Giao thông

Nguyên nhân nào khiến hai dự án BT ở Hà Nội dang dở?

Lê Khánh 25/03/2024 11:10

Nhiều năm nay, Hà Nội liên tục triển khai các dự án giao thông để giảm thiểu ùn tắc. Song, do thiếu mặt bằng 2 dự án BT là cầu vượt đường 70 và đường trục phía Nam TP Hà Nội vẫn "đắp chiếu".

"Đắp chiếu" vì thiếu mặt bằng

Dự án đại lộ Chu Văn An hay còn được gọi là tuyến đường Nguyễn Xiển - Xa La nối từ vành đai 3 đến quốc lộ 1A được UBND TP Hà Nội phê duyệt theo hình thức BT (đổi đất lấy cơ sở hạ tầng) vào tháng 4/2011.

Dự án được giao cho Công ty Cổ phần Bitexco làm chủ đầu tư và bắt đầu triển khai năm 2014 có chiều dài 2,5km với tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng.

Đại lộ Chu Văn An thông xe vào cuối tháng 1/2020 sau 6 năm thi công. Song, sau gần 4 năm thông xe, hạng mục cầu vượt nút giao với đường 70 tới đường Phúc La "đắp chiếu" nhiều năm qua.

w_snapseed-17.jpg
Một đoạn đường dài chỉ 300 - 400 m nhưng có tới hai nút giao cắt tạo nên xung đột giao thông, ùn tắc kéo dài vào giờ cao điểm trên tuyến đường 70.

Do đó, nút giao từ đường 70 tới đường Xa La - đoạn cuối của đại lộ Chu Văn An (trước cổng Bệnh viện K - cơ sở Tân Triều) là điểm đen ùn tắc khiến cơ quan chức năng Hà Nội bất lực.

Theo ghi nhận của PV Báo Đại Đoàn Kết, do dự án thiếu mặt bằng thi công, nhiều hạng mục trên công trường dở dang, ngổn ngang vật liệu, sắt thép hoen gỉ, cây cối mọc um tùm.

Anh Nguyễn Hoài Nam trú tại xã Tân Triều (Thanh Trì, Hà Nội) cho hay, ngày nào anh cũng phải di chuyển qua hai nút giao đường 70 - đại lộ Chu Văn An và đường 70 - Phúc La, vào giờ cao điểm đọan đường thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc. Nhất là ngày mưa gió, tình trạng ùn tắc càng diễn ra căng thẳng hơn. Các phương tiện chen chúc nhau di chuyển. "Để tránh ùn tắc tôi thường phải đi làm rất sớm", anh Nam chia sẻ.

w_dai_lo_chu_van_an-le-khanh1.jpg
Các phương tiện di chuyển trong ùn tắc do cầu vượt chưa hoàn thành.

Ông Trần Hữu Bảo - Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, hiện nay dự án dang dở do địa phương chưa hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng. Nhà đầu tư chưa thể thi công.

Cũng theo Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, dự án hiện còn vướng cả các quy định của pháp luật hiện hành, liên quan đến giao đất đối ứng dự án BT, Luật Đầu tư công, Nghị định của Chính phủ, kết luận của thanh tra kiểm toán...

"Để giải quyết được ùn tắc khu vực tuyến đường cần đôn đốc địa phương giải phóng mặt bằng bàn giao nhà đầu tư thi công thì mới giải tỏa được. Còn hiện nay tổ chức giao thông ở đó đã đủ cách rồi. Nếu giờ chúng tôi đổ tiền vào đó cải tạo thì sai luật ngân sách", ông Bảo nói.

Đại diện chỉ huy công trường dự án cầu vượt nút giao với đường 70 tới đường Phúc La cho biết: “Đơn vị đã rút toàn bộ máy móc, nhân lực khỏi công trường từ lâu để thi công dự án khác. Trên công trường hiện còn mình tôi trông nom, chờ ngày có mặt bằng để tiếp tục thi công”.

Theo vị đại diện này, lý do dự án phải tạm dừng do vướng mặt bằng của 98 hộ dân với diện tích đất 0,83ha. Tuy nhiên các hộ không phối hợp với tổ công tác ký xác nhận diện tích đất, phối hợp điều tra kê khai làm cơ sở hoàn thiện hồ sơ giải phóng mặt bằng. Những hộ thuộc diện giải toả mong muốn được tái định cư ở xã Tân Triều nhưng quỹ đất ở đây hiện không có.

Chưa thông tuyến người dân đi phải đi vòng 14km

Tuyến đường trục phía Nam Hà Nội có tổng chiều dài 41,5 km, mặt cắt ngang 40 m, dải phân cách 17 m. Tuyến nối từ Hà Đông đi xuyên qua các huyện Thanh Oai, Ứng Hòa, Phú Xuyên và kết nối với Quốc lộ 1A đoạn dưới Cầu Giẽ tại xã Châu Can, huyện Phú Xuyên. Dự án này hiện còn 19 km thuộc giai đoạn 2 và đang triển khai xây dựng.

Ông Đinh Bá Quý, Giám đốc ban quản lý dự án đường trục phía Nam cho biết: "Dự án đường trục phía Nam đã hoàn thành 18,4km, bàn giao lại cho UBND TP Hà Nội đưa vào khai thác. Hiện nay, đoạn Km18+700 đang vướng mặt bằng từ năm 2018 thuộc Xã Hồng Minh, huyện Phú Xuyên với 53 hộ dân khiến cho việc thi công bị đứt đoạn".

img_8680.jpg
Hình ảnh khu vực 53 hộ dân ở xã Hồng Minh vẫn chưa bàn giao mặt bằng.

Theo ông Quý, về phía nhà đầu tư, các đơn vị thi công luôn chuẩn bị sẵn sàng. Trên công trường đang duy trì 7 nhà thầu thi công và đang tổ chức đấu thầu những đoạn còn lại.

"Sắp tới, chúng tôi sẽ huy động khoảng 10 nhà thầu nữa vào để tiếp tục triển khai toàn tuyến ở những phạm vi đã có mặt bằng, theo đúng kế hoạch chỉ đạo của UBND TP Hà Nội", ông Quý chia sẻ.

Theo ghi nhận của PV Báo Đại Đoàn Kết, hơn 18km đường trục phía Nam Hà Nội đã được bàn giao khai thác, song, chỉ cách tỉnh lộ 429 chừng 300m, người dân đang phải đi đường vòng khoảng 14km mới có thể đi từ huyện Thanh Oai sang huyện Phú Xuyên theo tuyến đường này.

Anh Hoàn, người dân xã Hồng Minh, huyện Phú Xuyên cho biết, đoạn cầu Cienco 5 đã dang dở từ lâu, người dân từ bên này đi sang được đầu bên kia phải đi xa gấp vài chục lần.

"Thay vì hơn 100m qua cầu, người dân phải đi vòng rất xa. Đường khó đi, xe ôtô phải di chuyển rất chật hẹp", anh Hoàn cho hay.

“Hiện nay, nếu không có mặt bằng công tác xây dựng sẽ không thể thực hiện được. Ngoài 53 hộ ở xã Hồng Minh, trên đoạn qua huyện Phú Xuyên và huyện Ứng Hòa cũng vẫn còn vướng một số hộ dân chưa thể giải phóng mặt bằng làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án”, ông Quý khẳng định.

Theo ông Đinh Bá Quý, hiện nay, đơn vị thực hiện được khoảng 70% công việc của dự án. Theo kế hoạch, hết quý II/2025, dự án sẽ hoàn thành đưa vào bàn giao sử dụng. Tuy nhiên, tiến độ của dự án đang phụ thuộc rất lớn vào công tác giải phóng mặt bằng.

Lê Khánh