Đề nghị quy định về "không gian ngầm" được phép sử dụng
Dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi đã chỉnh lý quy định về quản lý không gian ngầm tại Điều 19 để phân định rõ phạm vi không gian ngầm được phép sử dụng của người có quyền sử dụng đất.
Ngày 26/3, ngay sau khi khai mạc hội nghị ĐBHQ hoạt động chuyên trách lần thứ 5, nhiệm kỳ khóa XV để thảo luận một số nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, các ĐBQH chuyên trách đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).
Báo cáo tại hội nghị, ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 7 chương và 54 điều (giảm 5 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, trong đó, đã tiếp thu, chỉnh lý trong toàn bộ 54 điều, bỏ 7 điều, bổ sung mới 02 điều.
Về tổ chức chính quyền đô thị (Chương II), trên cơ sở ý kiến của ĐBQH, Thường trực Uỷ ban Pháp luật và các cơ quan đã thống nhất tiếp thu, chỉnh lý các quy định về mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội; cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND và UBND thành phố Hà Nội, quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố và UBND phường.
Nội dung tiếp thu, chỉnh lý các quy định về tổ chức bộ máy thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ cho thành phố Hà Nội, giúp chính quyền thành phố chủ động hơn về tổ chức bộ máy, biên chế để có thể đảm đương một cách hiệu quả vai trò, nhiệm vụ hết sức đặc thù là Thủ đô của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.
Riêng đối với nội dung phân quyền về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc chính quyền thành phố Hà Nội (Điều 9), Thường trực Ủy ban Pháp luật và thành phố Hà Nội đề nghị chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng giao HĐND Thành phố quy định tiêu chí thành lập và quyết định việc thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND Thành phố; quy định tổ chức, khung số lượng, tiêu chí thành lập cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố (khoản 4 Điều 9) để bảo đảm tính chủ động, kịp thời đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trên địa bàn theo từng thời kỳ nhằm xây dựng, kiện toàn được bộ máy đủ khả năng thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp, phân quyền bổ sung.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với những nội dung tiếp thu, chỉnh lý nêu trên. Bên cạnh đó, trong quá trình tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật, có ý kiến đề nghị nên quy định cụ thể ngay trong Luật về việc thành lập thêm cơ quan mới đặc thù (tương tự như Nghị quyết số 98/2023/QH15 quy định chỉ thành lập Sở An toàn thực phẩm) hoặc chỉ giới hạn nội dung phân quyền cho HĐND thành phố Hà Nội trong việc quyết định thành lập các cơ quan chuyên môn đặc thù, cơ quan hành chính đặc thù của UBND khác quy định hiện hành để hạn chế ảnh hưởng đến tính liên thông, thống nhất của hệ thống tổ chức bộ máy nhà nước.
Về quản lý không gian ngầm (Điều 19), Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của ĐBQH, dự thảo Luật đã chỉnh lý quy định về quản lý không gian ngầm tại Điều 19 để phân định rõ phạm vi không gian ngầm được phép sử dụng của người có quyền sử dụng đất, phạm vi không gian ngầm thuộc quyền quản lý, khai thác của Nhà nước, tạo cơ sở pháp lý cho việc quản lý có hiệu quả, khai thác giá trị gia tăng từ đất đối với phần không gian ngầm ở các đô thị lớn, đặc biệt là nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng và hoàn thiện hệ thống đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội theo chủ trương, yêu cầu tại các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị.
Tiếp thu ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo Luật quy định không gian ngầm phải được phân vùng chức năng để quản lý, khai thác, sử dụng; người sử dụng đất thuộc địa bàn thành phố Hà Nội được sử dụng lòng đất theo chiều thẳng đứng trong phạm vi ranh giới thửa đất tính từ mặt đất đến mức giới hạn độ sâu do Chính phủ quy định (khoản 2 Điều 19).
Ngoài giới hạn độ sâu này, người sử dụng đất vẫn được sử dụng nếu phù hợp quy hoạch và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép (thủ tục cấp phép sẽ được nghiên cứu để đơn giản giản hóa thủ tục hành chính theo quy trình một cửa, một cửa liên thông); trong một số trường hợp phải trả tiền sử dụng không gian ngầm theo quy định của Chính phủ (chủ yếu tập trung vào công trình ngầm được khai thác, sử dụng cho mục đích kinh doanh) (khoản 2 Điều 19).
Do đây là nội dung mới, chưa có tiền lệ nên việc giao Chính phủ quy định mức giới hạn độ sâu mà người sử dụng đất được sử dụng sẽ tạo sự linh hoạt, chủ động khi ban hành, bảo đảm phù hợp với đặc điểm địa chất và tiềm năng khai thác, sử dụng không gian ngầm của từng khu vực. Để tăng tính thuyết phục, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị các cơ quan tiếp tục nghiên cứu, bổ sung đánh giá tác động về nội dung này trước khi trình Quốc hội thông qua.
Trong quá trình thảo luận, có ý kiến đề nghị quy định cụ thể ngay trong Luật về giới hạn độ sâu trong lòng đất mà người sử dụng đất bề mặt được quyền sử dụng (có thể là 15 mét) để xác định rõ giới hạn sử dụng không gian ngầm của người sử dụng đất, minh bạch hóa quyền và trách nhiệm của người sử dụng đất.
Theo ĐB Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp), không gian ngầm rất là cần thiết. Hiện nay chúng ta mới nghĩ đến không gian ngầm còn trước đây nhiều nơi trên thế giới đã tính đến vấn đề này.
"Việc xây dựng không gian ngầm ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh rất vô tội vạ vì chúng ta chưa có quy hoạch. Do đó muốn sau này nhà nước muốn xây dựng không gian ngầm, ví dụ sử dụng tàu điện ngầm, rồi tàu ngầm dưới lòng đất sẽ ảnh hưởng tới trụ sở các cơ quan, người dân xây dựng không gian ngầm ở dưới. Vì thế Hà Nội cần quy định sử dụng không gian ngầm, và khống chế số lượng không gian ngầm là 10, 15, hay 20 mét?. Đây là vấn đề cần xem xét cụ thể để đạt được hiệu quả cao nhất"-ông Hoà nói.