhiên mà tôi thích và tò mò muốn đặt chân đến ngôi chùa nằm dưới chân ngọn núi xanh hàng ngày tôi vẫn hay nhìn thấy trước cánh đồng làng mình đến thế. Tôi vẫn được nghe kể ở ngôi chùa cổ kính đó có một pho tượng Phật vô cùng kỳ lạ, biết đứng lên ngồi xuống khi đóng mở cửa, tài tình như trong chuyện cổ tích. Biết bao giờ tôi mới đủ lớn để có thể đến đó, để được tận mắt nhìn ông tượng kỳ lạ ấy đứng ngồi hay cử động tay chân.

Và quan trọng không kém là tôi sẽ được leo lên ngọn núi, nơi đỉnh cao nhất có Chợ Trời hay trèo xuống hang Cắc Cớ sâu thăm thẳm đầy bí ẩn. Thật đáng tiếc chỗ ấy không phải dành cho những đứa trẻ con còi cọc mặc áo quần ba năm không ngắn chật như tôi.

Tôi buồn lắm khi mỗi ngày đứng trước cửa chùa làng nhìn ra cánh đồng, ngay trước mắt vẫn là ngọn núi Thầy xanh thẫm, những hôm trời nắng tôi có thể nhìn thấy rất rõ ngọn cờ nhà Phật bay tung trên đỉnh núi. Chưa bao giờ tôi mong muốn mình chóng lớn, có đôi chân khỏe mạnh như thời khắc ấy.

Tôi ao ước ngày mình được đứng trên đỉnh ngọn núi, nơi mà chị tôi bảo có một tảng đá to và nhẵn mịn, phẳng như một tấm chiếu lớn. Chắc chắn ngồi đấy mà ngắm trời mây và nhìn ra bốn phía là cánh đồng mênh mông thì tuyệt lắm. Ngồi trên ấy có thể phóng tầm mắt nhìn về phía làng tôi, nhận ra làng mình giữa bạt ngàn làng mạc, nhận ra cánh đồng quen thuộc nơi có ba cây gạo sẽ nở chói chang mỗi khi tháng ba, mùa hội quay về.

Thỉnh thoảng tôi lại được nghe mọi người kể chuyện leo núi đá dốc cao thẳng đứng hay trèo xuống cái hang sâu thăm thẳm tối om đến mức phải dùng đuốc mới soi sáng được. Trong cái hang đáng sợ kia có rất nhiều những con dơi đen sì to tướng, dưới đáy hang nơi sâu thật sâu và tối thật tối, chỗ chẳng có ai bước chân tới được nghe đâu còn có cả những bộ xương trắng.

Tuy thế, cả làng tôi chưa có ai là người được tận mắt nhìn thấy, ai cũng chỉ là nghe kể lại mà thôi. Tôi thì đã được “tận mắt” ngắm nhìn khung cảnh chùa Thầy qua những bức ảnh đen trắng các anh chị trong xóm chụp bên ao nước múa rối có nhà thủy đình nghiêng bóng với những cây gạo đơm hoa đỏ rực. Điều đấy cũng giúp an ủi tôi được phần nào.

Những câu chuyện có sức lôi cuốn đặc biệt ấy ở trong tâm trí tôi suốt cả thời thơ ấu, nơi những tháng năm còi cọc của tôi chậm chạp qua đi trong nỗi sốt ruột của bố mẹ và chính bản thân tôi. Buồn cười là ở chỗ khi đã đủ lớn để đi qua những cánh đồng và làng xóm để đến chỗ ngọn núi xanh kia thì tôi và đám bạn cùng xóm lại không còn thích mê mệt với chuyện đi hội nữa vì bận phải đến trường.

Không khí hội hè càng về sau càng có vẻ nhạt phai hơn hồi tôi còn nhỏ hay do đã lớn lên, tâm trạng đã khác đi tôi cũng chẳng rõ. Thời gian như một con tàu cũ kỹ, mệt nhoài đưa chúng tôi rời xa cái sân ga thơ bé ấy.

Sau này tôi cũng có những lần đứng trên ngọn núi ấy, nhìn về phía làng mình và nghĩ về những ước ao thơ dại năm nào. Ngôi chùa vẫn ở đấy, pho tượng Phật trong câu chuyện ngày xưa vẫn thế, chỉ những làng mạc dưới chân ngọn núi nhỏ nay đã khác xưa nhiều lắm.

THÁI HƯƠNG LIÊN