Bệnh viện và câu chuyện niềm tin
Không ai có thể phủ nhận những thành tựu của nền Y học hiện đại Việt Nam. Đó là trình độ phẫu thuật rất cao; điều trị bỏng, ghép tạng, chữa trị vô sinh, điều chế một số loại vaccine hiếm, phối hợp hiệu quả giữa Tây y và Đông y trong khám và điều trị, dập dịch nhanh chóng và triệt để. Vậy nhưng cũng lại xuất hiện nghịch lý khi nhiều người Việt vẫn đem theo cả “núi tiền” ra nước ngoài chữa bệnh.
Trong tháng 3/2023, nhiều người rơi vào cảnh thập tử nhất sinh đã được các bác sĩ đưa trở về với cuộc sống. Xin được nêu một số ví dụ. Trước tiên, đó là khoa Phẫu thuật thần kinh (Trung tâm Khoa học thần kinh, Bệnh viện (BV) đa khoa Tâm Anh TPHCM) điều trị thành công cho bệnh nhân 68 tuổi, bị u tuỷ sống ngực cực kỳ nguy hiểm. Trước đó, người bệnh đã bị liệt, phải ngồi xe lăn, teo cơ hai chân, tê bì mất cảm giác da phần thân dưới.
Trường hợp thứ hai, các bác sĩ BV Bình Dân TPHCM tiến hành phẫu thuật cắt bỏ khối bướu thận cho người bệnh 51 tuổi, có một quả thận độc nhất. Sau phẫu thuật, người bệnh hồi phục nhanh, xuất viện vào ngày hậu phẫu thứ năm.
Trường hợp thứ ba, nhờ kích hoạt “báo động đỏ” mà các bác sĩ BV Vũng Tàu đã tiến hành phẫu thuật mở ngực thành công cho bệnh nhân nữ 14 tuổi, bị đâm thủng tâm nhĩ phải, đâm thủng đỉnh phổi.
Cũng là bệnh nhân nữ bị một chiếc xe tải 1,5 tấn chở hàng hóa lùi và đè qua người, nhập viện trong tình trạng đa chấn thương nghiêm trọng. Bệnh viện E đã kích hoạt “báo động đỏ” huy động các khoa phòng thực hiện phẫu thuật lập tức và đã giành lại được sự sống cho cô gái. Đây là ca phẫu thuật phức tạp, người bệnh là nữ, chưa có gia đình, do đó vấn đề quan trọng là phải bảo đảm hoạt động cấp máu cho tử cung và khả năng sinh sản sau này cho người bệnh.
Ca mổ kéo dài trong 6 giờ và sau 1 tuần người bệnh đã bình phục như một điều kỳ diệu.
Và không thể không nói đến việc cũng trong tháng 3 này, BV Chợ Rẫy đã cứu sống ca bệnh hiếm, mà theo Y văn thế giới 100 năm mới ghi nhận 160 ca. Đó là trường hợp một phụ nữ 21 tuổi, mang thai 33 tuần, bị thoát vị hoành nghẹt vô cùng hiếm gặp. BV cũng đã kích hoạt “báo động đỏ”, hội chẩn liên chuyên khoa ngay tại khoa Cấp cứu; đồng thời tiến hành hội chẩn liên viện với chuyên khoa sản của BV Hùng Vương, nhằm tìm ra phương án tốt nhất để cứu sống cả mẹ và bé.
Tài năng của các bác sĩ Việt Nam là vậy, nhưng vì sao nhiều người vẫn thiếu tin tưởng? Một số liệu từ Bộ Y tế cho biết, trung bình hàng năm có tới 40.000 người Việt đem ra nước ngoài từ 2 tỷ đến 3 tỷ USD để chữa bệnh. Cũng thật đáng nói nữa là trong khi đó nhiều người nước ngoài lại tìm đến Việt Nam, phần là do tin tưởng vào tay nghề của các bác sĩ Việt Nam và cũng còn do chi phí thấp. Được biết, tính trung bình chi phí chữa trị ở BV Việt Nam chỉ từ 30-40% so với nước ngoài. Tiếng lành đồn xa, tới nay một số BV Việt Nam đã đón nhận bệnh nhân đến từ các nước có nền Y học tiên tiến như Canada, Australia...
Tuy nhiên, không thể “bắt” người bệnh phải điều trị trong nước, nếu như đó là ý muốn và họ “có điều kiện”. Quan trọng nhất phải là sự đổi mới, vươn lên không ngừng của chính ngành Y, từ đó sẽ thuyết phục được người bệnh một cách tự nhiên.
Nói về việc vì sao nhiều người Việt Nam có xu hướng ra nước ngoài chữa bệnh, nhiều ý kiến cho rằng, trước hết đó là tâm lý sính ngoại, không có niềm tin vào bác sĩ trong nước, nhất là ở khâu chẩn đoán bệnh. Sau đó là tình trạng các BV uy tín lại luôn quá tải, thủ tục rườm rà, chậm trễ. Cơ sở vật chất chật chội, chất lượng phục vụ chưa tốt cũng là lí do mà nhiều người “chê” BV nội.
Các bác sĩ còn cho rằng, lí do một số người muốn ra nước ngoài chữa bệnh còn là muốn giữ bí mật về tình trạng bệnh của mình.
Đó là những lý do rất thực tế cần nhận diện rõ để phục vụ người bệnh tốt hơn. Chỉ có như thế mới hóa giải được tâm lý vẫn tồn tại bấy lâu không tin vào bác sĩ trong nước, dù rằng tay nghề của không ít người đã thuộc hạng “vô đối”.